Doanh nghiệp bức xúc vì phí "bôi trơn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ vụ việc Công an tỉnh Gia Lai bắt tạm giam ông Đặng Mạnh Huy-Kiểm dịch viên Trạm Kiểm dịch Thực vật Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai) về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, đã cho thấy những mảng tối về một đường dây nhũng nhiễu-bắt doanh nghiệp nộp phí “bôi trơn”.
 

Bảng giá thu phí kiểm dịch thực vật mà trước đây doanh nghiệp phải nộp trước đây.
Bảng giá thu phí kiểm dịch thực vật mà trước đây doanh nghiệp phải nộp trước đây.

Một số doanh nghiệp tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) hoạt động trên lĩnh vực nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Campuchia về Việt Nam phản ánh việc họ phải chịu phí “bôi trơn” 20.000 đồng/tấn hàng hóa. Mỗi năm có hàng trăm ngàn tấn hàng được thông quan, “quỹ đen” cũng ngót ngét lên đến con số trăm triệu đồng mỗi ngày.
 

Trao đổi với P.V về thông tin các doanh nghiệp bị bắt phải nộp phí “bôi trơn” cho các nhân viên Trạm Kiểm dịch Thực vật Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thưc vật (Sở Nông nghiệp và PTNN) cho biết: Trước giờ ông chưa hề nhận được thông tin phản ánh với nội dung như thế này từ bất kỳ một doanh nghiệp nào. “Nếu tôi nghe được thì tôi đã xử lý ngay và trách nhiệm của tôi là sẽ phải chỉ đạo uốn nắn”- ông Uyển khẳng định.

Phí “bôi trơn”… tiền tỷ mỗi tháng

Cũng theo những doanh nghiệp này, chỉ tính riêng phí “bôi trơn” cho Trạm Kiểm dịch Thực vật cửa khẩu (tạm tính ở mức bình quân đối với mỗi loại hàng hóa là 5.000 đồng/tấn) thì số tiền thu được mỗi tháng
không nhỏ. Một giám đốc doanh nghiệp (đề nghị giấu tên) bình luận:Việc ông Huy bị bắt là một hệ quả tất yếu đáng lẽ phải diễn ra sớm hơn. Nhưng ông này cũng chỉ là một mắc xích nhỏ trong đường dây “ăn trên đầu trên cổ” doanh nghiệp.

Theo giám đốc doanh nghiệp trên, ngoài các khoảng phí nộp cho Nhà nước thì các doanh nghiệp còn phải nộp thêm một khoản phí riêng cho mỗi tấn hàng hóa như một thông lệ tất yếu. Và khoản phí này không theo quy định nào cả, cũng chẳng được công khai, mỗi doanh nghiệp nộp các mức khác nhau. Cụ thể, phí “bôi trơn” cho 1 tấn mì là 5.000 đồng; đậu nành là 7.000 đồng, hạt điều là 15.000 đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào “mặc cả” được thì sẽ nộp ở mức thấp hơn.

 

Biên lai thu phí kiểm dịch thực vật có mệnh giá thấp nhất.
Biên lai thu phí kiểm dịch thực vật có mệnh giá thấp nhất.

Giám đốc doanh nghiệp trên còn tính toán, đưa ra khoản thu nhập khủng từ phí “bôi trơn” của nhân viên Trạm Kiểm dịch Thực vật khiến cho nhiều người phải giật mình. Theo đó, trong thời gian cao điểm vụ thu hoạch mì, mỗi ngày doanh nghiệp của ông nhập hàng về qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh khoảng 1.500 tấn mì, cộng với một số doanh nghiệp khác thì vào khoảng 10 ngàn tấn/ngày. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản (bình quân phí “bôi trơn” 5.000 đồng/tấn) sẽ ra con số 50 triệu đồng mỗi ngày mà các doanh nghiệp này phải nộp cho Trạm Kiểm dịch Thực vật và trong một tháng sẽ ra một con số khoảng 1,5 tỷ đồng.
 

Các doanh nghiệp cho rằng kể từ khi ông Huy bị bắt, bảng giá này được thay thế cho bảng giá cũ trước đây.
Các doanh nghiệp cho rằng kể từ khi ông Huy bị bắt, bảng giá này được thay thế cho bảng giá cũ trước đây.

Một nữ giám đốc doanh nghiệp (yêu cầu giấu tên) than phiền: Chi phí thuê bốc vác hiện đã giảm từ 55.000 đồng xuống còn 50.000 đồng/tấn, tiền cân giảm dần từ 10.000 xuống 3.000 đồng, tiền xe cũng giảm khoảng 15.000 đồng/chuyến, duy chỉ có phí “bôi trơn” là không thay đổi. Với mức giá hiện tại, doanh nghiệp nhập mì từ Campuchia về là 3,2 triệu đồng/tấn công thêm các khoản chi phí khác là 115.000 đồng, trong khi giá bán ra chỉ 3,3 triệu đồng. Doanh nghiệp phải chịu lỗ 15.000 đồng/tấn, vì trong đó phải cõng phí “bôi trơn” các khoản đã là 20.000 đồng. Nếu không có khoản phí riêng này, doanh nghiệp vẫn còn lời 5.000 đồng/tấn.

