Đak Đoa: Đẩy mạnh các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình hình tai nạn giao thông trong những tháng đầu năm tăng cao cả 3 tiêu chí, huyện Đak Đoa đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm quyết tâm kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.

Tình trạng đáng báo động

Tại buổi làm việc với huyện Đak Đoa vào đầu tháng 3 vừa qua, đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Đak Đoa đã “góp phần” rất lớn trong việc đẩy tình hình tai nạn giao thông của tỉnh tăng cả 3 chỉ số.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, tại địa phương này đã xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6 người và bị thương 8 người. So với cùng kỳ năm 2016, tăng 4 vụ (400%), tăng 5 người chết (500%) và tăng 8 người bị thương. Trong số các vụ tai nạn trên có 3 vụ xảy ra trên Quốc lộ 19 và 2 vụ trên đường liên xã. Thời gian xảy ra chủ yếu vào khoảng từ 16 giờ đến 20 giờ; có 3 vụ liên quan đến ô tô vận chuyển hành khách, 1 vụ do xe công nông và 1 vụ do xe mô tô gây ra. Ngoài ra, theo số liệu thống kê mới nhất từ Công an huyện Đak Đoa, ngày 14-3, trên địa bàn huyện đã xảy ra thêm 1 vụ tai nạn giao thông trên tuyến đường liên xã khiến 1 người chết và 2 người bị thương. Có thể nói, đây là những con số đáng báo động, “tố cáo” tình hình tai nạn giao thông tại Đak Đoa đang diễn biến vô cùng phức tạp.

Cận cảnh một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn. Ảnh: Hồng Thi
Cận cảnh một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn. Ảnh: Hồng Thi

Báo cáo do UBND huyện Đak Đoa đưa ra tại buổi làm việc cho thấy, các vụ tai nạn trên quốc lộ đa số đều do lái xe điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường. Đơn cử như vụ tai nạn xảy ra vào lúc 3 giờ sáng 24-1 tại Km150-50 Quốc lộ 19 (thuộc thôn 3 xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) giữa xe ô tô tải mang BKS 81C-080.24 do Nguyễn Tám (SN 1980) điều khiển chở vợ và con lưu thông hướng Pleiku-Mang Yang với ô tô khách loại 16 chỗ mang BKS 81B-013.55 do Nguyễn Văn Hai (SN 1985) điều khiển lưu thông theo hướng ngược lại. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do Nguyễn Văn Hai lái xe ô tô khách đi không đúng phần đường quy định nên đã gây tai nạn khiến Tám chết tại chỗ, vợ con Tám và Hai bị thương phải điều trị ở bệnh viện.

Cùng với đó, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn-Trưởng Công an huyện Đak Đoa còn cho hay: “Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm phần lớn đều do ý thức của người tham gia giao thông, chẳng hạn: tài xế không kiểm soát được tốc độ, ngủ gật, uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện trên đường”. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Nguyễn Hữu Quế, ngoài nguyên nhân chủ quan trực tiếp trên, Ban An toàn Giao thông tỉnh và huyện Đak Đoa cũng cần phân tích rõ những lí do khách quan sâu xa như: đường hẹp, thiếu ánh sáng, các vị trí che khuất tầm nhìn… để có cơ sở kịp thời đề xuất, khắc phục.

Đẩy mạnh các giải pháp kiềm chế

Trước thực trạng ấy, thời gian qua, chính quyền huyện Đak Đoa cùng các ngành liên quan đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.

Tại buổi làm việc với địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã nhấn mạnh, lãnh đạo và các ngành chức năng của huyện cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, đồng thời phải có các giải pháp hữu hiệu để kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn huyện trong thời gian tới; tổ chức tổng điều tra các cơ sở sản xuất xe công nông trên địa bàn; đồng thời, yêu cầu Sở Giao thông-Vận tải phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho người dân.

Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Công an huyện đã tăng cường lực lượng tập trung làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đợt cao điểm trước Tết Nguyên đán, Công an huyện đã bắt giữ và xử lý gần 200 xe máy của các thanh niên tổ chức lạng lách, đánh võng trên đường. Việc kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe được triển khai thường xuyên, có đêm lên đến 500 trường hợp. Song song với đó, đơn vị còn tổ chức 2 Tổ công tác, mỗi Tổ gồm 7 người với đủ các thành phần lực lượng để phối hợp với các Tổ tự quản An toàn giao thông ở cơ sở để thực hiện việc tuyên truyền, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phối hợp với Mặt trận huyện thành lập 4 Câu lạc bộ Lái xe an toàn, chọn các địa phương hay xảy ra tai nạn giao thông làm điểm và sẽ nhân rộng ra 17 xã, thị trấn trong thời gian đến.

Các xe công nông vi phạm đang bị Công an huyện Đak Đoa tạm giữ. Ảnh: Hồng Thi
Các xe công nông vi phạm đang bị Công an huyện Đak Đoa tạm giữ. Ảnh: Hồng Thi

Riêng với xe công nông, huyện Đak Đoa là địa phương có số lượng nhiều nhất tỉnh với khoảng 8.000 chiếc. Hiện huyện đã tổ chức tập huấn cho hơn 4.600 chủ xe và cho họ tự nguyện ký cam kết không chở người, không lưu thông trên quốc lộ, tỉnh lộ và đường nội thị; tiến h gắn biển phản quang cho xe công nông đạt trên 99%. Ngoài ra, sau hơn 10 ngày ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý xe công nông vi phạm (bắt đầu từ giữa tháng 3-2017), Công an huyện Đak Đoa đã phát hiện và lập biên bản tạm giữ, xử phạt vi phạm hành chính 24 xe công nông vi phạm.

“Toàn huyện hiện có 15 cơ sở vừa sản xuất vừa sửa chữa xe công nông và hầu như không có giấy phép, tuy nhiên không có quy định nào để cấm họ thực hiện việc kinh doanh này; một số tuyến đường trên địa bàn huyện quá hẹp và hư hỏng nặng; kinh phí hỗ trợ cho các tổ tự quản an toàn giao thông ở cơ sở còn khá thấp… Đó là một số khó khăn mà huyện gặp phải trong quá trình triển khai đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở địa phương”-Đại tá Sơn nói.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm