Đắk Lắk: Lừa 24 tỉ đồng để tiêu xài và... biếu sếp!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nguyên thượng tá công an khai số tiền chiếm đoạt của gần 70 người đã tiêu xài cá nhân và làm quà biếu cho lãnh đạo, giờ không còn một xu nên không thể hoàn trả.

Ngày 29-8, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Y Tuyến Ksơr, nguyên thượng tá, nguyên phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính Công an tỉnh Đắk Lắk, về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Lừa đảo khắp nơi

Theo cáo trạng, từ tháng 5-2012 đến tháng 4-2014, Y Tuyến Ksơr là phó trưởng Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ (PA71); từ tháng 5-2014 đến tháng 8-2016 giữ chức vụ phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính (PC64) thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk. Trong khoảng thời gian đó, Y Tuyến Ksơr nói rằng có quen biết với lãnh đạo Bộ Công an và giới thiệu mình mang cấp hàm thượng tá, có khả năng xin vào học tại các trường của ngành công an, vào công tác trong ngành và xin chuyển công tác từ đơn vị này đến đơn vị khác. Tin tưởng, 62 người ở nhiều tỉnh thành trực tiếp hoặc thông qua người khác đã đưa tổng cộng hơn 24 tỉ đồng cho Y Tuyến Ksơr. Sau khi chiếm đoạt tiền, Y Tuyến Ksơr dùng một phần trả cho những người đã nhận trước đó và tiêu xài cá nhân. Còn những hồ sơ liên quan đến xin việc, xin học Y Tuyến Ksơr mang đi tiêu hủy.

 
Y Tuyến Ksơr khai nhận dùng một phần tiền lừa đảo làm quà biếu cho nhiều lãnh đạo công an tỉnh
Y Tuyến Ksơr khai nhận dùng một phần tiền lừa đảo làm quà biếu cho nhiều lãnh đạo công an tỉnh



Tại phiên tòa, Y Tuyến Ksơr thừa nhận về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và số người, số tiền mà bị cáo đã nhận. Tuy nhiên, bị cáo cũng cho rằng số tiền mình nhận của các bị hại đã trích một phần làm quà biếu cho nhiều lãnh đạo trong và ngoài ngành Công an tỉnh Đắk Lắk đồng thời tiêu xài cá nhân. "Vì lừa đảo nên tôi không quen biết ai cả. Số tiền các bị hại đưa đã quá lâu, sức khỏe kém nên bị cáo không nhớ rõ. Giờ đây, bị cáo không còn một đồng xu nào nên không thể bồi thường lại cho bất kỳ ai" - bị cáo thẳng thừng. Ngoài ra, bị cáo cũng cho rằng tặng quà cho nhiều cán bộ công an, viện kiểm sát là chung chi một phần cho những người trung gian giới thiệu. Do đó bị cáo đề nghị tòa chuyển hồ sơ cho Bộ Công an để điều tra làm rõ những người liên quan.

Tuy nhiên, HĐXX nhận định việc bị cáo Y Tuyến Ksơr khai có tặng cho nhiều lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk số tiền lớn nhưng lại không có bằng chứng nào để chứng minh nên lời khai không có cơ sở xem xét.

Rơi vào cảnh khốn đốn

Đến tham dự phiên tòa, có nhiều bị hại đến từ Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Nghệ An, TP HCM… Ông Y Riăng Mlô (SN 1962; ngụ tỉnh Đắk Lắk) khai, tháng 7-2015, thông qua một cán bộ công tác trong ngành công an, ông nghe Y Tuyến Ksơr có khả năng xin học tại các trường công an. Tưởng thật, ông Y Riăng Mlô đã đưa cho Y Tuyến Ksơr 300 triệu đồng để xin cho người con út được học tại Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông ở Đà Nẵng và được hứa hẹn đến ngày 20-10-2015 sẽ có quyết định nhập học, nếu xin không được sẽ hoàn trả lại tiền. "Số tiền này gia đình tôi vay mượn của ngân hàng. Giờ đây, không xin được cho con đi học lại phải trả tiền lãi mỗi tháng nên gia đình rơi vào cảnh khốn đốn" - ông Y Riăng Mlô nghẹn ngào nói.

Cùng cảnh, bà Lê Thị Sâm cũng đau khổ không kém. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi con ăn học. Khi con ra trường, thông qua mối quan hệ, bà mượn tiền ngân hàng đưa cho Y Tuyến Ksơr 200 triệu đồng để xin cho con gái vào làm việc tại Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Đắk Lắk. "Không xin được việc làm mà phải gồng gánh khoản lãi mỗi tháng. Giờ ông Y Tuyến Ksơr nói không còn tiền trả khiến tôi vô cùng hoang mang; không biết lấy đâu ra tiền trả khoản nợ lớn" - bà Sâm ứa lệ.

Nghe bị cáo phủ nhận khả năng trả tiền, ông Đặng Văn Tâm (ngụ Nghệ An) lo lắng ra mặt. Ông Tâm kể, năm 2014, thông qua 1 người ở Gia Lai, ông đã bỏ ra 450 triệu đồng để chạy cho con học trường cảnh sát. Suốt nhiều năm qua, ông đã phải vào Đắk Lắk, Gia Lai hơn 10 lần để phục vụ công tác điều tra. "Bao nhiêu tài sản đã cầm cố tại ngân hàng rồi vay mượn thêm để chạy học cho con, chi phí đi lại nhưng giờ ông Y Tuyến Ksơr nói vậy khiến tôi vô cùng hoang mang" - ông Tâm rầu rĩ.

Dự kiến, phiên tòa sẽ tiếp tục xét xử vào hôm nay (30-8).

Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức shark Thủy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.