Kông Chro- Gia Lai: Những cánh rừng… “kêu cứu”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tình trạng lâm tặc khai thác và vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn huyện Kông Chro đang diễn ra khá phức tạp và ngày càng gia tăng. Những cánh rừng tại các xã Sơ Ró, Đak Kơ Ning (Kông Chro) đang từng ngày “chảy máu”, mà nguyên nhân chính lại bắt nguồn từ sự buông lỏng của lực lượng kiểm lâm… 

Rừng bị xâm hại

Theo nguồn tin báo từ cơ sở, ngày 8-10-2009, chúng tôi đến xã Sơ Ró và Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro để tận mắt chứng kiến tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ở đây. Được một người địa phương dẫn đường, vượt qua hơn 10 km đường và mất thêm vài giờ lội rừng, chúng tôi đến được các tiểu khu 804, 805 và 807 thuộc địa bàn các xã Đak Kơ Ning. Trên đường vào các tiểu khu này, chúng tôi bắt gặp 6 điểm tập kết gỗ của lâm tặc với hàng chục mét khối gỗ, những súc gỗ cà te, dổi, căm xe và hương được phủ dưới những lớp lá cây. Theo như người dẫn đường cho biết, số gỗ này được lâm tặc khai thác từ nhiều điểm khác nhau, sau đó dùng trâu kéo về tập kết tại những điểm này chờ tẩu tán, nếu đi sâu vào các bờ suối, đường trâu kéo thì sẽ còn gặp nhiều hơn. Tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài và hầu như ngày nào cũng có lâm tặc khai thác và vận chuyển gỗ về các điểm tập kết.

Gỗ bị Kiểm lâm Kông Chro bắt giữ. Ảnh: Nam Anh
Gỗ bị Kiểm lâm Kông Chro bắt giữ. Ảnh: Nam Anh

Tại 2 xã Đak Kơ Ning và Sơ Ró, rất nhiều hộ dân sống bằng nghề khai thác gỗ. Được sự “bảo lãnh” của một người có máu mặt trong nghề… gỗ, trong vai người thu mua gỗ, chúng tôi đến nhà ông Năm Hổ- làng Ya Ma, xã Đak Kơ Ning để hỏi mua chân bàn gỗ hương. Tại đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến hơn 40 chân bàn gỗ hương loại 12 cm x 13 cm, dài 1,2 mét được ông Hổ giấu trong vườn. Ông Hổ cho biết số gỗ này ông mua lại với giá 30.000 đồng/chân, giờ bán lại với giá 35.000 đồng/chân, nếu vận chuyển ra đến thị trấn giá sẽ còn cao hơn. Theo phản ánh của những người dân ở 2 xã này, đêm nào cũng vậy, trên con đường huyết mạch từ các xã ra thị trấn Kông Chro, từng đoàn xe gắn máy của lâm tặc vận chuyển gỗ trái phép nối đuôi nhau.  Nhưng để vận chuyển được gỗ ra khỏi địa bàn 2 xã này, muốn đảm bảo an toàn và thuận lợi trong làm ăn thì phải được sự bảo kê của một đầu nậu tên V.T.N. ở làng Nhang Nhỏ. Mỗi lần ra hàng phải chung chi từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Còn V.T.N. chung chi lại cho ai thì không ai trong số họ được biết.

Gỗ trong vườn nhà ông Hổ. Ảnh: Nam Anh
Gỗ trong vườn nhà ông Hổ. Ảnh: Nam Anh

Đúng 18 giờ 45 phút, tối 8-10-2009, chúng tôi bám theo đoàn xe mô tô 7 chiếc xuất phát từ ngã ba làng Kuen (xã Sơ Ró) ra hướng thị trấn Kông Chro. Những súc gỗ hương được giấu trong những bao tải, trung bình mỗi xe từ 3 bao đến 5 bao. Cà te, dổi, căm xe được lâm tặc ngang nhiên vận chuyển từng súc lớn, đi sau đoàn xe này có cả bảo kê V.T.N. Khi về đến thị trấn, số gỗ này được tập kết tại một số hộ dân ở làng Ghe nhỏ, Ghe lớn và tổ 4 thị trấn Kông Chro. Hầu như đêm nào cũng có từ 3 đến 4 đoàn xe như vậy, còn vào các tối thứ sáu, bảy thì nhiều hơn…

Ai bao che “lâm tặc” phá rừng?

Tình trạng lâm tặc khai thác và vận chuyển gỗ trái phép từ 2 xã Sơ Ró và Đak Kơ Ning diễn ra trong một thời gian dài và một cách ngang nhiên. Trên quãng đường hơn 30 km về thị trấn, chúng tôi không hề thấy bóng dáng của lực lượng kiểm lâm. Rất nhiều người dân tại 2 xã này phàn nàn về cách làm việc thiếu trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn.

