Mạnh tay xử lý vi phạm nồng độ cồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tết Nguyên đán là thời điểm người dân thường sử dụng nhiều rượu, bia. Không ít người sau khi uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, là nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Để phòng ngừa tai nạn giao thông, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã mở đợt cao điểm ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn.

Muôn kiểu lý do vi phạm

Đêm 29-1, chúng tôi theo chân Tổ xử lý chuyên đề vi phạm nồng độ cồn của Phòng CSGT Công an tỉnh triển khai kiểm tra trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku). Dù thời tiết lạnh buốt nhưng trên đường vẫn có rất nhiều người đi lại, trong đó một số người điều khiển phương tiện có biểu hiện sử dụng rượu, bia quá mức.

 

Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông.                                                                                                              Ảnh: L.A
Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: L.A

Vừa bị tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe, thanh niên điều khiển xe mô tô BKS 52P8-55xx tên T.Đ.K. (SN 1985, trú tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) dựng xe bước xuống. Dù chân đi không vững nhưng K. một mực cho rằng mình chỉ uống... vài ly. Thế nhưng, kết quả kiểm tra xác định, K. có nồng độ cồn là 2,806 miligam/lít khí thở-một “kỷ lục” về vi phạm nồng độ cồn mà Phòng CSGT Công an tỉnh đo được từ trước đến nay. Sau khi năn nỉ không thành, K. nhất quyết không chịu ký vào biên bản vi phạm nếu lực lượng CSGT không thả xe cho về. Không chấp nhận lời năn nỉ của K., tổ công tác dứt khoát đưa phương tiện vi phạm lên ô tô chuyên dụng. Lúc này, K. chuyển qua tranh cãi với những lời lẽ khó nghe, thậm chí leo lên thùng xe chuyên dụng rồi dùng điện thoại quay clip… Phải hơn 30 phút sau, khi tổ công tác gọi điện đề nghị Công an phường Thống Nhất hỗ trợ, K. mới chịu đón xe về.

Vừa xử lý xong trường hợp của K., tổ công tác tiếp tục phát hiện 1 thanh niên tên T.T.S. (trú tại xã Biển Hồ, TP. Pleiku) điều khiển xe mô tô BKS 81T1-003.xx có biểu hiện say rượu, bia. Làm việc với lực lượng CSGT, thanh niên này chống chế: “Tôi đi Tất niên nên phải uống vài lon chứ! Mà tôi đâu có say! Với lại nhà gần đây nên đi về an toàn không sao cả…”. Sau một hồi trình bày, S. vẫn không chịu thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn vì cho rằng mình… chưa say. Trước sự kiên quyết của tổ công tác, thanh niên này mới miễn cưỡng thổi vào máy đo nồng độ cồn và kế quả đo được là hơn 0,3 miligam/lít khí thở. Năn nỉ rồi gọi người thân trợ giúp không thành, S. cũng không chịu ký vào biên bản vi phạm.

Chỉ trong chưa đầy 2 giờ đồng hồ, tổ công tác của Phòng CSGT tiếp tục phát hiện thêm 6 trường hợp sử dụng rượu, bia điều khiển xe máy. Ngoài ra, còn có một số trường hợp không chấp hành hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra của lực lượng CSGT mà tiếp tục rú ga bỏ chạy hoặc quay lại rẽ vào các đường ngang dân sinh để trốn tránh. Đại úy Nguyễn Bảo Hưng-Tổ trưởng Tổ xử lý chuyên đề vi phạm nồng độ cồn của Phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết: “Nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Tổ xử lý chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn thường xuyên tiến hành kiểm tra trên các tuyến giao thông. Chuyện một số trường hợp người điều khiển phương tiện có thái độ không chấp hành hoặc thiếu hợp tác trong việc kiểm tra của lực lượng CSGT cũng thường xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên quyết xử lý, không chỉ để đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà còn đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người tham gia giao thông…”.

Tích cực tuyên truyền, kiên quyết xử lý

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thời gian qua, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã mở đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Theo đó, Phòng CSGT Công an tỉnh đã chỉ đạo các Tổ xử lý chuyên đề vi phạm nồng độ cồn phối hợp với Công an các địa phương tích cực tuyên truyền và triển khai kiểm tra, xử lý thường xuyên trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Ngoài ra, lực lượng CSGT Công an 17 huyện, thị xã, thành phố cũng độc lập triển khai các tổ công tác để kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên tất cả các tuyến đường do địa phương quản lý.

Trung tá Nguyễn Văn Hội-Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đak Đoa, cho biết: “Đơn vị đã tích cực tuyên truyền đến với người dân về những mối nguy hại khi đã sử dụng rượu, bia còn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, đơn vị đã phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh hoặc độc lập tiến hành kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm này. Qua đó, đơn vị đã phát hiện, xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm. Thời gian tới, đơn vị sẽ tích cực triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn”.

 

Từ ngày 16-12-2017 đến 31-1-2018, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã lập biên bản 7.419 trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, xử phạt 6.353 trường hợp với số tiền 3,41 tỷ đồng; tước 337 giấy phép lái xe, tạm giữ 2.025 phương tiện. Trong đó, lỗi vi phạm nồng độ cồn là 219 trường hợp (tăng 179 trường hợp so với thời gian liền kề trước cao điểm), xử phạt 202 trường hợp với số tiền 567,6 triệu đồng, tước 197 giấy phép lái xe.

Trao đổi với P.V, Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết: “Việc tập trung lực lượng xử lý vi phạm nồng độ cồn nhằm tạo ý thức cho người tham gia giao thông đã uống rượu, bia thì không lái xe. Đơn vị đã thành lập một tổ xử lý chuyên đề vi phạm nồng độ cồn do đồng chí Phó Trưởng phòng phụ trách để triển khai công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thành… Mục tiêu hàng đầu của nhiệm vụ này là đảm bảo tối đa trật tự an toàn giao thông và tính mạng của người dân, bảo đảm cho nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn trong dịp Tết”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.