Cảnh giác với thủ đoạn trộm cắp tài sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 196 vụ trộm cắp tài sản, chiếm 45,58% trong cơ cấu tội phạm của cả tỉnh và tăng 15 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong số những vụ trộm cắp, nổi lên là tình trạng kẻ gian đột nhập cơ quan, doanh nghiệp, nhà dân trộm cắp tài sản có giá trị lớn, chiếm 87/196 vụ, trong đó 78 vụ đột nhập nhà dân, 9 vụ đột nhập cơ quan, doanh nghiệp, trường học, chiếm đoạt giá trị tài sản hơn 3 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo phân tích của các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, các vụ phạm pháp xảy ra trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 13 giờ, chiếm 20,29%; từ 13 giờ đến 17 giờ, chiếm 26,38%; từ 17 giờ đến 21 giờ, chiếm 22,32% và từ 21 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau, chiếm 31,01%. Các đối tượng gây án thường lợi dụng sơ hở của những gia đình đi làm vào ban ngày, nhà không có người trông coi, hoặc đêm tối các gia đình ngủ say quên không đóng, khóa cửa ra vào ban công, cửa sổ, cửa tum… để dùng công cụ như: kìm cộng lực bẻ khóa, cậy phá cánh cửa kính, phá song sắt cửa sổ, vam phá khóa… đột nhập vào bên trong trộm cắp tài sản. Có nhiều vụ việc xảy ra do sự chủ quan trong bảo vệ tài sản của người dân, khi đi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ nhưng không khóa cửa, tạo điều kiện cho kẻ gian có cơ hội đột nhập.

Ngoài các vụ đột nhập nhà dân để trộm cắp thì “con mồi” mà các đối tượng trộm cắp nhắm đến là các cơ quan, trường học và doanh nghiệp mất cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản. Thủ đoạn của kẻ gian là chọn những đơn vị có phòng bảo vệ cách xa trụ sở, xung quanh vắng nhà dân và không có hệ thống camera an ninh, chuông báo động để đột nhập. Sau những vụ trộm cắp xảy ra, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra phá án, vì những đơn vị này có nhiều người ra vào, khi xảy ra trộm cắp không được phát hiện kịp thời nên những dấu vết tại hiện trường bị xáo trộn. Từ các vụ án đã triệt phá, có thể nhận thấy, hầu hết đối tượng gây ra các vụ trộm cắp tài sản thời gian qua có tuổi đời dưới 30, là đối tượng nghiện ngập, một bộ phận thanh-thiếu niên lười lao động và không có nghề nghiệp ổn định. Chúng thường xuyên theo dõi, tìm hiểu quy luật sinh hoạt của người dân và bảo vệ các đơn vị, khi phát hiện nhà dân không có người ở nhà, không khóa cửa, ngủ say; cơ quan nhà nước, doanh nghiệp không có bảo vệ hoặc có bảo vệ nhưng đã ngủ say thì sẽ đột nhập trộm cắp. Sau khi thực hiện trót lọt, các đối tượng thường thay đổi địa bàn hoạt động để tránh sự điều tra của cơ quan chức năng.

Công an tỉnh cũng khuyến cáo đến các hộ dân cư, trước khi đi ngủ phải kiểm tra đóng các cửa chính, cửa sổ, cửa thông gió, cần gia cố sửa chữa lại các chỗ bị hư hỏng mà kẻ gian có thể cạy phá đột nhập, không nên để các tài sản có giá trị khi đi khỏi nhà mà không có người trông coi... Các cơ quan, trường học, doanh nghiệp và các gia đình kinh doanh cần lắp đặt hệ thống camera an ninh, hệ thống chuông báo động và bố trí lực lượng bảo vệ phù hợp với thực tế của đơn vị để thực hiện tốt công tác bảo vệ tài sản, không để kẻ gian có điều kiện hoạt động, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

 Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.