Nhìn từ Pleiku: Ảo tưởng quyền lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Suốt chiều dài lịch sử hơn 92 năm của nền báo chí cách mạng Việt Nam, chưa bao giờ vấn đề đạo đức người làm báo lại được đề cập nhiều như hiện nay với hàng loạt hội thảo, hội nghị, diễn đàn xoay quanh vấn đề này. Tại hội nghị học tập, quán triệt thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam tổ chức tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vào ngày 21-4 vừa qua, đồng chí Thuận Hữu-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, thẳng thắn chỉ ra rằng: “Sự tha hóa, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận những người làm báo Việt Nam đã đến mức báo động, gây ảnh hưởng xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí”.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều người đứng đầu Hội Nhà báo Việt Nam chỉ ra là một thực tế không thể phủ nhận bởi trong những năm qua có hàng loạt phóng viên, nhà báo ở nước ta vướng vào vòng lao lý. Và đáng buồn hơn là tình trạng này chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà còn gia tăng theo thời gian. Bằng chứng chỉ từ cuối tháng 3-2017 đến nay đã có ít nhất 6 phóng viên, nhà báo, nhân viên cơ quan báo chí bị bắt để điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật. Mới đây nhất, trong các ngày 4 và 7-8, nhà báo Nguyễn Thế Thắng (công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên) và phóng viên Phạm Lê Hoàng Uyển (Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập) đã bị cơ quan Công an tỉnh Đak Lak và TP. Cần Thơ bắt giữ vì liên quan đến các hành vi cưỡng đoạt tài sản và tống tiền doanh nghiệp.

Tại Gia Lai, cách đây nhiều năm, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh cũng đã bắt giữ 2 đối tượng có hành vi lợi dụng danh nghĩa hoạt động báo chí để đe dọa một doanh nghiệp phải đưa 500 triệu đồng, nếu không sẽ đưa thông tin những sai phạm của doanh nghiệp này lên nhiều tờ báo. Sau đó, 2 đối tượng này đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử và tuyên phạt tổng cộng 22 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Điều gì đã dẫn đến sự tha hóa, suy thoái đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận những người làm báo ở nước ta, thậm chí nhiều người vướng vào vòng lao lý như vậy? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó điểm khởi đầu dễ nhận thấy là việc giáo dục đạo đức trong nhà trường (gồm cả các trường đào tạo báo chí) và ở một số cơ quan báo chí vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí còn buông lỏng, bỏ ngỏ. Bên cạnh đó (điều này đặc biệt quan trọng), không ít sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã bị ảnh hưởng nặng nề quan niệm báo chí là “quyền lực thứ tư” của truyền thông phương Tây. Và họ mang theo quan niệm đầy ảo tưởng đó để bước vào nghề. Về điều này, cố nhà báo lão thành Hữu Thọ-nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, đã cảnh báo: “Quan niệm báo chí là quyền lực thứ tư theo tôi vừa không chính xác vừa dễ gây ảo tưởng cho những người làm báo”.

Với một nền tảng đạo đức không vững vàng, cộng với sự ngộ nhận về quyền lực của báo chí, nhiều phóng viên, nhà báo đã mặc nhiên tự cho mình cái quyền được “đứng trên người khác”: nhẹ thì khệnh khạng, kẻ cả trong giao tiếp; nặng thì hạch sách, đòi hỏi, vòi vĩnh, bắt chẹt, tống tiền doanh nghiệp, cán bộ sai phạm. Những “tấm gương” đồng nghiệp bị bắt vì vi phạm pháp luật dường như chẳng khiến nhiều người trong nghề mảy may bận tâm. Rất có thể, những phóng viên, nhà báo kiểu này đều có chung suy nghĩ “chắc nó trừ mình ra” giống dân làng Vũ Đại trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao.

Việc chỉ ra sự tha hóa, suy thoái đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo nước ta hiện nay không có nghĩa là phủ nhận sự đóng góp của số đông nhà báo chân chính mà chỉ để chúng ta thấy rằng, như bất cứ nghề nghiệp nào khác, nghề báo cũng không thể tránh khỏi những “con sâu làm rầu nồi canh”. Bởi lẽ, trong thực tế, rất nhiều phóng viên, nhà báo vẫn đang ngày đêm lao động cần cù, sáng tạo, chấp nhận khó khăn gian khổ, thậm chí hiểm nguy để hoàn thành sứ mệnh cao cả của người cầm bút. Bên cạnh đó, việc phủ nhận quan niệm đầy ảo tưởng rằng báo chí là “quyền lực thứ tư” cũng không có nghĩa khẳng định rằng báo chí không có quyền lực. Mà quyền lực thực sự của báo chí, nhất là báo chí cách mạng, là quyền được nói lên sự thật, đấu tranh với những hành vi sai trái, tham nhũng, tiêu cực; là quyền được bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Lê Hà

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.