Trung thu thật sự là ngày Tết của trẻ em Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không rõ bao nhiêu nước trên thế giới có một ngày Tết trong năm dành cho trẻ em như ở Việt Nam: Tết Trung thu. Tại một số nước văn hóa tương đồng với ta, Trung thu là ngày lễ được nghỉ chính thức trong năm, song không phải ngày tết của trẻ em. Đó là lễ tạ ơn tổ tiên của Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản hoặc ngày thắt chặt tình cảm gia đình, đồng nghiệp (Tết đoàn viên) như Đài Loan, Trung Quốc, Singapore.

Tết Trung thu ở Việt Nam có từ hàng ngàn năm nay, trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đất nước ngày càng phát triển, sự quan tâm đến thế hệ trẻ, nhất là trẻ em càng được chú trọng.

Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet



 Còn nhớ thời bao cấp, khi mà hầu hết tài sản đều quốc hữu hóa, trâu, bò, heo... đều của hợp tác xã thì tại một vùng quê nghèo miền Trung, bọn trẻ con chúng tôi cả năm chỉ mong đến Tết Nguyên đán để ăn bữa thịt heo, bánh ngọt và Tết Trung thu được làng mổ bò đãi. Mỗi năm, chúng tôi được thưởng thức duy nhất bữa thịt bò vào dịp Trung thu, từ những con bò đã già không còn đủ sức kéo. Chỉ trẻ em mới có diễm phúc ấy, người lớn không có phần. Từ bé, tôi đã cảm nhận được sự ưu ái, đức hy sinh mà người lớn, cha mẹ dành cho trẻ em, cho mình.

Sau này, khi đời sống xã hội khá lên, ngày Tết Trung thu không còn là “một bữa thịt bò của năm” mà đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về vật chất, tinh thần của các em. Đấy là hội múa lân, rước đèn, phá cỗ... vui chơi thỏa thích. Gần đến Trung thu, người lớn càng tỏ ra ưu ái hơn với các em. Gia đình nào cũng muốn con em mình được vui vẻ, thỏa thích trong ngày Tết của các em.

Tết Trung thu ở Việt Nam cũng khác xa với Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6. (Từ năm 1959, Liên hợp quốc lấy ngày 20-11 làm Ngày Thiếu nhi. Tuy nhiên, từng nước có thể chọn cho mình Ngày Thiếu nhi riêng. Việt Nam và một số nước xã hội chủ nghĩa trước đây lấy ngày 1-6 làm Ngày Quốc tế Thiếu nhi theo lời kêu gọi của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế năm 1949). Nếu Ngày Quốc tế Thiếu nhi là dịp thể hiện trách nhiệm của Chính phủ các nước, chính quyền các nơi về đời sống thiếu nhi thì Tết Trung thu thật sự là ngày hội của các em. Ngày Quốc tế Thiếu nhi nặng về ứng xử chính trị còn Tết Trung thu là thái độ văn hóa của quốc gia.

Đã có lúc Trung thu nhiều nơi biến tướng, dành một phần để “tết người lớn”. Rất nhiều loại bánh đắt tiền sản xuất ra dịp này người ta mua biếu xén cho người lớn. Có gia đình nhận cơ man là bánh, không biết làm gì cho hết, mà bánh Trung thu thường hạn sử dụng ngắn, ngọt, ăn nhiều không lợi cho sức khỏe. Không ít hãng bánh Trung thu chỉ làm một tháng, lợi nhuận đủ sống quanh năm. Có đại gia nổi lên nhờ sản xuất bánh Trung thu. Trung thu không còn là Tết riêng của trẻ em mà là dịp thể hiện quan hệ, lấy lòng người lớn. Rất may, xã hội đã nhanh chóng điều chỉnh, thời ấy chóng qua, Trung thu đang trở lại quỹ đạo dành riêng cho các em.

Bây giờ, Trung thu không chỉ là một ngày Tết vào Rằm tháng 8 Âm lịch. Ở Gia Lai, trước Trung thu mấy tuần, nhiều tổ chức, cá nhân đã đến vùng sâu, vùng xa tổ chức vui Tết cho trẻ em. Hầu như các trường học, làng xã, huyện thị, cơ quan, đơn vị đều có những hành động cụ thể, thiết thực thể hiện sự quan tâm đến trẻ em. Trung thu gắn với đầu năm học, nhiều học sinh nhà nghèo, vùng khó không chỉ thiếu quà bánh mà còn thiếu sách vở, quần áo. Vì thế, từ nhiều năm nay, tỉnh Gia Lai tổ chức hoạt động vui Trung thu cho các em đều hướng về cơ sở, hướng đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, vừa tạo điều kiện cho tất cả thiếu nhi đón Trung thu vui tươi, ấm áp, an toàn vừa quan tâm đặc biệt đến trẻ vùng sâu, vùng xa để tất cả thiếu nhi được hưởng ngày Tết của mình thật sự ý nghĩa. Không ít Mạnh Thường Quân bên cạnh việc tổ chức vui chơi Trung thu còn tặng quà cho các em: Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín-Chi nhánh Gia Lai tặng 100 phần quà, mỗi phần 300.000 đồng cho trẻ em nghèo Đak Đoa. Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Gia Lai tặng 50 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn huyện Chư Sê, mỗi suất trị giá 400.000 đồng. Công ty Xuất nhập khẩu Hoa Trang Gia Lai tặng 80 suất quà trị giá 80 triệu đồng cho con em bệnh nhân phong ở huyện Chư Pưh...

Trẻ em thường tiếp nhận giáo dục trực quan từ gia đình, xã hội. Hàng trăm lời dạy bảo giáo điều không bằng một hành động thiết thực của người lớn. Tình cảm lớn lao và sự hy sinh vô bờ bến của xã hội, gia đình dành cho các em thể hiện qua việc làm cụ thể có giá trị giáo dục to lớn. Hành trang vào đời của các em mai sau chắc chắn sẽ có những ngày Trung thu đáng nhớ thuở nào. Hy vọng bằng những tình cảm thiết thực, sự quan tâm của toàn xã hội dành cho trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn về thể chất, trí tuệ lẫn nhân cách, đạo đức.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.