Các doanh nghiệp nông sản cho biết phải mất nhiều khoản phí bôi trơn khi hàng hóa đi qua cửa khẩu.
Các doanh nghiệp nông sản cho biết phải mất nhiều khoản phí bôi trơn khi hàng hóa đi qua cửa khẩu.

“Bao nhiêu cũng lấy…”

Trở lại vụ việc Kiểm dịch viên Trạm Kiểm dịch Thực vật Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh là Đặng Mạnh Huy bị bắt, bà Võ Thị Thụ-Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Thương mại Dịch vụ Toàn Thắng (địa chỉ 269 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku), kể lại: Hôm đó bà đến Trạm này để nộp phí kiểm dịch thực vật mà Công ty Toàn Thắng nợ đã hơn 2 tháng.

 

Nhiều xe chở hàng phía nước bạn Campuchia không còn mặn mà, khiến khu vực của khẩu vắng bóng những xe tải đầy ắp hàng nông sản.
Nhiều xe chở hàng phía nước bạn Campuchia không còn mặn mà, khiến khu vực của khẩu vắng bóng những xe tải đầy ắp hàng nông sản.

Với 10 bộ tờ khai, mỗi bộ tờ khai là 500 tấn mì có mức phí kiểm dịch thực vật phải nộp là 25 triệu đồng (5.000 đồng/tấn). Tuy nhiên, thực tế phí kiểm dịch thực vật bà Thụ phải nộp theo quy định đối với mỗi bộ tờ khai 500 tấn mì chỉ 481.000 đồng, cộng thêm phí kiểm tra an toàn thực phẩm 65.000 đồng. Nghĩa là tổng số phí bà phải nộp đối với 10 bộ tờ khai trên chỉ có 5.460.000 đồng. Số tiền gần 20 triệu đồng còn lại là phí “bôi trơn”. Nhưng hôm đó (ngày 25-3), bà chỉ nộp cho ông Huy 20 triệu đồng. Bà Thụ khẳng định, “nộp bao nhiêu mà họ chẳng lấy”. Việc các doanh nghiệp nộp phí “bôi trơn” lâu nay đã thành thông lệ. “Người nhận tiền (nhân viên Trạm Kiểm dịch thực vật-P.V) luân phiên nhau, gặp người nào thì nộp cho người đó chứ không chỉ có mỗi ông Huy là người thu, chẳng qua hôm đó ông Huy gặp xui nên mới bị bắt”-bà Thụ nói.
 

Một bộ biên lai thu phí kiểm dịch thực vật đầy đủ đối với 1 bộ tờ khai mà lâu nay doanh nghiệp áp dụng nộp.
Một bộ biên lai thu phí kiểm dịch thực vật đầy đủ đối với 1 bộ tờ khai mà lâu nay doanh nghiệp áp dụng nộp.

Bà Thụ còn cho biết, hiện tại bà làm kế toán cho gần 2/3 doanh nghiệp ở khu vực biên giới này nên việc nhập hàng hóa nông sản, chung chi các phí “bôi trơn” của các doanh nghiệp này bà đều tường tận. "Trước đây, doanh nghiệp làm ăn được thì nộp phí “bôi trơn” bao nhiêu cũng được, nhưng hiện tại các doanh nghiệp đang gặp khó thì họ phải biết chia sẻ, đồng hành , đằng này họ cứ đè cổ doanh nghiệp ra mà thu" - bà Thụ bức xúc nói.
 

Một trong những biên lai thu tiền phí kiểm dịch thực vật của doanh nghiệp có mệnh giá cao nhất.
Một trong những biên lai thu tiền phí kiểm dịch thực vật của doanh nghiệp có mệnh giá cao nhất.

Cũng chính vì phí “bôi trơn” quá cao, cùng với các khoản chi phí khác mà các doanh nghiệp ở khu vực cửa khẩu này lần lượt “bỏ của chạy lấy người”. “Còn phản ứng lại thì chẳng khác nào mình tự giết mình”-một giám đốc doanh nghiệp nói. "Phí đen" làm cho các xe chở hàng phía Campuchia quay lưng với Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Mặc dù quãng đường đến cửa khẩu này chỉ cách vài chục km nhưng các xe chở hàng phía Campuchia lại chấp nhận đi ngược thêm hơn 500 km để nhập hàng ở Cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước). Vị giám đốc này bức xúc: "Từng đoàn xe chở hàng nông sản lũ lượt kéo về cửa khẩu tỉnh bạn khiến cho Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thời điểm này chỉ còn lèo tèo vài chuyến xe đến nhập hàng".

 Giám đốc doanh nghiệp nói trên cũng chia sẻ: Cùng thời điểm này năm 2015, mỗi ngày doanh nghiệp này nhập cả ngàn tấn mì, nhân công làm ngày làm đêm không thở nổi nhưng giờ mỗi ngày chỉ nhập được 1 xe hàng (khoảng 17 tấn), mà có khi ngày có, ngày không. "Chúng tôi chỉ mong muốn được giảm phí “bôi trơn”, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lúc khó khăn"-chủ doanh nghiệp trên cho biết.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.