Nở rộ phòng khám đa khoa… đa năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các phòng khám y đa khoa hoạt động đa năng, đa dịch vụ như một bệnh viện thu nhỏ đang là mảnh đất màu mỡ, hái ra tiền và kéo theo không ít hệ lụy…

Phòng khám… đa năng

 

Ảnh: Trần Đức
Ảnh: Trần Đức

Mấy năm gần đây, xu hướng các phòng khám tư nhân chuyển dịch từ khám chuyên khoa sang đa khoa và kết hợp theo hướng đa năng, đa dịch vụ giống như một bệnh viện thu nhỏ. Tại đây, chủ cơ sở đứng tên trưởng phòng khám, hợp tác với các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng để tổ chức khám đa khoa, thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, nội soi, điện tim, X-quang… Toàn tỉnh hiện có 282 cơ sở hành nghề y tư nhân, trong đó tập trung nhiều nhất tại TP. Pleiku với 140 cơ sở. Hàng chục phòng khám đa khoa hoạt động theo mô hình đa năng và hầu hết đều ăn nên làm ra.

Phòng khám đa khoa tư nhân Hoa Lư ở khu vực ngã ba Hoa Lư (TP. Pleiku) do bác sĩ p.n.m làm Trưởng phòng khám là một ví dụ. Theo bảng hiệu quảng cáo thì tại đây thực hiện “khám: nội-ngoại-sản-nhi; siêu âm-nội soi; xét nghiệm-chụp X-quang; đo điện tim, đo loãng xương”. Tại đây, bệnh nhân lúc nào cũng đông, nhất là vài năm nay khi phòng khám này “xe duyên” với Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh để thực hiện các xét nghiệm máu, nước tiểu và chụp X-quang cho những người làm hồ sơ học và thi sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô thì lượng bệnh nhân ngồi chờ tới lượt trở nên nhiều hơn. Hoặc như tại phòng khám sản của bác sĩ N. trên đường Phan Đình Phùng, mỗi ngày có không dưới 100 bệnh nhân đến để khám, siêu âm thai.

Theo bác sĩ Đoàn Mạnh Thắng-Trưởng phòng Nghiệp vụ Y của Sở Y tế: Các kết quả khám, xét nghiệm, siêu âm, X-quang… do cơ sở y tế tư nhân thực hiện đều có giá trị pháp lý và người bác sĩ, kỹ thuật viên thực hiện các kỹ thuật, cho ra kết quả chẩn đoán đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khám, chẩn đoán của mình.   

Tuy nhiên có một thực tế là hiện nay các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh chưa đăng ký thực hiện khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế, nên các kết quả trên không được các bệnh viện sử dụng để thanh toán với bảo hiểm y tế khi người bệnh phải nhập viện điều trị. Mặt khác, dường như các bác sĩ tại bệnh viện, trung tâm y tế của nhà nước không thừa nhận và sử dụng kết quả khám, xét nghiệm, siêu âm, X-quang của người bệnh đã thực hiện trước đó tại phòng khám tư. Do vậy, khi người bệnh buộc phải nhập viện khám, điều trị nếu có chỉ định thực hiện các xét nghiệm, X-quang, siêu âm… thì phải thực hiện thêm một lần nữa.

Loạn giá dịch vụ

 

Phòng khám đa khoa… đa năng đang là mảnh đất hái ra tiền. Ảnh: Trần Đức
Phòng khám đa khoa… đa năng đang là mảnh đất hái ra tiền. Ảnh: Trần Đức

Chỉ cách nhau chừng 200 mét tại đường Lê Hồng Phong, thị xã Ayun Pa nhưng 2 cơ sở khám-chữa bệnh tư nhân của bác sĩ M. và bác sĩ D. lại có đơn giá dịch vụ khá chênh lệch với nhau. Chẳng hạn, mức giá siêu âm màu 4 chiều của bác sĩ M. là 120.000 đồng/lượt, còn mức giá của bác sĩ D. là 80.000 đồng. Trong khi đó giá siêu âm thai màu 4 chiều của bác sĩ H. trên đường Tăng Bạt Hổ (TP. Pleiku) là 200.000 đồng…  

Hoặc bảng giá của toàn bộ xét nghiệm máu, nước tiểu, X-quang để làm hồ sơ học thi sát hạch giấy phép lái xe ô tô tại phòng khám của bác sĩ M. ở ngã ba Hoa Lư là hơn 400.000 đồng/lượt còn chỉ xét nghiệm máu, nước tiểu tổng quát (không có X-quang) tại cơ sở của bác sĩ H. trên đường Quang Trung là hơn 600.000 đồng.

