Cận cảnh "xẻ thịt" rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều cây gỗ rừng tự nhiên bị “xẻ thịt” không thương tiếc. Gỗ cưa thành phách, thành tấm, ngọn cây gỗ nằm ngổn ngang. Rừng phòng hộ tại tiểu khu 142 và 145 thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) đang bị tàn phá nghiêm trọng.
Trong ngày 30-7, PV Báo SGGP đã tiếp cận, ghi nhận hiện trường vụ phá rừng tại 2 tiểu khu 142 và 145 thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn.
Theo nghi nhận của chúng tôi, “lâm tặc” mở một con đường lớn để khai thác, tẩu tán gỗ. Men theo con đường dốc đứng hun hút vào rừng, chúng tôi mất hơn 2 giờ đồng hồ để vượt rừng, tiếp cận nơi "lâm tặc" cưa hạ gỗ rừng.
Nhiều cây gỗ rừng tự nhiên đường kính lớn bị
Nhiều cây gỗ rừng tự nhiên đường kính lớn bị "lâm tặc" cưa hạ, nằm ngổn ngang
Con đường càng vào sâu trong rừng tự nhiên càng có nhiều bãi tập kết gỗ của “lâm tặc”. Ở đó, gỗ đã cưa ra thành từng phách lớn, đóng đinh sắt, néo dây ở đầu thân gỗ để đợi thời cơ vận chuyển ra khỏi rừng.
Sau một hồi leo dốc, đến đỉnh rừng, chúng tôi còn phát hiện nhiều cây gỗ đường kính lớn bị cưa hạ, xẻ thành từng khúc. Nhiều gốc cây có đường kính từ 40 đến trên 90cm bị cưa hạ, nằm “trơ gan”...
Cũng trong ngày 30-7, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã có báo cáo UBND tỉnh Bình Định về vụ khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 142 và tiểu khu 145 thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh.
Theo ông Hổ, do vụ việc có tính chất phức tạp nên Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh, UBND huyện Vĩnh Thạnh và các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức điều tra, xác minh, làm rõ đối tượng khai thác gỗ trái phép; xác lập hồ sơ xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật…
Các bãi tập kết gỗ của
Các bãi tập kết gỗ của "lâm tặc"
Trước đó, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh cũng đã phối hợp Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và UBND xã Vĩnh Sơn kiểm tra rừng tại khoảnh 4, tiểu khu 142 và khoảnh 8, tiểu khu 145 (xã Vĩnh Sơn); nhưng khi báo cáo, đơn vị chức năng chỉ phát hiện 15 cây gỗ dổi, nhóm III, bị cưa hạ trái phép, dấu vết còn mới.
Mở rộng kiểm tra hiện trường, Tổ công tác phát hiện thêm 8 cây gỗ dổi bị cưa hạ trái phép, dấu vết đã cũ, gỗ đã bị cưa xẻ và vận chuyển khỏi hiện trường. Dọc theo đường mòn kéo gỗ về phía Đông khoảng 2km phát hiện một lán trại không có người ở, bên trong lán trại có 4 cái võng, quần áo và một số đồ dùng khác (xoong, nồi, chén bát, gạo, mắm), 1 quyển vở học sinh, 1 sổ hộ khẩu và 1 chiếc điện thoại, cạnh lán trại có một số tấm gỗ xẻ.
Tổ công tác tiến hành kiểm tra, đo đếm toàn bộ số lượng, khối lượng gỗ, cụ thể gồm: 134 tấm gỗ xẻ, có khối lượng 11,633m3 và gỗ tròn khoảng 25m3, loại gỗ dổi nhóm III. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ số gỗ nêu trên. Đồng thời, thu giữ toàn bộ vật dụng ở lán trại và báo cáo Hạt Kiểm lâm điều tra, xác minh làm rõ đối tượng phá rừng để xử lý theo quy định.
Cây gỗ đường kính rất lớn bị
Cây gỗ đường kính rất lớn bị "lâm tặc" cắt khúc

Đáng nói, trong khi vụ phá rừng có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng nhưng đơn vị quản lý lại báo cáo nhẹ “hều” với 23 cây gỗ dổi lâu năm bị đốn hạ? Bước đầu tiếp cận về thông tin của vụ phá rừng thì các bên tỏ ra né tránh trách nhiệm.

Trong khi đó, UBND xã Vĩnh Sơn cho rằng, rừng đó không thuộc quản lý của xã này mà do Hạt Kiểm lâm huyện và Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý. Về phía mình, Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh thông tin nhanh là sẽ kiểm tra, giám định thiệt hại, xác định cụ thể vị trí rừng bị tàn phá. 

Ngọc Oai (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm