Làm gương khó lắm!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người lớn làm gương cho người bé, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ làm gương cho dân… nghe thì dễ nhưng thực tế thực hiện lại không đơn giản.
Chuyện thứ nhất: Hồi còn bé, tôi nhớ như in có lần mấy anh em tôi đùa nghịch đánh vỡ cả bộ uống trà rất đẹp của bố. Bố tôi bực lắm liền phạt các con úp mặt vào tường, mỏi chân phát khóc mới được bố tha lỗi. Từ đó chúng tôi sợ nếu có chơi đùa phải để ý xem có gì gần đó không để còn tránh hoặc cất đi chỗ khác. Nhưng một lần khác bố nấu ăn chẳng biết lóng ngóng thế nào lại đánh đổ cả chồng bát đĩa vỡ tan tành. Anh em tôi sau phút sợ hãi vì tiếng động lớn liền la hét lên là phải bắt phạt bố. Không biết phải cãi làm sao, Bố tôi cũng đứng vào góc nhà nhưng mấy anh em tôi lại không có cơm ăn, đói quá lại ra năn nỉ bố đừng chịu phạt nữa mà hãy ra nấu cơm cho chúng con ăn đi.
Sau này, tôi cứ thắc mắc sao bố lại chịu phạt mà trong lúc đó đáng lẽ phải tìm cách nấu cơm thật nhanh cho các con ăn? Bố bảo, bố chỉ muốn các con hiểu lúc đó rằng “Dù bố là người có quyền tối thượng trong gia đình nhưng bố phải làm gương cho các con khi mình mắc lỗi dù lỗi bố gây ra không phải cố tình mà trong lúc bố đang làm việc”. Hoặc mỗi lần anh chị em tôi có chuyện bất đồng, cãi vã, mẹ tôi đều bảo các anh chị tôi rằng: “Bề trên mà chẳng chính ngôi để cho bề dưới chúng tôi hỗn hào”.
Hết cuộc đời làm công chức, bố tôi nghỉ hưu. Nhiều người nghĩ với cương vị mà ông đã từng trải qua chắc phải có nhiều tiền lắm. Nhưng bố bảo, tôi chả có gì, chỉ có một đàn con được học hành đầy đủ. Chị dâu tôi có lần bảo: Giờ đi làm việc, giao dịch ở các cơ quan, nhiều người biết chị làm dâu nhà tôi đều nói những lời rất kính trọng về ông. Chị bảo, những lời như thế thì chẳng tiền nào có được.
Người lớn vứt rác ở đâu trẻ con sẽ làm theo
Người lớn vứt rác ở đâu trẻ con sẽ làm theo
Chuyện thứ hai: Ở tổ dân phố khu tôi ở, ông Tổ trưởng không hiểu sao không nói được dân trong tổ của mình. Họp tổ dân phố, bà con bất bình bầu tổ trưởng mới. Thì ra, ông tổ trưởng lâu nay có nhiều cách ứng xử khiến bà con không tín nhiệm. Ông là người viết bảng thông báo bà con đổ rác đúng giờ nhưng chính vợ con ông lại là người mang rác ra để đầu phố khi không có xe rác. Nhà ông có việc, ông toàn tự ý mở cửa nhà văn hóa lấy đồ dùng của tập thể về sử dụng việc riêng. Chưa kể, chữ ký của ông cũng có vai trò nhất định đối với những hộ muốn xin sửa chữa, các cháu xin tạm trú, tạm vắng… mỗi lần như vậy cũng phải có tí gọi là thì việc mới nhanh được.
Hai câu chuyện tôi kể ra đều xảy ra loanh quanh nơi tôi sinh sống nhưng rất thấm thía một điều là chuyện làm gương ở đâu cũng cần thiết, dù đó là cách hành xử của hai con người với nhau, nhìn rộng ra một gia đình, cơ quan, đơn vị, một tập thể… Nếu người đứng đầu, người lớn tuổi hơn không gương mẫu thì chắc chắn sẽ không tạo được sự kính trọng với người khác; gia đình, tổ chức hay mối quan hệ đó sẽ chẳng có kỷ luật, kỷ cương. Sự  nêu gương là tiền đề để tạo lẽ sống, đạo đức, khuôn phép gia đình; ngôi vị và trọng trách của con người trong xã hội...
Từ thuở học vỡ lòng chúng ta đã có những bài học rất giản dị nhưng đáng suy ngẫm về tinh thần nêu gương, ví dụ như bài thơ “Làm anh” (Làm anh khó lắm mà chẳng dễ đâu/Khi em bé ngã/Anh nâng dịu dàng/Mẹ mua quà bánh/Chia em phần hơn/ Có đồ chơi đẹp/Cũng nhường em luôn). Mới thấy, làm gương không dễ. Bởi không dễ nên mỗi người mới phải phấn đấu để làm gương.
Lâu nay, chúng ta vẫn nói nhiều đến chuyện dùng xe công lãng phí, không đúng mục đích trong nhiều cơ quan Nhà nước. Thực tế này đã khiến các cơ quan “nắm hầu bao” của chính phủ phải “siết” chặt việc sử dụng, quản lý xe công. Nhưng xem ra, những tồn tại cũ vẫn chưa khắc phục khi vẫn còn những câu chuyện như dùng xe biển xanh đón người nhà, xe biển xanh đi lễ hội, xe biển xanh đi ăn giỗ…
Chúng ta vẫn thường nói “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn” để nói về việc cần thiết phải xây dựng một tôn ti, trật tự trong từng mối quan hệ nhỏ nhất. Trong mối quan hệ cá nhân – cá nhân nếu ai cũng giành sự thống trị, bề trên thì chắc chắn sẽ không có sự tôn trọng; trong một gia đình, nếu người làm cha, làm mẹ sống buông thả, vô trách nhiệm thì khó lòng sẽ có được những đứa con ngoan; trong một cơ quan nếu thủ trưởng, những người lãnh đạo mà chỉ lo vun vén cho bản thân, lợi ích nhóm… thì chắc chắn sẽ vô kỷ luật và mất đoàn kết.
An Nhi/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.