Cảnh giác với "bẫy lừa" trên mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 2 năm trở lại đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã bị “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội Facebook, Zalo…với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Những món quà “khủng” từ nước ngoài

Một ngày cuối tháng 10-2016, chị H.X.H. (trú tại phường Trà Bá, TP. Pleiku) đang lướt Facebook thì có một tài khoản mang tên “Alex Williams” xin kết bạn. Người này tự giới thiệu là Đại tướng quân đội Mỹ đang làm việc tại Afghanistan và cho biết có ý định đầu tư làm ăn ở Việt Nam. Sau vài lần trò chuyện, “Alex Williams” ngỏ ý muốn gửi một thùng hàng trị giá trên 1 tỷ đồng bao gồm vàng, bạc, đá quý, đô la về Việt Nam nhờ chị H. giữ giùm. Đến ngày 2-11-2016, “Alex Williams” cho biết thùng hàng đã về đến Việt Nam và nhờ chị H. khi nhận thì trả giùm phí chuyển phát nhanh. Những ngày sau đó, chị H. liên tiếp nhận được điện thoại của những người xưng là nhân viên hải quan yêu cầu chị phải đóng tiền mới được nhận thùng hàng mà “Alex Williams” gửi. Không chút nghi ngờ, chị H. đem 200 triệu đồng gửi vào 2 tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh mà các “nhân viên hải quan” này yêu cầu. Tuy nhiên đến nay, thùng hàng “Alex Williams” hứa gửi cho chị H. vẫn không biết nằm ở phương trời nào.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đó, vào tháng 7-2015, chị N.T.T.T. (trú tại phường Hội Thương, TP. Pleiku) cũng bị dính “bẫy lừa” trên mạng xã hội Facebook. Theo trình báo của chị T. với cơ quan Công an, cách đó khoảng hơn 1 tháng, một tài khoản Facebook mang tên “Kevin” có nhắn tin rằng sẽ chuyển cho chị 750.000 USD để mua bất động sản. Số tiền này “Kevin” sẽ bỏ trong thùng quà chuyển về Việt Nam qua một công ty có địa chỉ tại Hà Nội. Sau khi “Kevin” nhắn tin cho chị T. nói đã chuyển tiền thì có một đối tượng nữ tự nhận là nhân viên hải quan liên tục gọi điện yêu cầu chị T. phải chuyển 30.000 USD vào tài khoản mang tên Trần Thị Hằng mở tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu-Phòng Giao dịch Quán Sứ Hà Nội thì mới được nhận thùng quà có 750.000 USD ở bên trong.

Sau khi đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu-Chi nhánh Gia Lai để chuyển 660 triệu đồng vào tài khoản mang tên Trần Thị Hằng, chị T. gọi điện vào các số điện thoại trước đây từng liên lạc với chị để thông báo nhưng đều không được. Chị T. lên mạng thì thấy tài khoản Facebook của “Kevin” cũng đã bị xóa. Nghi ngờ bị lừa đảo, chị T. liền báo cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu-Chi nhánh Gia Lai. Sau đó, đơn vị này báo lại sự việc với Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh. Ngay lập tức, cơ quan Công an đã phối hợp với ngân hàng đóng băng tài khoản của Trần Thị Hằng. Tuy nhiên, đối tượng đã kịp sử dụng  37 triệu đồng để mua hàng tại một trang web ở Malaysia. Hơn 600 triệu đồng còn lại, cơ quan Công an và ngân hàng đã thu hồi để trả lại cho chị T.

 

Từ năm 2014 đến 2016, Công an tỉnh Gia Lai ghi nhận có 10 vụ lừa đảo qua mạng internet do người dân trình báo (thực tế, con số này có thể còn nhiều hơn). Tổng số nạn nhân bị lừa đảo là 14 người với số tiền thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, trong đó, cơ quan Công an đã ngăn chặn, thu hồi được hơn 600 triệu đồng để trả lại người bị hại.

Nhận diện thủ đoạn lừa đảo

Theo xác định của cơ quan Công an, việc lừa đảo qua hình thức gửi quà tặng như trường hợp chị H. và chị T. là thủ đoạn phạm tội mới của các đối tượng người châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam bằng hộ chiếu du lịch. Các đối tượng này thường hoạt động theo nhóm 4-5 tên và có sự cấu kết với những phụ nữ người Việt. Sau khi dụ dỗ những phụ nữ người Việt mở tài khoản thẻ tín dụng thanh toán quốc tế tại các ngân hàng Việt Nam, các đối tượng này lên mạng xã hội Facebook, Zalo tìm những người nhẹ dạ, cả tin (thường là phụ nữ) để kết bạn, tâm sự rồi lừa đảo bằng nhiều thủ đoạn, trong đó có thủ đoạn lừa tiền qua hình thức gửi quà tặng. Số tiền chiếm đoạt được, các đối tượng thường chuyển ngay ra nước ngoài bằng phương thức mua hàng qua mạng hoặc rút tiền mặt tại các máy ATM.

Từ thực tế công tác phòng ngừa tội phạm của lực lượng Công an cho thấy, phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng luôn thay đổi, từ đơn giản đến tinh vi, phức tạp. Tuy nhiên, tất cả các phương thức, thủ đoạn lừa đảo đều có một điểm chung, đó là đánh vào lòng tham của nạn nhân khi hứa hẹn sẽ tặng tiền hoặc quà có giá trị lớn. Vì vậy, để không rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo, khi sử dụng internet, nhất là các mạng xã hội để kết bạn, giao dịch, mua bán... người dân cần hết sức cẩn thận kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh đó, khi thực hiện mua bán trên internet, mọi người cần thực hiện phương thức nhận hàng trước, trả tiền sau. Đồng thời, không nên cung cấp các thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, email, tài khoản Facebook, Zalo cho các đối tượng lạ vì có thể bị sử dụng để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc mạo danh để lừa đảo bạn bè, người thân. Trong trường hợp sau khi chuyển tiền mà nghi ngờ bị lừa, người dân cần nhanh chóng liên hệ với ngân hàng nơi vừa chuyển tiền hoặc cơ quan Công an để đóng băng giao dịch, tài khoản nhằm ngăn chặn thiệt hại...

Vĩnh Phúc

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.