Ở đây chưa bàn đến chuyện chất lượng siêu âm hay X-quang, xét nghiệm vì vấn đề này còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng, độ chính xác của máy móc thiết bị và hơn hết là kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của người khám, đọc kết quả mà vấn đề loạn giá phí đang như một ma trận. Đó là chưa kể nhiều khi người bệnh đến các cơ sở còn được gợi ý làm thêm các xét nghiệm truy tìm các mối nguy cơ đến sức khỏe khác như: tìm khuẩn HP gây nguy cơ ung thư dạ dày chẳng hạn… mà nghe đến ung thư ở thời buổi này thì ai cũng sợ.

Theo quy định của Nhà nước thì các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định phí dịch vụ, nhưng phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để bệnh nhân và người nhà họ được biết và chịu sự quản lý, giám sát của Sở Y tế địa phương. Tuy nhiên, việc niêm yết giá dịch vụ thì có nhưng nhiều khi bảng giá dịch vụ được niêm yết lấp ló đằng sau cánh cửa phòng khám mà khi mở ra thì nó lại bị chính cánh cửa đó che khuất nên ít người nhìn thấy. Còn chuyện quản lý của Sở Y tế thì phải thừa nhận rằng chỉ mới dừng lại ở việc kiểm tra xem các cơ sở có treo bảng giá hay không chứ việc họ có thu phí đúng như bảng giá hay không lại là chuyện khác.

Y tế tư nhân phát triển đã chia sẻ bớt gánh nặng quá tải bệnh nhân cho hệ thống y tế nhà nước và giúp cho người bệnh được tiếp cận với cơ sở y tế để điều trị sớm hơn. Ý nghĩa tích cực đó thì không ai phủ nhận, tuy nhiên vấn đề quản lý, giám sát để phát huy hết mặt tích cực cũng như hạn chế tiêu cực của lĩnh vực này vẫn còn nhiều chuyện phải bàn. 

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

(GLO)- Dốc toàn tâm toàn lực cứu chữa cho bệnh nhân nhưng chỉ vì một vài lý do khách quan nào đấy, các bác sĩ, nhân viên y tế lại bị chính bệnh nhân hay người thân của họ hành hung. Đấy là nỗi ám ảnh mà những ai từng trải qua sẽ không thể nào quên.
Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Thấy chùm quả lạ, 5 em nhỏ đã hái và chia nhau ăn. Ngay sau khi ăn chùm quả lạ này, các em xuất hiện tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn. Quả lạ gây ngộ độc được xác định là hạt thầu dầu. Độc tố trong hạt thầu dầu được xác định rất độc, trẻ em ăn 3 – 4 quả thậm chí có nguy cơ tử vong.
Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Ban đầu chỉ từ các triệu chứng lo lắng, đau đầu nhiều, sốt cao liên tục, khó tiếp xúc, bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc bệnh viêm não hiếm gặp. Bệnh nhân trải qua thời gian nằm viện, điều trị dài kỉ lục, với gần 5 tháng quyết tâm, không nản lòng của cả thầy thuốc, thân nhân đã mang lại sự hồi phục cho cô gái trẻ.
Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não là một thuật ngữ thường dùng để mô tả một nhóm các tình trạng bệnh mạn tính ảnh hưởng đến vận động và sự phối hợp cơ bắp. Bại não do các tổn thương một hoặc nhiều vùng của não, thường xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi trước, trong hoặc sau sinh một thời gian ngắn hay trong thời kỳ trẻ nhỏ.
Hạ cholesterol từ bí đỏ

Hạ cholesterol từ bí đỏ

Cholesterol tích tụ nhiều trong cơ thể có thể gây xơ vữa động mạch, dẫn đến bệnh tim mạch. Dùng nước uống từ bí đỏ có tác dụng kiểm soát cholesterol.
Những thầy thuốc tận tâm với nghề

Những thầy thuốc tận tâm với nghề

(GLO)- Bằng tấm lòng thương yêu người bệnh, các cán bộ y tế xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) đang ngày ngày cần mẫn giúp đồng bào nghèo nơi đây xua đuổi bóng ma bệnh tật và chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho người dân.