Vì sao kháng nghị giám đốc thẩm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao Lê Hữu Thể vừa ký Kháng nghị giám đốc thẩm số 02/QĐ-VKSTC-V7.


Theo đó, Viện KSND tối cao quyết định kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 90 ngày 20-3-2015 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân (TAND) tối cao tại Đà Nẵng về phần xử lý vật chứng là chiếc xe ô tô biển số 81A-00.278 được giao dịch giữa bị cáo Trần Thị Quý Phượng-nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng-Thương mại Bình An (gọi tắt là Công ty Bình An) và bà Đặng Thị Lan Phương (vợ ông Trần Thế Vinh-nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai). Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên bố hủy bản án hình sự phúc thẩm số 90 về phần xử lý vật chứng là chiếc xe ô tô nói trên để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Vậy vì sao Viện KSND tối cao quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này?
 

Trần Thị Quý Phượng (phải).                                                             Ảnh: H.C
Trần Thị Quý Phượng (phải). Ảnh: H.C

Theo Bản án hình sự phúc thẩm số 90: Từ năm 2009 đến năm 2011, thông qua việc quan hệ mua bán nhựa đường, sắt thép, xi măng... với các doanh nghiệp trong tỉnh, Trần Thị Quý Phượng (SN 1969, thường trú tại tổ 9, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã dùng nhiều thủ đoạn sử dụng 67 hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế và làm các thủ tục hoàn thuế của 2 năm (2010-2011), chiếm đoạt hơn 1,65 tỷ đồng. Không những thế, Phượng còn cố tình sử dụng 10 hóa đơn giá trị gia tăng để kê khai khấu trừ thuế trong tháng 6, tháng 7-2010 và tháng 10, tháng 11-2011 để trốn hơn 140 triệu đồng tiền thuế. Từ tháng 11-2008 đến năm 2011, Công ty Bình An do Phượng làm giám đốc trúng thầu nhiều công trình tại địa bàn tỉnh với tổng số tiền đầu tư hơn 112,3 tỷ đồng. Công ty Bình An đã tạm ứng trên 49 tỷ đồng. Quá trình rút tiền tạm ứng, Phượng không nhập quỹ, không hạch toán trên sổ sách, dẫn đến không có khả năng trả nợ cho các chủ đầu tư, chiếm đoạt của Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng cơ bản (QLDAĐTXDCB) huyện Ia Grai và Ban QLDAĐTXDCB huyện Kông Chro hơn 12,6 tỷ đồng.   

Bản án hình sự phúc thẩm số 90 xử phạt: Trần Thị Quý Phượng 20 năm 3 tháng tù về các tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”. Bản án cũng tuyên không tịch thu bán đấu giá, mà giao trả chiếc xe ô tô biển số 81A-00.278 cho bà Đặng Thị Lan Phương. Bà Phương được quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để hoàn chỉnh các thủ tục sang tên sở hữu.

Căn cứ vào chứng cứ và tài liệu có trong hồ sơ, Viện KSND tối cao thấy việc Tòa án cấp phúc thẩm quyết định giao trả chiếc xe ô tô biển số 81A-00.278 cho bà Phương là chưa phù hợp với quy định của pháp luật vì tại phiên tòa sơ thẩm, Phượng khai nhận sử dụng hơn 1,6 tỷ đồng tạm ứng của Ban QLDAĐTXDCB huyện Kông Chro để mua xe ô tô này tặng cho ông Trần Thế Vinh nhằm mục đích tạo mối quan hệ để ông Vinh giúp đỡ công ty của bị cáo trong quá trình hoạt động. Lời khai trên phù hợp với thực tế là sau khi mua xe và làm các thủ tục đăng ký lấy biển số xe xong, Phượng đã giao chiếc xe cho gia đình ông Vinh sử dụng. Phượng luôn khẳng định không bán xe cho bà Phương (vợ ông Vinh), mà chỉ làm hợp đồng mua bán, hợp đồng ủy quyền theo yêu cầu của bà Phương để hợp thức hóa việc tặng xe. “Vì vậy, hợp đồng mua bán và hợp đồng ủy quyền giữa bị cáo Trần Thị Quý Phượng và bà Đặng Thị Lan Phương theo các quy định của pháp luật là hợp đồng có nội dung trái pháp luật. Công ty Bình An vẫn đứng tên quyền sở hữu đối với chiếc xe ô tô trên. Đó là vật chứng của vụ án nên theo quy định tại Điều 41-Bộ luật Hình sự và Điều 76-Bộ luật Tố tụng Hình sự cần phải thu hồi trả về cho Công ty Bình An để bảo đảm việc trả nợ của Công ty Bình An đối với khoản tiền đã tạm ứng của các Ban Quản lý dự án và bảo đảm công tác thi hành án đối với bị cáo Trần Thị Quý Phượng”(trích Kháng nghị giám đốc thẩm số 02/QĐ-VKSTC-V7).

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.