Xuất ngoại để... đánh bạc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2010, giá cao su, hồ tiêu, cà phê tăng vùn vụt. Các sòng bạc bên kia biên giới đã tỏ ra “nhạy bén” với cơ hội này. Đây cũng chính là nỗi bi hài “đặc trưng” của các con bạc Tây Nguyên…
Quản gì kiếp tha hương…
Qua tìm hiểu, dân đánh bạc ở bên kia biên giới gần như đủ mặt các tỉnh Tây Nguyên. Không ít người là công nhân, người lao động ở các công ty cao su, cà phê, cũng không hiếm con bạc là nông dân đặc sệt. Rất hồn nhiên, họ thú thật là do trúng cà phê, hồ tiêu vụ rồi nên sang đây đánh bạc thử vận may. Nghe đâu cả cán bộ “làm kế hoạch ba” trúng mánh cũng sang đây đánh bạc… Thông tin này có vẻ là thật khi chúng tôi chứng kiến ở bãi xe có khá nhiều loại 4 chỗ của các con bạc “đại gia”. Hạng này khi đi đánh bạc mang cả xách tiền theo, thua hết thì mượn đánh tiếp, về trả lại…
Các con bạc chuẩn bị qua biên giới. Ảnh: Quốc Dinh
Các con bạc chuẩn bị qua biên giới. Ảnh: Quốc Dinh
Chẳng kể làm gì thứ tiền bạc không phải từ mồ hôi nước mắt ấy... Chuyện bi hài là những con bạc hạng “bình dân”. Nhân vật ấn tượng đầu tiên mà tôi gặp là Trần Thị Hà- quê ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ở quê, Hà một thời là “dân đá đỏ” có tiếng. Thói đời hễ có tiền là tập tọng ăn chơi, Hà dính vào chiếu bạc. Tiền của rồi nhà cửa kiếm được từ buôn bán đá đỏ lần lượt đội nón ra đi, hai vợ chồng phải dắt díu nhau vào Tây Nguyên làm đủ thứ nghề để sống. Ban đầu ở Đak Lak, không sống nổi lại dạt đến huyện Chư Prông buôn bán nhì nhằng. Được 2 năm nay, cuộc sống mới ổn định đôi chút thì ngựa quen đường cũ, Hà lại sa vào cờ bạc. Lần này thì không chỉ vợ mà còn cả chồng. Hà nói rằng không nhớ nổi bao lần vượt biên đánh bạc, chỉ nhớ không lần nào mình thắng trận trở về… Làm quần quật, buôn bán được chút đỉnh là máu cờ bạc lại nổi lên, lại sang biên giới đánh bạc. Anh đánh đằng anh, chị chơi đằng chị, tiền ai người nấy đánh. Cái ràng buộc họ bây giờ chỉ là đứa con, ai làm gì mặc, hàng tháng chỉ cần góp tiền lại đủ để nuôi thằng bé là xong!
Một công nhân cao su ở huyện Chư Prông tên là Hải cho biết: Nhiều công nhân cao su vẫn thường sang Campuchia chơi bạc. Người “đóng học phí” chục triệu đồng là chuyện thường. Như chú ruột của Hải. Vào Tây Nguyên lập nghiệp từ những ngày mới giải phóng, nhịn ăn nhịn mặc, qua bao cơn sốt thập tử nhất sinh mới gây dựng nên nhà cửa, vườn tược như ngày hôm nay. Vậy mà “củi đốn ba năm đốt hết một giờ” do bị rủ rê cờ bạc. Bây giờ đang suy tim độ 3, bác sĩ là người quen khuyên nên bỏ nhưng ông ta vẫn chứng nào tật nấy, có được vài trăm ngàn đồng là lại mò sang…
Tương tự là trường hợp con bạc tên Toàn ở đường Hùng Vương, thị trấn Chư Prông. Vợ chồng đầu tắt mặt tối bao năm mới gây dựng được vườn tiêu, vậy mà máu cờ bạc nổi lên, Toàn bán phăng đi lấy 700 triệu đồng. Xách cả túi tiền lên biên giới đánh bạc, ngày đầu ăn được mấy trăm triệu đồng, Toàn tuyên bố là sẽ mua ô tô để đi chơi. Nào ngờ chưa kịp mừng, hôm sau đã thua hết cả tiền ăn. Cú lên, Toàn gán cả căn nhà để gỡ cũng thua nốt. Vườn nhà mất sạch, chính anh ta cũng chưa biết canh bạc bi hài của cuộc đời rồi sẽ về đâu…
Khôn ngoan cũng chẳng thoát tròng…
Theo lời Hà, quân đánh bạc hạng “bình dân” ở đây khôn. “Khôn” là họ chơi “chiến thuật du kích”: Ăn được tiền là dừng. Không ít dân cờ bạc “gạo” sang đây kiếm cơm được vài “chai” rồi nghỉ. Họ cho như vậy là để “đầu óc sáng suốt”, tránh được tâm lý cú lên là “bất cần đời”.