Đơn cử như ngày 19-9-2009, người dân phát hiện 21 súc gỗ dổi được lâm tặc giấu ở bìa rừng, thuộc khu vực thôn 15 (xã Sơ Ró) và đã điện báo cho lực lượng kiểm lâm địa bàn, nhưng không biết vì lý do gì, kiểm lâm địa bàn không lập biên bản và cũng không bảo vệ hiện trường. Thấy việc làm bất thường của kiểm lâm địa bàn xã Sơ Ró, một người dân đã gọi điện cho ông Nguyễn Mạnh Hà- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro. Dù đã chỉ đạo cho kiểm lâm địa bàn đến lập biên bản và bảo vệ hiện trường, nhưng khi ông Hà và cán bộ kiểm lâm huyện có mặt để lập biên bản thu giữ thì hiện trường đã bị xáo trộn, một số súc gỗ đã bị tẩu tán.

Vừa qua, chúng tôi cũng đã nhận được 2 lá đơn tố cáo ông Huỳnh Thanh Hiệp- Đội trưởng Đội Kiểm lâm địa bàn có những việc làm bất minh như: Thu giữ gỗ trong nhà dân nhưng không lập biên bản và lấy 30 chân gỗ hương đem bán lại cho ông Nguyễn Đình Chung- tổ 4- thị trấn Kông Chro… Chúng tôi được biết, ngày 28-9-2009, UBND huyện Kông Chro cũng đã có Công văn số 488/UBND-NC giao cho Thanh tra huyện xác minh đơn tố cáo của công dân. Đến ngày 30-9-2009, Thanh tra huyện đã lập đoàn thanh tra theo Quyết định số 09/QĐ-TTr  để tìm hiểu vụ việc.

Gỗ được vùi dưới đá bị kiểm lâm Kông Chro phát hiện. Ảnh: Nam Anh
Gỗ được vùi dưới đá bị kiểm lâm Kông Chro phát hiện. Ảnh: Nam Anh

Trong quá trình tìm hiểu về việc ông Hiệp có bán 30 một số gỗ hương cho ông Chung tổ 4- thị trấn Kông Chro hay không, thì ông Chung đã thừa nhận với chúng tôi: “Anh Hiệp có nhờ tôi chở 30 chân gỗ hương ở nhà ông năm Hổ thuộc làng Ya Ma. Sau đó tôi chở về thì anh Hiệp bán lại cho tôi với giá 1.000.000 đồng. Hiện nay, số chân hương tôi còn giữ lại (N.V)…”. Để xác minh lại vụ việc, vào lúc 12 giờ 34 phút, chúng tôi trao đổi với ông Hiệp qua điện thoại, ông Hiệp cho biết: “Tại tôi làm gắt, lâm tặc ghét tôi nên kiện vậy thôi. Tuyệt đối không có chuyện tôi bán 30 chân gỗ hương…”? Khi chúng tôi trao đổi với ông Trần Văn Minh- Hạt phó phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro thì ông cho biết: “Vụ việc đang được thanh tra huyện tiến hành điều tra, khi nào có kết quả chính thức chúng tôi mới xử lý được…”. Sau đó ông từ chối trả lời chúng tôi với lý do… bận họp!

Lời kết

Có thể thấy, sự thiếu trách nhiệm của chính lực lượng kiểm lâm địa bàn đã tiếp tay cho lâm tặc “tận diệt” những cánh rừng của huyện Kông Chro. Nếu không giải quyết triệt để tình trạng này, e rằng chỉ một thời gian nữa những cánh rừng ở đây sẽ nhanh chóng biến mất.

Nam Anh

Đến hết quý III-2009, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro đã xử lý 83 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó: Phá rừng trái phép 7 vụ,  khai thác gỗ và lâm sản khác 6 vụ; vận chuyển, mua bán, chế biến, cất giấu lâm sản trái phép 69 vụ; vi phạm các thủ tục trong mua bán, vận chuyển 1 vụ.

Có thể bạn quan tâm

Mẹ lãnh án vì giao xe cho con trai gây tai nạn chết người

Mẹ lãnh án vì giao xe cho con trai gây tai nạn chết người

(GLO)-

Sáng 27-3, Tòa án nhân dân huyện huyện Chư Prông đưa ra xét xử lưu động và tuyên phạt bị cáo Rơ Mah Pil (SN 1986, trú tại làng Tu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ".

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức shark Thủy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.