Trục lợi, bạo lực tại lễ hội: Bệnh khó chữa?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sự thuần khiết của lễ hội với những hoạt động tín ngưỡng, vui chơi lành mạnh ngày càng mai một vì đa phần các lễ hội đã nhuốm màu sắc trục lợi.
Những hình ảnh phản cảm trong lễ hội Phết Hiền Quan 2017 tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Những hình ảnh phản cảm trong lễ hội Phết Hiền Quan 2017 tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Tết Nguyên đán đang đến cận kề. Trong khi nhà nhà náo nức chuẩn bị Tết, thì ở các thôn, làng, các địa phương cũng đang ráo riết chuẩn bị cho các lễ hội đầu Xuân. Dù năm nào vào thời điểm trước Tết, Thủ tướng Chính phủ, rồi lãnh đạo Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã có công điện, công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội, nhưng dường như tình trạng trục lợi, bạo lực vẫn tồn tại ở nhiều lễ hội.
Không thể phủ nhận rằng, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong năm qua đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội; tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Ngành Văn hóa- Thể thao- Du lịch và các địa phương đã tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động tổ chức lễ hội; hay lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về lễ hội. 
Thế nhưng, cũng có một thực tế là cứ mùa lễ hội đến, người dân lại được chứng kiến không ít những hình ảnh không đẹp như: giẫm đạp lên nhau, tranh cướp ấn, giành lộc; đốt đồ vàng mã tại một số di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn; khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích.
Chẳng hạn như lễ hội Phết Hiền Quan (tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) luôn xảy ra cảnh tượng các thanh niên trai tráng lấm lem bùn đất, giẫm đạp, xô xát để tranh giành quả phết. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc) khi cả trăm nghìn người dự hội cùng lao vào tranh cướp chiếu để cầu con trai. Hay ở lễ hội chùa Hương vẫn có những chiếc xuồng máy chạy “chui”, các đò chở quá số người quy định, không bảo đảm an toàn; rồi tình trạng hàng quán bủa vây ở hội đền Bia Bà (Hà Nội); vàng mã, tiền lẻ rải ngợp các ban thờ Phủ Tây Hồ (Hà Nội)... 
Mỗi năm cả nước ta có gần 9 nghìn lễ hội lớn, nhỏ, từ cấp qui mô quốc gia đến làng, xã. Những năm gần đây, lễ hội có xu hướng bùng nổ về cả quy mô và số lượng; số người dự hội ngày càng đông. Các lễ hội lớn, lại diễn ra nhiều ngày như: Chùa Hương, Yên Tử... mỗi ngày thu hút vài vạn người, công tác quản lý đâu phải dễ. Tình trạng rải tiền lẻ bừa bãi, mê tín dị đoan, tăng giá dịch vụ tại khu vực lễ hội rất dễ nảy sinh. Đáng buồn hơn, đây là những cảnh tượng lặp đi lặp lại qua các mùa lễ hội hằng năm.
Sự thuần khiết của lễ hội với những hoạt động tín ngưỡng, vui chơi lành mạnh ngày càng mai một vì đa phần các lễ hội đã nhuốm màu sắc trục lợi. Người đi dự lễ hội thiếu kiến thức, đi với tâm lý đám đông, trong tâm trí chỉ cầu mong đạt được hai chữ "danh, lợi" thì tránh sao khỏi rơi vào sự cuồng tín. Và với những đám đông cuồng tín đó, thì dù Ban tổ chức có lập các hàng rào như ở lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), hay lắp thêm nhiều camera như ở lễ hội đền Trần (Nam Định) thì các lễ hội cũng chẳng tốt hơn. 
Ở một khía cạnh khác, dư luận cũng lo ngại rằng: những người làm văn hóa đang cố gắng gọt dũa lễ hội cho tròn trịa, đảm bảo không gây tranh cãi, phản ứng trên báo chí và dư luận. Ví dụ như tại hội Gióng (Hà Nội) đã không còn tranh cướp lộc, hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc) sẽ phát lộc thay vì cướp chiếu, lễ hội cướp phết Hiền Quan, Bàn Giản có thể sẽ không còn tranh cướp phết... Thêm vào đó là việc đua nhau làm cho lễ hội có qui mô ngày càng hoành tráng, đưa vào thêm những yếu tố vốn không có trong lễ hội truyền thống. Về lâu dài, cách làm này sẽ làm mất đi nét riêng độc đáo của từng lễ hội. 
Rõ ràng, công tác quản lý lễ hội vẫn chưa thể đi vào thực chất và càng không thể chỉ siết chặt bằng những công văn, những quy định trên giấy. Cùng với việc trả lễ hội về để người dân tự tổ chức quản lý thay vì hành chính hoá các lễ hội như hiện nay, cần đặc biệt chú trọng thông tin đến với từng người dân về ý nghĩa của từng lễ hội, cách thức tham gia lễ hội sao cho đúng.
Sự chuyển biến của mỗi mùa lễ hội sẽ theo xu hướng tích cực, nếu ý thức của người dân được nâng lên. Cần chọn lọc để bảo tồn những lễ hội có xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm và kiên quyết loại bỏ những lễ hội không phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của địa phương, không đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Mai Hồng/VOV1

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.