Phó đồn Biên phòng phủ nhận chủ mưu phá rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bị cáo Lê Xuân Chính, Đại úy-nguyên Phó đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang cho rằng cáo trạng cáo buộc ông chủ mưu, khởi xướng phá rừng pơ mu là không đúng.
Sáng 20-1, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Xuân Chính, Đại úy-nguyên Phó đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang, kiêm Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) cùng 20 đồng phạm về tội "Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng" tiếp tục với phần xét hỏi.
 Bị cáo Chính và 20 đồng phạm
Bị cáo Chính và 20 đồng phạm
Tại phiên tòa, HĐXX, đại viện Viện kiểm sát và luật sư đã xét hỏi các bị cáo để làm rõ các nội dung trái ngược nhau trong lời khai của bị cáo Chính, Tiêu Hồng Tư (SN 1967), Giám đốc Công ty CP Minh Hà (TP. Đà Nẵng) và Nguyễn Văn Quang (SN 1982, ngụ huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Cụ thể, bị cáo Quang khai tháng 3-2016, ông Chính chở Quang sang Lào gặp Tư để trao đổi việc tìm khu vực có gỗ khai thác cho Chính và Tư. Sau đó,  bị cáo Tư là người cung cấp tiền cho Quang khai thác gỗ.
Trong khi đó, bị cáo Chính khai Quang chủ động nói với Chính rằng có biết khu rừng gỗ pơ mu gần khu vực biên giới, nằm sâu trong đất Lào, hỏi ai có nhu cầu thì Quang khai thác, đưa ra đường với giá 8 triệu đồng/m3. Chính nói rằng việc y chở Quang sang Lào gặp Tư không liên quan gì đến vụ án, bị cáo này không hề nói Quang đi tìm gỗ.
Quang khai sau khi đi tìm được khu vực có gỗ pơ mu, quay clip cho Chính xem và mô tả khu vực có gỗ thì Chính nói "chỗ này làm được". Chính ra giá 7 triệu đồng nhưng Quang nói ít nên sau khi "tham khảo" lại ý kiến Tư, Chính đồng ý mức 8 triệu đồng/m3.
Dù thế, Chính cho rằng bị cáo này chỉ đồng ý với Quang khai thác gỗ trên đất Lào, nếu biết nằm trên đất Việt Nam thì bị cáo không làm. Chính nói rằng biết khai thác gỗ ở Việt Nam là phạm pháp nên không làm, còn làm ở Lào, bị cáo này có quen biết nhiều nên nếu bị phát hiện có thể xin được. Chính nói rằng tin tưởng Quang vì Quang đã quen đi rừng và Quang còn dùng điện thoại để xác định tọa độ nên biết đó là địa phận của Lào. 
Về việc bị cáo Tư 2 lần chuyển tiền cho Quang ứng, Chính và Tư cùng khai do Tư nợ tiền Chính nên khi Quang hỏi Chính chuyện tiền bạc thì Chính nói "tiền bạc cứ hỏi anh Tư". Vì Tư và Chính thân thiết nên khi Quang hỏi tiền thì Tư chuyển cho Quang ứng.
Dù Quang khẳng định lời khai của Chính là không đúng nhưng Chính nói rằng Quang mới chính là người khởi xướng phá rừng. Bị cáo này cho rằng cáo trạng của Viện kiểm sát cáo buộc Chính chủ mưu, khởi xướng vụ phá rừng là không đúng.
Trước đó, ngày 19-1, tại tỉnh Quảng Nam, Tòa án Quân sự Khu vực I - Quân khu 5 đã đưa bị cáo Chính cùng 20 đồng phạm ra xét xử sơ thẩm. Trong đó, Chính được xác định là kẻ chủ mưu, khởi xướng phá rừng pơ mu ở khu vực biên giới Việt-Lào (thuộc địa phận xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam).
Bị cáo Quang ôm con trai vào lòng khi chờ dẫn giải về trại tạm giam
Bị cáo Quang ôm con trai vào lòng khi chờ dẫn giải về trại tạm giam
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 2 Bộ đội Biên phòng, Chính có quan hệ thân thiết với Tư và biết Tư đang cần tìm gỗ để khai thác và biết Quang có khả năng tìm gỗ trong rừng nên khoảng tháng 3-2016, Chính chở Quang sang xưởng gỗ của Tư ở Đắk Chưng (Lào) để Tư và Quang trao đổi việc tìm khu vực có gỗ khai thác cho Chính và Tư.
Tháng 5-2016, sau khi Quang vào rừng khảo sát, tìm thấy gỗ pơ mu ở tiểu khu 351 Rừng phòng hộ Nam Sông Bung (thuộc xã La Dêê, huyện Nam Giang) thì Chính, Quang thỏa thuận thống nhất với nhau về giá tiền công khai thác vận chuyển.
Khi nhận được quy cách xẻ gỗ và tiền từ Tư, Quang thuê nhóm người từ Quảng Bình vào khai thác gỗ pơ mu trái phép. Từ tháng 6 đến 7-2016, các bị cáo đã khai thác trái phép 41 cây gỗ pơ mu (là loại gỗ nhóm 2A, thực vật rừng quý hiếm, nguy cấp) với hơn 53 m3, giá trị thiệt hại hơn 3,2 tỉ đồng.
Trong quá trình các bị cáo khai thác, Chính nhiều lần gọi điện đốc thúc. Sau khi vụ việc bị phát hiện, Chính gọi điện cho Quang yêu cầu cho nhóm khai thác rút khỏi hiện trường sau đó liên hệ với Tư bố trí để Quang trốn sang Lào.  
Trần Thường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm