Bài cuối: “Hóa kiếp” cho… thuốc!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ảnh: N.G
Ảnh: N.G
Đấu thầu, mục đích cuối cùng là hướng đến sự công khai, minh bạch nhưng cũng từ đây, nhiều vấn đề rắc rối, tréo ngoe đã xảy ra, cụ thể là việc đấu thầu giá thuốc tại tỉnh ta. Từ năm 2009, công tác đấu thầu giá thuốc ở tỉnh ta mới được bắt đầu sau nhiều lần Sở Y tế bị lãnh đạo UBND tỉnh nhắc nhở, hối thúc.
Nhưng có điều lạ là trong 160 danh mục thuốc mời thầu, đã có 8 danh mục thuốc giá dự thầu cao hơn giá thuốc kế hoạch; 15 danh mục thuốc mà giá thuốc kế hoạch cao hơn giá dự thầu. Cụ thể, thuốc Mebendazol 500 mg, sản xuất tại Việt Nam giá dự toán 4.500 đồng/viên nhưng giá dự thầu chỉ có 709 đồng/viên; thuốc Amikacin 500 mg/100 ml, sản xuất tại châu Á giá dự toán 52.500 đồng/chai, giá trúng thầu 13.311 đồng/chai…
Như vậy, trước khi xây dựng kế hoạch đấu thầu, việc khảo sát giá ít nhiều có thể bị xem nhẹ dẫn đến thực tế này hoặc những người xây dựng giá thuốc đã đôn giá thuốc lên so với giá thực tế để có mục đích riêng. Trong năm 2010, tình hình cũng diễn ra tương tự khi có loại thuốc, giá trúng thầu thấp hơn giá dự toán với tỷ lệ chênh lệch lên đến trên 465%. Ngoài ra, giá thuốc của một số loại trúng thầu lại chênh lệch khá lớn so với giá bên ngoài của cùng một loại thuốc.
Như vậy, việc xây dựng giá trần của một số chủng loại thuốc để đem ra đấu thầu cũng cho thấy một thực tế bất bình thường. Ngoài ra, tại một số nhà thuốc trên địa bàn tỉnh, các loại thuốc trên, giá có thể còn thấp hơn. Chính thực tế trên đã gây khó khăn cho những người khám- chữa bệnh, đặc biệt là đối với những bệnh nhân nghèo. Bởi giá thuốc chênh lệch như vậy nên số loại thuốc của một lần khám- chữa trị sẽ ít hơn hoặc người bệnh phải trả tiền nhiều hơn. Đây cũng là sự phàn nàn của dư luận, của người bệnh lâu nay nhưng chưa được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Trong công tác thẩm định và giá thuốc trúng thầu cũng tồn tại nhiều nghịch lý đáng ngờ. Chẳng hạn, ngành chức năng đã kiểm tra 600/2.475 hồ sơ danh mục thuốc dự thầu (giai đoạn 2008-2010) và phát hiện có đến 83 hồ sơ thẩm định không đúng với hồ sơ mời thầu. Tổ xét thầu đã chọn 10 danh mục thuốc với giá bỏ thầu cao thay vì chọn giá bỏ thầu thấp để trình UBND tỉnh duyệt trúng thầu. Chính đây là nguyên nhân gây thiệt hại cho kinh phí BHYT và cho ngân sách với số tiền không hề nhỏ: Hơn 3,7 tỷ đồng.
Có loại thuốc sản xuất trong nước thì Tổ chuyên gia xét thầu lại “hô biến” thành thuốc sản xuất tại… châu Á hay thuốc ở châu Á lại được “hóa kiếp” thành thuốc của châu Âu để định giá. Tổng cộng có 8 danh mục thuốc sản xuất tại châu Á (Việt Nam) bị “hô biến” thành thuốc sản xuất tại châu Âu. Dĩ nhiên, người bệnh và ngân sách nhà nước sẽ “lãnh đủ” từ hành động cố ý làm sai rất liều lĩnh này. Còn doanh nghiệp trúng thầu thì được “giúp đỡ” hơn 2 tỷ đồng. Việc “giúp đỡ tay em” này dĩ nhiên phải được sự đồng lòng của một bộ phận trong quá trình xét thầu.
Với những sai phạm trên đã chứng tỏ việc xét thầu, chọn thầu của cơ quan, đơn vị có liên quan chưa thực hiện nghiêm Luật Đấu thầu khiến thị trường thuốc của tỉnh ta đầy “sóng ngầm”.
Ngay tại Bảo hiểm Xã hội tỉnh, lãnh đạo tiền nhiệm đã mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý. Nhưng sai phạm vẫn nối tiếp sai phạm tại đơn vị này, với số tiền hàng tỷ đồng trong thời gian sau đó. Nghiêm trọng hơn, một số cán bộ của Bảo hiểm Xã hội đã không làm tròn chức trách của mình trong công tác giám định chi, dẫn đến một số vụ “khám lậu”, lấy thuốc từ nguồn BHYT của cán bộ, công chức tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa.
Nhiều trường hợp có thẻ khám- chữa bệnh BHYT bị… khám oan bởi họ không hề biết, dù mình không đi khám vẫn có tên trong danh sách để nhận thuốc. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân khám- chữa bệnh theo diện có BHYT đã phải nhận thuốc với giá trên trời. Đối với bệnh nhân nghèo, họ càng nặng gánh trong những lần đau ốm! Dư luận rất bức xúc khi những sai phạm này bị phanh phui và hiện diện trên diễn đàn công khai.
Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức shark Thủy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.