Những con bạc đang chen chúc nhau bên các sòng bài. Ảnh: Quốc Dinh
Những con bạc đang chen chúc nhau bên các sòng bài. Ảnh: Quốc Dinh
Tôi gặp hai con bạc cùng hoàn cảnh cô đơn, cùng mang dòng họ Phạm ở xã Ia Me (huyện Chư Prông) là Nam và Út. Út đã lớn tuổi nhưng độc thân, đầu đinh giống đàn ông và tỏ vẻ khó chịu khi ai đó gọi bằng chị. Khi tôi gọi đùa bằng anh Út, chị ta tỏ vẻ khoái chí. Chiều về được gần 2 triệu đồng, “anh Út” không quên ngoắc thằng em tới uống ly nước mía cho hên. Khi tôi hỏi- sao anh Út không tiếp tục? Út tỏ vẻ già đời: Chiều rồi, thắng được tiền phải biết giữ, mai đánh tiếp. Giờ theo là sạch túi. Đừng nói tiền thắng, vốn đi luôn cũng không chừng… Thế nhưng ngày hôm sau gặp lại, Út “bỏ nhỏ” với tôi: Cho Nam mượn 7 “chai”, hôm qua mới đưa được 3, vẫn đang thiếu 4 “chai” đấy. Mấy ngày nay nó đen lắm. Thua suốt à…
Làm gì có chuyện “khôn” một khi đã dính vào cờ bạc… Vì mê cờ bạc mà gia đình chị Nam tan nát. Ôm con về nhà ngoại, cặp bồ, có thêm đứa con ngoài giá thú rồi sa vào đỏ đen. Nam kể “Nhớ lại lần đầu chơi món “Long hổ”, em mất toi 2 “chai”. Ngày hôm sau ôm hơn 10 “chai” quyết ăn thua đủ. Túi không về nhà, được nhà cái rút 500 ngàn đồng khuyến mãi chơi tiếp tại trận cũng thua nốt. Giờ thì tuần nào cũng đi, chỉ mong gỡ lại vốn rồi cạch. Nhưng lần nào còn tiền để đi xe về đến nhà đã là một ngày hên…
Chứng kiến trường hợp một con bạc tên Bắc ở Kon Tum. 3 ngày liền Bắc thua hơn 1 tỷ đồng. Ngày cuối cùng cố gỡ, Bắc thua nốt 320 triệu đồng. Thấy anh ta vãi tiền như rác mà đau lòng… Tỷ bạc anh ta ném vào trò đỏ đen kia giá trị bằng 3 ha cà phê kinh doanh hoặc 3 ha cao su đã vào chu kỳ khai thác. Ai thử tính mỗi ngày bao nhiêu ruộng vườn, tài sản đội nón đi sang xứ người? Vậy mà thật đáng buồn, cho đến bây giờ các cấp chính quyền ở Gia Lai gần như vẫn dửng dưng, người qua biên giới đánh bạc cứ dễ dàng như đi chợ. Lẽ nào chuyện mang tài sản sang đổ ở xứ người lại được coi là “quyền tự do của mỗi cá nhân”?
Quốc Dinh

Có thể bạn quan tâm