Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người mẹ mang thai bị nhiễm HIV sẽ có khả năng lây truyền HIV cho chính đứa con của mình khi sinh ra. Tuy nhiên, y học đã chứng minh rằng, nếu thai phụ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình điều trị dự phòng miễn phí tại các cơ sở y tế thì họ sẽ có cơ hội để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, không nhiễm HIV.

 Cán bộ y tế tuyên truyền phòng-chống HIV/AIDS. Ảnh: Trần Đức
Cán bộ y tế tuyên truyền phòng-chống HIV/AIDS. Ảnh: Trần Đức

Từ năm 2009 đến nay, Ủy ban Quốc gia Phòng-chống AIDS và phòng-chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chọn tháng 6 hàng năm là Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đây là một hoạt động mang tính thiết thực và nhân đạo. Theo báo cáo của Sở Y tế, trong năm 2014, đã tiến hành lấy mẫu giám sát HIV được 18.000 mẫu (đạt 100% kế hoạch), 100% đơn vị máu được sàng lọc HIV, tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV đạt 20%. Bên cạnh giảm tỷ lệ trẻ lây nhiễm HIV từ mẹ, chương trình còn mang lại niềm hạnh phúc vô bờ bến cho người nhiễm HIV là giúp họ sinh ra được những đứa con thân yêu khỏe mạnh, không nhiễm HIV.

Ở Gia Lai, theo thống kê, đến nay đã phát hiện tổng cộng 1.233 người nhiễm HIV, trong đó có 863 người cư trú trên địa bàn tỉnh; có 437 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS (338 người cư trú trên địa bàn tỉnh) và 256 người đã chết (có 191 người cư trú trên địa bàn tỉnh). Đã có 145/222 xã, phường, thị trấn ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phát hiện có người nhiễm HIV. Đáng báo động là số người nhiễm HIV được phát hiện trên địa bàn tỉnh có tuổi đời ngày càng trẻ (nhóm từ 20 đến 39 tuổi chiếm 73,3%) và số nhiễm HIV được phát hiện từ mẹ truyền sang con cũng đã lên con số 18 người.

Riêng trong năm 2014, ngành Y tế Gia Lai triển khai tư vấn xét nghiệm cho khoảng 6.000 phụ nữ mang thai, đã phát hiện 2 phụ nữ mang thai nhiễm HIV và cả 2 trường hợp này đều được cung cấp gói dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện. Việc này đã giúp cho 2 gia đình nói trên sinh tránh được thảm họa lây truyền HIV từ mẹ sang con và đem đến niềm hạnh phúc vô bờ bến khi đón chào những đứa trẻ khỏe mạnh.

Nhằm thúc đẩy các hoạt động phòng-chống lây truyền HIV, năm 2015 tiếp tục triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ ngày 1 đến 30-6 trên quy mô toàn tỉnh với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con”, Sở Y tế-cơ quan chịu trách nhiệm về phòng-chống AIDS thuộc Ban Chỉ đạo phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh đã tổ chức hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh triển khai các hoạt động của tháng cao điểm. Mục tiêu của Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015 nhằm huy động sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể; các cơ quan, đơn vị; các tổ chức xã hội và mọi người dân vào các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đồng thời, là dịp để tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân nói chung, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai nói riêng về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tạo cơ hội cho phụ nữ mang thai tiếp cận sớm các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... góp phần thực hiện thành công mục tiêu Thiên niên kỷ loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Theo bác sĩ Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Phòng-chống HIV/AIDS tỉnh, trong tháng cao điểm, các đơn vị y tế làm chủ công cần tập trung truyền thông về lợi ích của sự tiếp cận và chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng các biện pháp như: tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai; đặc biệt tập trung vào phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV và người chồng, bạn tình của họ; chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV, phụ nữ nhiễm HIV mang thai và trẻ sinh ra từ họ; tư vấn hình thức nuôi dưỡng phù hợp trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; thực hiện sinh đẻ an toàn và tăng cường tối đa các hoạt động chuyển tiếp chăm sóc tiếp tục tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS trước và sau sinh... Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp liên ngành, sự vào cuộc gắt gao của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các bà mẹ mang thai thực hiện các nội dung của Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là yếu tố hết sức cần thiết góp phần cho sự thành công của chiến dịch.

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

(GLO)- Dốc toàn tâm toàn lực cứu chữa cho bệnh nhân nhưng chỉ vì một vài lý do khách quan nào đấy, các bác sĩ, nhân viên y tế lại bị chính bệnh nhân hay người thân của họ hành hung. Đấy là nỗi ám ảnh mà những ai từng trải qua sẽ không thể nào quên.
Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Thấy chùm quả lạ, 5 em nhỏ đã hái và chia nhau ăn. Ngay sau khi ăn chùm quả lạ này, các em xuất hiện tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn. Quả lạ gây ngộ độc được xác định là hạt thầu dầu. Độc tố trong hạt thầu dầu được xác định rất độc, trẻ em ăn 3 – 4 quả thậm chí có nguy cơ tử vong.
Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Ban đầu chỉ từ các triệu chứng lo lắng, đau đầu nhiều, sốt cao liên tục, khó tiếp xúc, bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc bệnh viêm não hiếm gặp. Bệnh nhân trải qua thời gian nằm viện, điều trị dài kỉ lục, với gần 5 tháng quyết tâm, không nản lòng của cả thầy thuốc, thân nhân đã mang lại sự hồi phục cho cô gái trẻ.
Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não là một thuật ngữ thường dùng để mô tả một nhóm các tình trạng bệnh mạn tính ảnh hưởng đến vận động và sự phối hợp cơ bắp. Bại não do các tổn thương một hoặc nhiều vùng của não, thường xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi trước, trong hoặc sau sinh một thời gian ngắn hay trong thời kỳ trẻ nhỏ.
Hạ cholesterol từ bí đỏ

Hạ cholesterol từ bí đỏ

Cholesterol tích tụ nhiều trong cơ thể có thể gây xơ vữa động mạch, dẫn đến bệnh tim mạch. Dùng nước uống từ bí đỏ có tác dụng kiểm soát cholesterol.
Những thầy thuốc tận tâm với nghề

Những thầy thuốc tận tâm với nghề

(GLO)- Bằng tấm lòng thương yêu người bệnh, các cán bộ y tế xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) đang ngày ngày cần mẫn giúp đồng bào nghèo nơi đây xua đuổi bóng ma bệnh tật và chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho người dân.