Huyện Chư Prông: 4 anh em cùng phạm tội "hủy hoại rừng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 2-2, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh đã tổ chức xét xử phúc thẩm và quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Rơ Châm Bia, Rơ Châm Sanh và Rơ Lan Kún. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 55 ngày 21-10-2014 của TAND huyện Chư Prông.


Trước đó, Bản án hình sự sơ thẩm số 55 nêu trên đã tuyên: Rơ Châm Bia (SN 1978), Rơ Châm Sanh (SN 1985), Rơ Châm Sơn (SN 1990) và Rơ Lan Kún (SN 1994) phạm tội “Hủy hoại rừng”. Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: Rơ Châm Bia 18 tháng tù, Rơ Châm Sanh và Rơ Lan Kún mỗi bị cáo 15 tháng tù, Rơ Châm Sơn 15 tháng tù (cho hưởng án treo). Ngoài hình phạt tù, 4 bị cáo này còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch (huyện Chư Prông) hơn 6 triệu đồng. 4 bị cáo nêu trên cùng ở làng Lát, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông.
 

Rơ Châm Bia, Rơ Châm Sanh và Rơ Lan Kún (từ trái sang phải). Ảnh: H.C
Rơ Châm Bia, Rơ Châm Sanh và Rơ Lan Kún (từ trái sang phải). Ảnh: H.C

Vụ việc xảy ra như sau: Để có vật liệu làm chòi canh giữ nương rẫy, vào khoảng tháng 5-2013, Rơ Châm Bia đã đi vào rừng Ia Púch chặt nứa (tại khoảnh 6, tiểu khu 926 thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch quản lý). Tại đây, nhận thấy khu rừng này có nhiều chất đất màu mỡ có thể làm nương rẫy tốt tươi cho nên khi về nhà riêng ở làng Lát, Rơ Châm Bia đã rủ 2 em trai ruột là Rơ Châm Sanh, Rơ Châm Sơn và em rể là Rơ Lan Kún đi vào khu rừng nói trên để chặt phá cây rừng, chiếm đất làm nương rẫy. Sau đó, cả 4 anh em nhà Bia cùng nhau cầm dao, rìu và đồ ăn thức uống, đi vào rừng ở khoảng một tháng và chặt phá các loại cây rừng, chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy.

Ngày 26-3-2014, lực lượng chức năng của huyện Chư Prông đã bắt quả tang 4 anh em nhà Rơ Châm Bia đang chặt hạ, phát đốt các loại cây rừng để trồng mì... Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ 4 con dao, 2 cái rìu mà 4 anh em nhà Bia đã trực tiếp sử dụng chặt hạ 114 cây rừng rộng trên 18.000 m2 đất lâm nghiệp. Tổng lượng gỗ tròn cộng lại tại hiện trường lên tới hơn 7 m3.

Những hành vi chặt phá các loại cây rừng, chiếm đất lâm nghiệp nêu trên đã xâm hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái môi trường.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm