An ninh thắt chặt tại phiên xử Hà Văn Thắm cùng 47 bị cáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

8 giờ 30 phút sáng nay, phiên xử sơ thẩm Hà Văn Thắm-nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank, cùng 47 bị cáo khác bắt đầu, nhưng từ 7 giờ sáng, cổng TAND TP. Hà Nội đã xuất hiện rất đông người thân bị cáo.

An ninh được thắt chặt trước phiên xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm
An ninh được thắt chặt trước phiên xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm


Từ đầu giờ sáng, lực lượng công an đã phong tỏa một số tuyến đường, phố dẫn qua cổng trụ sở Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, đồng thời tuần tra kiểm nhằm đảm bảo an ninh trật tự.

Phía trong trụ sở của tòa, cơ quan công an thiết lập hàng rào bảo vệ, sử dụng máy dò kim loại, máy soi chiếu hành lý, kiểm tra nghiêm ngặt những người được giấy dự phiên tòa như luật sư, phóng viên, đương sự…

Dự đưa tin phiên sơ thẩm sáng nay có hàng chục phóng viên của nhiều báo đài từ T.Ư tới địa phương. Tuy nhiên, toàn bộ các phóng viên tham gia được tòa chỉ định ngồi theo dõi đưa tin phiên sơ thẩm qua một màn hình ti vi, tại một phòng riêng, không phải phòng xét xử.

8 giờ 30 phút, phiên sơ thẩm xét xử vụ đại án kinh tế “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank), bắt đầu với phần làm thủ tục, thẩm tra lý lịch của các bị cáo, người liên quan.

Tại thời điểm phiên tòa diễn ra, có gần 50 luật sư tham gia bào chữa quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo cũng như những người liên quan. Bên cạnh đó, gần 600 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng được Tòa triệu tập tới phiên sơ thẩm.

Hội đồng xét xử vụ đại án xảy ra tại Oceanbank gồm 5 người: hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Phiên xét xử sơ thẩm dự kiến kéo dài từ ngày 27-2 đến 21-3, do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa.

Theo cáo trạng, trong quá trình hoạt động tại Oceanbank, Hà Văn Thắm cùng các bị cáo khác đã để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Cáo trạng cũng nêu rõ: năm 2012, Ngân hàng Nhà nước chủ trương tái cơ cấu, sát nhập các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, bị cáo Hà Văn Thắm đặt vấn đề với bà Hứa Thị Phấn (cổ đông lớn của ngân hàng Đại Tín - TrustBank) bán lại TrustBank cho mình. Bà Phấn đồng ý với điều kiện Hà Văn Thắm phải kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ hàng nghìn tỉ.

Khi tiếp quản ngân hàng, Hà Văn Thắm phát hiện nhiều khoản dư nợ xấu, không có khả năng thu hồi nên nảy sinh ý định bán lại cho Phạm Công Danh. Giữa tháng 11.2012, Hà Văn Thắm đồng ý cho Phạm Công Danh vay 500 tỉ đồng thông qua Công ty Trung Dung mà không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo... Việc làm này của Hà Văn Thắm và cấp dưới khiến OceanBank thiệt hại gần 350 tỉ đồng (sau khi đã đối trừ một số tài sản đảm bảo).

Cáo trạng cũng thể hiện rõ, từ cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận với OceanBank để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược. Khi đó, ông Nguyễn Xuân Sơn (Giám đốc Công ty tài chính Dầu khí Việt Nam) được PVN giới thiệu và giữ chức Tổng giám đốc OceanBank.

Tới đầu năm 2009, bị cáo Sơn đề nghị, để huy động được vốn từ PVN, OceanBank phải chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi tiền gửi và bản thân bị cáo Sơn được toàn quyền quyết định chi phí này. Để có tiền “chăm sóc khách hàng”, Hà Văn Thắm sử dụng Công ty cổ phần BSC Việt Nam của mình để ký hợp đồng làm dịch vụ với người vay vốn, nhằm thu phí.

Theo cáo trạng, việc sử dụng công ty BSC ký hơn 720 hợp đồng dịch vụ khống và một số hợp đồng khác được gần 69 tỷ đồng, sau đó đưa cho bị cáo Sơn để “chăm sóc khách hàng” khiến Ocean Bank thiệt hại gần 69 tỷ đồng.

Vẫn theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Phó tổng giám đốc Oceanbank) đã chỉ đạo cấp dưới, các khối, ban nghiệp vụ thuộc hội sở và các chi nhánh của hệ thống ngân hàng này thực hiện việc chi trả lãi suất ngoài hợp đồng trái quy định, gây thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng...


Như vậy, các vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và cấp dưới đã gây thiệt hại cho Oceanbank gần 2.000 tỷ đồng, gây ảnh hưởng đến việc ra các chủ trương điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ.

Trong vụ án này, cáo trạng nêu rõ Hà Văn Thắm là chủ mưu, cầm đầu.

Một số hình ảnh ghi lại tại phiên xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sáng nay:

 

3
Những người có giấy mời dự phiên tòa đều phải qua kiểm tra an ninh nghiêm ngặt
Các bị cáo trước vành móng ngựa
Các bị cáo trước vành móng ngựa

Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho hơn 100 người dân làng Ốp

Phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho hơn 100 người dân làng Ốp

(GLO)- Sáng 14-4, UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hoa Lư phối hợp với Công an thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tình hình trật tự an toàn xã hội cho hơn 100 người dân làng Ốp (phường Hoa Lư).