Thiếu bác sĩ: Bài toán đã có lời giải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu 5 năm trước đây, toàn tỉnh thiếu khoảng 400 bác sĩ thì nay chỉ còn thiếu khoảng 230 bác sĩ (trong đó tuyến tỉnh 65 bác sĩ và tuyến huyện, xã 165 bác sĩ). Ngoài việc thu hút bác sĩ về công tác tại tỉnh, việc cử tuyển bác sĩ học tại Học viện Quân y theo dự án đào tạo bác sĩ cử tuyển Tây Nguyên đã và đang góp phần giải bài toán thiếu bác sĩ cho tỉnh.

Trưởng thành từ Học viện Quân y

 

Ảnh: Như Nguyện
Ảnh: Như Nguyện

Nhiều năm qua, chuyện thiếu bác sĩ đối với các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng chưa bao giờ hết “nóng”. Bởi lẽ, đa phần các bác sĩ sau khi tốt nghiệp ra trường thường chọn công tác ở những nơi có điều kiện phát triển năng lực và học nâng cao chuyên môn. Để khắc phục tình trạng này, dự án đào tạo bác sĩ cử tuyển Tây Nguyên đã được triển khai từ năm 2003-2015. Học viện Quân y là đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đào tạo 600 bác sĩ cử tuyển cho các tỉnh Tây Nguyên. Riêng tại Gia Lai, giai đoạn 2003-2008, qua 6 khóa tuyển sinh, toàn tỉnh đã có 135 bác sĩ theo học tại Học viện Quân y. Đến nay đã có 104 bác sĩ tốt nghiệp ra trường (khóa còn lại sẽ tốt nghiệp vào năm 2015) và đã được phân công về nhận nhiệm vụ tại các đơn vị y tế trên toàn tỉnh.

Tại buổi gặp mặt bác sĩ cử tuyển tốt nghiệp Học viện Quân y đang công tác tại các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày 12-8 vừa qua, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đình Tảo-Trung tâm Công nghệ Phôi, Trưởng ban Thư ký dự án đào tạo bác sĩ cử tuyển Tây Nguyên-Học viện Quân y khẳng định: Đây là một đội ngũ vừa hồng, vừa chuyên; các em được đào tạo theo đúng kiến thức chuẩn, chương trình của Bộ Giáo dục- Đào tạo quy định. Trong quá trình đào tạo 7 năm, Học viện luôn chủ động kết hợp chặt chẽ, trao đổi thường xuyên với lãnh đạo cũng như ngành Y tế các tỉnh Tây Nguyên để có biện pháp quản lý, giáo dục hiệu quả và kết quả hôm nay đã có nhiều bác sĩ trẻ ra trường, trưởng thành từ Học viện Quân y.

Theo Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đình Tảo, các bác sĩ trẻ sau khi tốt nghiệp tại Học viện ra trường sẽ góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Không chỉ vậy, 50% số bác sĩ cử tuyển đã được kết nạp Đảng ngay khi còn học tại Học viện Quân y, có phẩm chất chính trị vững vàng, không chỉ chăm lo sức khỏe cho nhân dân họ cũng sẽ là những cán bộ tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng quốc phòng-an ninh vững chắc ở địa phương.

Góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân

 

Bác sĩ Ksor Hoàng (thứ hai từ phải qua) tốt nghiệp Học viện Quân y tháng 7-2011 theo Dự án đào tạo bác sĩ cử tuyển Tây Nguyên, hiện công tác tại Khoa Nội tiết- Trung tâm Phòng-chống bệnh Xã hội. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Ksor Hoàng (thứ hai từ phải qua) tốt nghiệp Học viện Quân y tháng 7-2011 theo Dự án đào tạo bác sĩ cử tuyển Tây Nguyên, hiện công tác tại Khoa Nội tiết- Trung tâm Phòng-chống bệnh Xã hội. Ảnh: Như Nguyện

Trong số 104 bác sĩ cử tuyển tốt nghiệp tại Học viện Quân y theo dự án đào tạo bác sĩ cử tuyển Tây Nguyên thì phần nhiều công tác ở các đơn vị y tế huyện, xã, chỉ một số ít công tác tại đơn vị y tế tuyến tỉnh. Đối với các bác sĩ trẻ thì việc tốt nghiệp và trở về phục vụ địa phương không chỉ là một nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội. Ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Theo quy định, bác sĩ cử tuyển ở địa phương nào thì về lại địa phương đó công tác. Nhìn chung, họ được đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, không chỉ công tác tốt ở tuyến huyện, xã mà còn có thể đáp ứng nhiệm vụ ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ trẻ có nhiệt huyết, tận tâm với nghề, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh tốt. Sở Y tế chưa ghi nhận trường hợp khiếu nại, thắc mắc nào…

Sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Học viện Quân y, tháng 9-2011, Ksor Hoàng (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) được phân công về công tác tại Khoa Nội tiết-Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh. Bác sĩ Ksor Hoàng luôn nỗ lực hết mình trong công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chia sẻ về công việc cũng như những dự định của mình, Hoàng cho biết: “Tốt nghiệp ra trường trở về địa phương, mình nhận nhiệm vụ theo sự phân công của Sở Y tế. Dù được phân công công tác ở vùng thuận lợi hay vùng khó khăn thì mình tâm niệm luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, dùng những kiến thức học được để góp phần chăm sóc sức khỏe cho người bệnh”.

Tại buổi gặp mặt bác sĩ cử tuyển tốt nghiệp Học viện Quân y ngày 12-8 vừa qua, các bác sĩ trẻ đã có dịp trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ với nhau về công việc, chuyên môn. Trong số này, có rất nhiều ý kiến bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Bác sĩ Rơ Châm Hoàng (công tác tại Trạm Y tế xã Ia Khươl, huyện Chư Pah) chia sẻ: Để chăm sóc sức khỏe cho bà con tốt hơn, mình luôn học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị bác sĩ công tác tại tỉnh, chủ yếu trao đổi qua điện thoại hoặc tham khảo, nghiên cứu tài liệu trên internet. Mình mong muốn được tạo điều kiện để được học tập, nâng cao kiến thức để phục vụ, chăm sóc sức khỏe bà con tốt hơn.

Theo Giám đốc Sở Y tế Mai Xuân Hải, nguyện vọng được đi học nâng cao trình độ chuyên môn để phục vụ nhân dân tốt hơn của các bác sĩ là chính đáng. Sở Y tế sẽ xem xét và có kế hoạch cụ thể trong thời gian tới…

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

Nỗi niềm bác sĩ trực cấp cứu

(GLO)- Dốc toàn tâm toàn lực cứu chữa cho bệnh nhân nhưng chỉ vì một vài lý do khách quan nào đấy, các bác sĩ, nhân viên y tế lại bị chính bệnh nhân hay người thân của họ hành hung. Đấy là nỗi ám ảnh mà những ai từng trải qua sẽ không thể nào quên.
Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Ăn quả thầu dầu, 5 học sinh bị ngộ độc

Thấy chùm quả lạ, 5 em nhỏ đã hái và chia nhau ăn. Ngay sau khi ăn chùm quả lạ này, các em xuất hiện tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn. Quả lạ gây ngộ độc được xác định là hạt thầu dầu. Độc tố trong hạt thầu dầu được xác định rất độc, trẻ em ăn 3 – 4 quả thậm chí có nguy cơ tử vong.
Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Hi hữu cứu sống nữ sinh 18 tuổi mắc bệnh hiếm sau 5 tháng nằm viện

Ban đầu chỉ từ các triệu chứng lo lắng, đau đầu nhiều, sốt cao liên tục, khó tiếp xúc, bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc bệnh viêm não hiếm gặp. Bệnh nhân trải qua thời gian nằm viện, điều trị dài kỉ lục, với gần 5 tháng quyết tâm, không nản lòng của cả thầy thuốc, thân nhân đã mang lại sự hồi phục cho cô gái trẻ.
Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não: Bệnh các bà mẹ cần biết

Bại não là một thuật ngữ thường dùng để mô tả một nhóm các tình trạng bệnh mạn tính ảnh hưởng đến vận động và sự phối hợp cơ bắp. Bại não do các tổn thương một hoặc nhiều vùng của não, thường xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi trước, trong hoặc sau sinh một thời gian ngắn hay trong thời kỳ trẻ nhỏ.
Hạ cholesterol từ bí đỏ

Hạ cholesterol từ bí đỏ

Cholesterol tích tụ nhiều trong cơ thể có thể gây xơ vữa động mạch, dẫn đến bệnh tim mạch. Dùng nước uống từ bí đỏ có tác dụng kiểm soát cholesterol.
Những thầy thuốc tận tâm với nghề

Những thầy thuốc tận tâm với nghề

(GLO)- Bằng tấm lòng thương yêu người bệnh, các cán bộ y tế xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) đang ngày ngày cần mẫn giúp đồng bào nghèo nơi đây xua đuổi bóng ma bệnh tật và chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho người dân.