Niềm vui ngày trở về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đứa nhỏ nhất nằm trên tay mẹ ngủ say sưa, hai đứa bên cạnh đưa cặp mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn những người lạ xung quanh-đó là hình ảnh gia đình chị HPân Mlô, một trong số 16 người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vượt biên sang Campuchia vừa được Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Thái Lan bàn giao tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).

Bình yên quê mẹ
 

   Mẹ con chị HPân Mlô trong ngày trở về.  Ảnh: M.N
Mẹ con chị HPân Mlô trong ngày trở về. Ảnh: M.N

Bế trên tay đứa con chưa tròn 2 tháng tuổi, chị HPân Mlô (buôn ĐRao, xã Cư Né, huyện Krông Buk, tỉnh Đak Lak) cho biết: Chỉ vì tin lời người anh rể kể về một cuộc sống sung túc, giàu có nơi nước Mỹ xa xôi mà cả gia đình chị (7 người) bỏ nương, bỏ rẫy khăn gói đi theo.

Trái với suy nghĩ ban đầu, thời gian sống trong trại tị nạn (Campuchia) là những ngày dài khổ cực, đói khát, không có công ăn việc làm. Một mình chị phải xoay xở với 5 đứa con, đứa lớn nhất 17 tuổi và nhỏ nhất là cái thai 1 tháng tuổi chị đang mang trong người. Cuộc sống bức bối, khốn khó cộng với nỗi nhớ nhà, nhớ nương rẫy đã thôi thúc chị trở về với cuộc sống bình dị trước đây.

Và rồi ngày đó, ngày mà chị đặt chân trên mảnh đất quê hương cùng với những đứa con của mình đã đến, tuy không trọn vẹn vì chồng chưa về cùng. Nhưng với chị bấy nhiêu là đủ lắm rồi. Dường như hiểu được nỗi lòng của mẹ và cảm nhận được hơi ấm của đất mẹ Việt Nam, đứa con chị sinh ra trên đất Campuchia vẫn say sưa giấc nồng, mặc những ồn ào, huyên náo xung quanh.

Đối với chị Siu HThúy (SN 1989, làng Mook Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), những ngày sống nơi đất khách quê người là chuỗi ngày đẫm nước mắt. Chỉ vì trốn chạy, sợ tội (bị truy nã về hành vi hủy hoại rừng), chị và chồng bỏ lại 2 đứa con gái-đứa 7 tuổi, đứa 3 tuổi-cho bà ngoại chăm sóc rồi trốn sang Campuchia với hy vọng được sang nước thứ 3 để đổi đời. Chính suy nghĩ này đã khiến HThúy luôn dằn vặt, hối hận vì cảm thấy có lỗi với con. Cuộc sống không như mong muốn, nỗi nhớ con da diết khiến đêm nào chị cũng rơi nước mắt. Mỗi lần mượn được điện thoại gọi về cho con, nghe con gọi mẹ, muốn được ở với mẹ là chị khóc đến sưng cả mắt suốt mấy ngày liền. HThúy vừa khóc nức nở, vừa nói qua làn nước mắt: “Em ân hận lắm rồi. Giờ em chỉ muốn được ở nhà làm nương, làm rẫy nuôi con thôi, không bao giờ dám đi nữa. Người ta chỉ dụ mình đi thôi chứ không có kết quả gì, cuộc sống thiếu thốn, ăn uống kham khổ, đau ốm cũng không có tiền mua thuốc uống”.

Cũng chỉ vì tin vào lời đồn được sang Mỹ hưởng cuộc sống giàu sang, Ksor Win (SN 1996, làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã nghe theo lời bạn trốn sang Campuchia, bỏ lại người vợ mới cưới vừa mang bầu được 2 tháng. Nhưng mọi thứ không như những lời đồn thổi. Nếm trải tháng ngày cơ cực trong trại tị nạn, Win mong mỏi được quay về sống với người vợ yêu thương và đứa con đã gần 3 tháng tuổi mà chưa được biết mặt cha. “Em sẽ không nghe lời người ta xúi giục nữa. Lần này trở về, em sẽ lo làm ăn để nuôi vợ con”-Win tâm sự.

Niềm vui ngày trở về

 

Gia đình các đối tượng ký cam kết với chính quyền địa phương không tái diễn tình trạng vượt biên. Ảnh: M.N
Gia đình các đối tượng ký cam kết với chính quyền địa phương không tái diễn tình trạng vượt biên. Ảnh: M.N

Cũng như chị HPân Mlô, Siu HThúy hay Ksor Win, những trường hợp còn lại đều mong mỏi ngày trở về. Chỉ vì nghe lời xúi giục của kẻ xấu mà cuộc sống gia đình họ bị đảo lộn; những đứa trẻ phải chịu cảnh sống xa cha mẹ, không được đến trường; nhiều trường hợp khác còn bỏ mạng nơi đất khách.

Có mặt trong buổi bàn giao các đối tượng vượt biên cho chính quyền huyện Chư Prông, ông Rahlan A Mưu-Trưởng thôn Piơr (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) vẫn chưa tin rằng sẽ có ngày được gặp lại những đứa con của mình. Hơn 1 năm kể từ ngày chúng nghe theo lời bọn xấu bỏ trốn gia đình, bỏ vợ con ra đi, ông luôn phải sống trong tủi hổ. Lúc nhận được tin 2 đứa con trốn sang Campuchia, ông bàng hoàng, không tin vào những gì mình nghe thấy. Là Trưởng thôn, không biết bao lần ông đứng ra tuyên truyền giáo dục cho những người lầm đường lạc lối trong làng, đưa những đối tượng này ra kiểm điểm trước làng. Thế nhưng, giờ đây 2 đứa con ông lại nằm trong số người đó. Đến khi bình tĩnh lại, qua điện thoại, ông hết lời khuyên nhủ chúng quay về với gia đình. Giờ đây, khi chúng trở về, đứng trước mặt thì ông không còn lời nào để trách cứ.  

Tương tự, bà Siu Chim (thôn Piơr, xã Ia Piơr) cũng không nén nổi niềm xúc động khi gặp lại Siu Kring (SN 1995), đứa con lầm đường lạc lối. Chỉ vì tin vào những điều không thực, nó đã bỏ bà đi hơn 1 năm nay. Cầm tay đứa con trai đã gầy rộc đi sau những tháng ngày xa nhà và hoang mang cùng cực, dường như bà vẫn chưa tin điều này là thực.

Tại buổi nhận bàn giao các đối tượng vượt biên trở về, ông Nguyễn Anh Dũng-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo chính quyền cấp xã, thôn tạo điều kiện cho họ sớm được hòa nhập cộng đồng. Cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương sẽ giúp họ nhận thức được những việc làm sai trái của mình, rút kinh nghiệm để từ đó ổn định cuộc sống, an tâm đầu tư phát triển sản xuất. Đây là bài học để những đối tượng khác không tiếp tục lầm đường lạc lối và vượt biên nữa, đồng thời thông qua đây để phản bác các luận điệu sai trái của các đối tượng thù địch”.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm