Phú Thiện: Gần 1 năm vẫn chưa thi hành bản án có hiệu lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù bản án đã có hiệu lực gần 1 năm nhưng Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Phú Thiện vẫn không triển khai thi hành án. Sự chậm trễ, tắc trách của đơn vị này khiến đương sự hết sức bức xúc.
Tin bạn mất tiền
Trước đây, bà Phạm Thị Hội (thôn Kế Tân 2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) và bà Trần Thị Hà (Plei Tel B1, xã Ia Sol) cùng làm cán bộ Hội Phụ nữ, kiêm Tổ trưởng tổ vay vốn của thôn. Vì quen biết nhau nên bà Hội đã nhiều lần cho bà Hà mượn tiền. Các lần vay, bà Hà đều trả đúng hạn.
Ngày 6-9-2016, bà Hà tiếp tục mượn của bà Hội 265 triệu đồng. Khi đến hẹn, bà Hội nhiều lần đòi tiền nhưng bà Hà không chịu trả. Vì vậy, ngày 18-11-2016, bà Hội gửi đơn khởi kiện bà Hà lên Tòa án nhân dân huyện Phú Thiện. Ngày 8-6-2017, Tòa án nhân dân huyện đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên buộc vợ chồng bà Hà phải trả cho bà Hội số tiền cả gốc và lãi là 281 triệu đồng.
 Bà Phạm Thị Hội (bìa phải) trình bày những bức xúc vì bản án chưa được thi hành.  Ảnh: Vĩnh Hoàng
Bà Phạm Thị Hội (bìa phải) trình bày những bức xúc vì bản án chưa được thi hành. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, bà Trần Thị Hà gửi đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh. Sau đó, Tòa án nhân dân tỉnh đã 2 lần triệu tập nhưng vợ chồng bà Hà đều vắng mặt không có lý do chính đáng, không có đơn xin xét xử vắng mặt và không ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng. Vì vậy, ngày 19-12-2017, Tòa án nhân dân tỉnh đã đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Phú Thiện đã tuyên trước đó.
Gần 1 năm vẫn không thi hành án
Mặc dù bản án sơ thẩm có hiệu lực đã gần 1 năm nhưng Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Phú Thiện vẫn chưa triển khai thi hành. Trước sự chậm trễ này, bà Phạm Thị Hội đã có đơn gửi nhiều cơ quan chức năng đề nghị bảo vệ quyền lợi của mình. Làm việc với P.V, bà Hội cho biết: “Vì tin tưởng nên tôi huy động tiền của bà con trong dòng họ và tiền vay của ngân hàng để cho bà Hà mượn nhằm đáo hạn ngân hàng cho các hội viên. Tôi không ngờ bà Hà chiếm dụng hết tiền của tôi. Gia đình tôi thuộc diện chính sách, tài sản chẳng có gì ngoài căn nhà tình nghĩa được chính quyền xây tặng. Bản án đã có hiệu lực từ lâu nhưng cơ quan thi hành án vẫn không thi hành án”.
Làm việc với P.V về vấn đề này, ông Rơ Mah Y Bút-Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Phú Thiện-cho rằng, ông không có quyền cung cấp thông tin hoặc phát ngôn với cơ quan báo chí (?!). Khi chúng tôi đề nghị ông Bút chỉ trao đổi về quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ của chấp hành viên trong việc triển khai thi hành án thì ông Bút tiếp tục từ chối.
Qua tìm hiểu của P.V, không chỉ bà Hội bức xúc về việc chậm trễ thi hành bản án mà chính quyền địa phương cũng không hài lòng với cách làm việc của cơ quan thi hành án. Ông Phạm Văn Quyến-Chủ tịch UBND xã Ia Sol-cho biết: “Bản án đã có hiệu lực từ lâu. Gia đình bị hại là hộ chính sách, có hoàn cảnh khó khăn nên chính quyền địa phương rất quan tâm. Chúng tôi mong muốn cơ quan thi hành án sớm giải quyết vụ việc này để bảo vệ quyền lợi của người dân”. Cũng theo ông Quyến, vợ chồng bà Hà ngoài căn nhà đã thế chấp để vay vốn ngân hàng còn có một xe tải chở hàng và một phần diện tích đất trồng lúa. Tuy nhiên, do ở địa phương nhiều năm nay tồn tại việc người dân khi sang nhượng đất chỉ làm giấy viết tay không thông qua chính quyền địa phương nên ông Quyến không rõ ai là chủ sở hữu diện tích đất mà gia đình bà Hà đang canh tác.
Ngoài ra, theo bà Phạm Thị Hội, hiện nay, vợ chồng bà Hà đang sở hữu 1 ngôi nhà cấp 4 với diện tích đất là 410 m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 1 xe ô tô tải và 3 thửa ruộng trồng lúa. “Tài sản của người ta có nhưng cơ quan thi hành án không tiến hành kê biên hoặc làm các thủ tục pháp lý để đảm bảo việc thi hành án. Là bị hại, tôi cũng rất sợ họ sẽ tẩu tán tài sản khiến bản án khó thi hành”-bà Hội bức xúc.
Xung quanh việc Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Phú Thiện chậm giải quyết vụ việc, P.V đã có buổi làm việc với ông Đào Trọng Giáp-Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh. Ông Giáp cho biết: Cục đã nhận được thông tin về bản án chậm thi hành ở huyện Phú Thiện. Cục đã yêu cầu Chi cục báo cáo về việc này. Cũng theo ông Giáp, trong quá trình xử lý vụ việc, nếu chấp hành viên có sai sót, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức shark Thủy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.