Ngồi tù oan 386 ngày được bồi thường 172 triệu đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nguyên đơn yêu cầu được bồi thường 510 triệu đồng cho 386 ngày bị bắt giam oan nhưng tòa án chỉ chấp nhận 172 triệu đồng.
 Ba thanh niên trong ngày được tại ngoại cách đây hơn 1 năm
Ba thanh niên trong ngày được tại ngoại cách đây hơn 1 năm.
Ngày 31-1, TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên buộc VKSND huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) bồi thường cho Lê Minh Nhựt (20 tuổi, quê huyện Cái Nước, Cà Mau) 172 triệu đồng cho những tổn thất về vật chất và tinh thần do bị bắt giam oan hơn 1 năm.
Anh Nhựt là 1 trong 3 thanh niên được chứng minh bị oan sai trong vụ án cướp tài sản ở Cà Mau cách nay hơn 2 năm rưỡi. 
Trước đó, từ ngày 30-12-2016, ba thanh niên trên lần lượt nhận được các Quyết định giải quyết bồi thường oan sai từ VKSND huyện Cái Nước. Theo các quyết định này, các thanh niên bị oan trong vụ án lần lượt là Lê Minh Nhật, được bồi thường hơn 99 triệu đồng; Nguyễn Vũ Ca được bồi thường 146,9 triệu đồng và Nguyễn Hoàng Khang được bồi thường 123 triệu đồng.

Qua nhiều lần thương lượng, 2 bên không đạt được các thỏa thuận về mức bồi thường. Riêng người đại diện cũng là cha của Nhựt là ông Lê Văn Mỹ đề nghị bồi thường hơn 400 triệu đồng. Vì không được đáp ứng nên ông Mỹ khởi kiện, đòi bồi thường oan sai cho con ông với số tiền hơn 510 triệu đồng.

 Nhựt bị gián đoạn học tập vì bị giam oan hơn 1 năm
Nhựt bị gián đoạn học tập vì bị giam oan hơn 1 năm
"Điều 46 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước qui định về thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút như sau: Trường hợp cá nhân có thu nhập thường xuyên nhưng không ổn định thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào thu nhập trung bình trong 3 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. Và nếu cá nhân có thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định cụ thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương. Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường. Đối với trường hợp Lê Minh Nhựt, trước khi bị bắt, Nhựt phụ việc tại quán ăn với mức thu nhập là 2.800.000 đồng/tháng, được chủ quán xác nhận nhưng VKSND huyện Cái Nước lại áp dụng mức bồi thường thiệt hại 1 năm 20 ngày tạm giam với số tiền là 25.200.000 đồng là không hợp lý. Ngoài ra, lúc bị bắt, Nhựt đang học lớp 10, nay phải học lại lớp 10. Đây là tổn thất tinh thần của Nhựt nhưng không được đề cập tới", Luật sư Trần Thị Ánh, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP HCM), cho biết
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tối 2-6-2015, anh Lâm Chí Nhẫn, quê Cà Mau bị một nhóm người đến cướp điện thoại, khi anh đang dừng xe nghe điện thoại trên Cầu Lương Thế Trân, xã Lương Thế Trân huyện Cái Nước.
Anh Nhẫn báo Công an xã Lương Thế Trân và cùng với lực lượng này đuổi theo hướng nhóm cướp đã tẩu thoát.
Đến khu vực địa bàn xã Lý Văn Lâm, cách hiện trường khoảng hơn 2 km, anh Nhẫn cho rằng nhóm cướp đang ngồi nhậu trong quán nhậu 797, với khẳng định trong nhóm có tên áo đỏ, tức Lê Minh Nhựt chính là người cầm đầu. Ba thanh niên trên bị mời về công an xã để làm việc. Sau đó, Công an huyện Cái Nước khởi tố vụ án, bắt tạm giam để phục vụ điều tra hành vi cướp tài sản.
Tuy nhiên, trước tòa, cả 3 thanh niên đồng phản cung, cho rằng mình nhận tội trước đây là vì bị công an xã và điều tra viên đánh đập, ép cung
Do thiếu chứng cứ, TAND huyện Cái Nước trả hồ sơ nhiều lần. Đến tháng 8-2016, vụ án được đình chỉ điều tra, 3 thanh niên chính thức được giải oan, sau khi đã bị giam hơn 1 năm và trải qua nhiều phiên tòa.
Nói về phán quyết bồi thường của TAND tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Mỹ, cho rằng tòa tuyên chưa thỏa đáng và sẽ tiếp tục kháng cáo. "Lúc con tôi bị bắt, cháu mới học lớp 10, việc học dở dang và giờ ảnh hưởng đến cả tiền đồ của cháu. Thời gian con tôi bị giam oan, cháu và cả gia đình phải chịu biết bao đắng cay, tủi nhục. Vì lo minh oan cho con mà gia đình phải tán gia bại sản và nợ nần chất chồng. Mức yêu cầu 510 triệu mà tôi đưa ra thật sự không thấm vào đâu với những gì mà chúng tôi đã mất trong vụ án oan này", ông Mỹ buồn bã nói.
Duy Nhân (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức shark Thủy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.