Gia Lai: Hủy bản án do có nhiều mâu thuẫn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vừa tuyên hủy Bản án sơ thẩm số 07/2015/HSST trong vụ án: “Cố ý gây thương tích” để tiến hành điều tra lại từ đầu theo quy định của pháp luật.

Nội dung vụ án

Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 7-2-2013, sau khi dự sinh nhật một người bạn, hai anh em họ Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Văn Thành (trú thôn Tân Lập, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) về nhà (lúc này cả hai đã sử dụng rượu, bia). Khi đi ngang qua nhà ông Nguyễn Đức Quyền (trú cùng thôn), Thành thấy anh Võ Đức Hòa cùng chị Nguyễn Thị Loan (con ông Quyền) đang ngồi nói chuyện trước cổng nên bảo Hoàng dừng xe để đánh anh Hòa.

Nói xong, Thành nhảy xuống và dùng chân đạp vào lưng, dùng tay đánh vào đầu làm anh Hòa ngã bên lề đường. Thấy anh Hòa bị đánh, chị Loan kêu cứu. Nghe tiếng con gái, vợ chồng ông Quyền cùng con trai là Nguyễn Đức Thiên Thành ở trong nhà chạy ra can ngăn. Nguyễn Đức Thiên Thành ôm Hoàng, còn ông Quyền ôm Nguyễn Văn Thành.
 

Ảnh: L.H
Ảnh: L.H

Theo cơ quan điều tra, sau khi được can ngăn, anh Hòa đứng dậy, còn chị Loan đứng cách anh Hòa khoảng cách 50 cm. Lúc này, Nguyễn Văn Thành giằng thoát khỏi tay ông Quyền chạy đến gần chỗ đống đá chẻ nhặt miếng ván xông vào đánh Hòa. Tuy nhiên, do anh Hòa cúi người né được nên trúng vào miệng chị Loan làm chị này ngã xuống đất ngất xỉu. Hậu quả, chị Loan bị gãy 8 cái răng. Cơ quan tố tụng đã truy tố Nguyễn Văn Thành phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 điều 104 Bộ luật hình sự. Sau đó, Tòa án nhân dân huyện Chư Sê tuyên phạt sơ thẩm 5 năm 1 tháng 2 ngày tù đối với bị cáo về tội danh như đã nêu.

Những mâu thuẫn...

Tại phiên tòa, bào chữa cho bị cáo-luật sư Võ Thị Tiết cho rằng, toàn bộ hồ sơ vụ án thể hiện rất nhiều mâu thuẫn vẫn chưa được làm rõ. Cụ thể, trong suốt thời gian điều tra truy tố, xét xử, bị cáo Thành luôn cho rằng không đánh chị Loan và vết thương của bị hại không biết do ai gây ra. Theo lời khai của bị cáo và anh Hoàng, tối 7-2-2013, chỉ có hai người này tham gia đánh anh Hòa song bị hại Loan và bản thân anh Hòa lại khai có 3 người tham gia đánh (BL 39, 40, 73, 74, 81, 82). Anh Hòa còn thừa nhận, không biết hai thanh niên đánh mình là ai, ở đâu, tên gì song Cơ quan điều tra không cho tiến hành nhận dạng theo quy định tại điều 139 Bộ luật Tố tụng hình sự.  

Các cơ quan tố tụng huyện Chư Sê kết tội Thành theo khoản 2 điều 104 Bộ luật hình sự với tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm”, tuy nhiên, hung khí mà được cho là Thành dùng để gây thương tích cho chị Loan lại không có tại hiện trường(?). Hồ sơ vụ án thể hiện, hung khí là một miếng ván bằng gỗ với kích thước (25 x 17 x 2) cm, được mô phỏng dựa theo những lời khai của người bị hại, người làm chứng, mà lời khai của những người này hết sức mâu thuẫn.

Theo lời khai của bị hại Loan, lúc thì nhìn thấy Thành cầm mảnh gỗ hình vuông khoảng 30 cm, khi thì bảo Thành bê một cục đá chẻ to, có lúc thì nói Thành cầm cây gỗ hình vuông nhưng không biết kích thước (BL 47, 48); ông Quyền khai thấy Thành nhặt một đoạn gỗ dài 1 mét; bà Oanh (mẹ của chị Loan) và anh Hòa khai không nhìn thấy Thành cầm vật gì; anh Nguyễn Đức Thiên Thành khai đã tự liên tưởng ra việc bị cáo dùng cây đánh chị Loan; ông Khương, bà Hồng dù không chứng kiến vụ án nhưng cũng được đưa vào làm nhân chứng với lời khai là thấy miếng ván bên lề đường gần hiện trường nên cho rằng đó là hung khí gây thương tích cho chị Loan. Trong khi đó, kết luận điều tra thì ghi miếng ván có kích thước 22x17x2 cm, cáo trạng lại bảo là 25x17x2,5 cm, biên bản thực nghiệm điều tra thì lấy miếng ván kích thước 25x17x2 cm, bản án sơ thẩm thì tự cho quyền... quyết định miễn xét vật chứng (?).

Kết luận giám định Pháp y số 99 ngày 21-3-2013 thể hiện, chị Loan bị tổn hại tổng cộng 18% sức khỏe. Trong đó, mất 5 răng hàm trên và 3 răng hàm dưới (tổn hại 16%), vết thương đỉnh đầu gây tổn hại 2% sức khỏe. Luật sư cho rằng, vết thương đỉnh đầu của chị Loan vẫn chưa được các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm chứng minh do ai gây ra mà đã mặc nhiên buộc bị cáo phải chịu thêm phần 2% thương tích này. Bên cạnh đó, tối 7-2-2013, ông Quyền đã nhặt được răng của chị Loan tại hiện trường song không hiểu vì sao đến gần một năm rưỡi sau (ngày 22-7-2014), bị hại mới mang vật chứng này giao nộp cho công an(?).

Các quan điểm trên đã nhận được sự đồng thuận của đại diện cơ quan công tố cấp phúc thẩm. Riêng, Hội đồng xét xử phúc thẩm còn vạch ra thêm nhiều vấn đề như: tòa án cấp sơ thẩm kết tội bị cáo về tội “cố ý gây thương tích” áp dụng theo khoản 2 điều 104 Bộ luật Hình sự dựa trên các chứng cứ, lời khai hết sức mâu thuẫn; chưa làm rõ cơ chế hình thành vết thương của bị hại cũng như hung khí của vụ án; các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chưa làm rõ ý thức chủ quan của bị cáo (cố ý hay vô ý gây thương tích) bởi người Thành muốn đánh là anh Hòa nhưng người bị thương lại là chị Loan...

“Ngoài ra, Tòa cấp sơ thẩm còn sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Trong vụ án này, nếu kết tội bị cáo Nguyễn Văn Thành về tội “cố ý gây thương tích” thì đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt quy định tại các điểm a, i, khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, thì không được coi là tình tiết tăng nặng (khoản 2, Điều 48 Bộ luật hình sự). Nhưng, Tòa án cấp sơ thẩm khi quyết định hình phạt lại còn áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, điều 48 Bộ luật hình sự là không đúng pháp luật”-Chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh.

Linh Hằng

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.