Tây Nguyên phải là một biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai, tối 30-11, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã đến dự và phát biểu khai mạc Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018. Báo Gia Lai Điện tử trích đăng bài phát biểu quan trọng này.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phát biểu. Ảnh: Đ.T
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phát biểu. Ảnh: Đ.T



Kính thưa các đồng chí lão thành, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang. Thưa quý vị đại biểu, các vị khách quý, thưa đồng bào, đồng chí! Tất cả chúng ta rất hạnh phúc có mặt tại đây, trong lễ khai mạc Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin gửi đến Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai nói riêng và cộng đồng các dân tộc anh em trên vùng Tây Nguyên nói chung tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa đồng chí, đồng bào, Tây Nguyên là vùng đất đầy nắng và gió với những cánh rừng già xanh thẳm, nơi những con người mộc mạc chất phác cùng nhau sinh sống tạo nên cộng đồng với nền văn hóa đặc sắc, độc đáo. Tây Nguyên là vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, nơi được xưng tụng là nóc nhà Đông Dương, nơi đã sinh ra những người anh hùng đi vào huyền thoại và trở thành nguồn cảm hứng để nhân dân các dân tộc Tây Nguyên viết lên những bản trường ca bất tận truyền tới muôn đời sau.

Gia Lai là vùng đất cổ xưa, lưu giữ nền văn hóa truyền thống, đặc trưng với địa danh lịch sử như Tây Sơn Thượng đạo, những con người huyền thoại như Anh hùng Núp hay những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú Biển Hồ, núi Hàm Rồng mờ sương và kho tàng sử thi hùng tráng vô giá. Tiếng chiêng huyền ảo trong sử thi Đam San biểu hiện của tín ngưỡng, là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên, âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió với tiếng lòng người sống mãi cùng đất trời và con người Tây Nguyên. Với sự phong phú, độc đáo, phóng khoáng và đa dạng, đã khẳng định vị trí đặc biệt của cồng chiêng Tây Nguyên trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền của Việt Nam.

Tiếng cồng, tiếng chiêng trở thành tiếng nói của tâm hồn, khát vọng diễn tả những niềm vui, những nỗi buồn và những ước mơ của người Tây Nguyên. Ảnh: M.N
Tiếng cồng, tiếng chiêng trở thành tiếng nói của tâm hồn, khát vọng diễn tả những niềm vui, những nỗi buồn và những ước mơ của người Tây Nguyên. Ảnh: M.N



Nhớ lại 13 năm trước UNESCO đã trao cho chúng ta một danh hiệu cao quý: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Chúng ta đã tổ chức đón nhận danh hiệu ấy tại TP. Pleiku xinh đẹp và đã có những cam kết mạnh mẽ với UNESCO về thực sự giữ vững danh hiệu đó. Cùng với thời gian, tiếng cồng, tiếng chiêng trong không gian di sản truyền khẩu của núi rừng đại ngàn vẫn luôn vang vọng trong lòng đồng bào các dân tộc anh em trên dãy Trường Sơn hùng vỹ và vượt qua khỏi biên giới quốc gia, là gia tài quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa nhân loại nói chung. Tiếng cồng, tiếng chiêng trở thành tiếng nói của tâm hồn, khát vọng diễn tả những niềm vui, những nỗi buồn và những ước mơ của người Tây Nguyên, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, đa dạng về văn hóa, lịch sử qua những câu chuyện bi tráng đậm chất sử thi về khí phách, quả cảm, tinh thần cộng đồng và tinh thần thượng võ của những người con Ê Đê, Jrai, M’Nông, Bahnar…

Lễ hội hôm nay là sự tôn vinh của những giá trị độc đáo và sức sống mạnh mẽ, trường tồn của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Điều đáng mừng là tham gia lễ hội có nhiều đội chiêng, nhiều nghệ nhân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt rất đông các cháu thiếu nhi, những người sẽ tiếp tục kế thừa, tiếp nối di sản từ các thế hệ ông cha trao truyền lại. “Hãy đánh những chiêng âm thanh nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng lan ra khắp xứ! Đánh cho tiếng chiêng luồn qua nhà sàn, lan dưới đất! Đánh cho tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời”. Vùng đất Tây Nguyên đang còn lưu giữ hơn 10.000 bộ chiêng, hàng trăm nghi lễ liên quan đến vòng đời người và chu kỳ cây trồng. Lễ nghi nào cũng thường liên quan đến cồng chiêng. Chúng ta gìn giữ bảo tồn phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng cũng chính là gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên truyền thống.

Nếu như mọi tập thể sống đều cần đến một hệ sinh thái nhất định thì cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng chỉ có thể sống động và phát triển trong một không gian phù hợp. Đảng và Nhà nước gửi gắm sứ mệnh giữ gìn không gian này cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên cùng nhau gìn giữ môi trường tự nhiên, môi trường sống, bảo tồn hệ sinh thái và phát huy giá trị của văn hóa Tây Nguyên truyền thống chính là giữ gìn môi trường sinh tồn của văn hóa cồng chiêng trong không gian đậm chất sử thi giàu sắc thái huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên. Tôi tin rằng không ai làm việc này tốt hơn chính đồng bào của mình ở đây, những chủ thể đích thực của di sản độc đáo. Tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền cùng toàn thể nhân dân các địa phương trong vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung cần tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, tập trung gìn giữ tiếng cồng chiêng trong không gian di sản đại ngàn, nhà rông, nhà dài và các nghi lễ, tín ngưỡng.  

Trong không khí lễ hội hôm nay, tôi xin nhắc lại với đồng bào, các vị khách quý cùng bạn bè quốc tế về tầm nhìn một Tây Nguyên mới. Chúng ta hãy cùng nhau đưa Tây Nguyên trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa để vươn lên, giàu có của Tây Nguyên là phát triển các ngành chế biên nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời, Tây Nguyên phải là một biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại của di sản Châu Á thế kỷ 21. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Tây Nguyên phải có chiến lược bền vững trong việc hồi sinh trở lại vẻ đẹp đại ngàn của vùng đất đậm chất sử thi, phải luôn ý thức gìn giữ không gian sống, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là truyền thống, niềm tự hào thiêng liêng của các cộng đồng Ê Đê, Jrai, M’Nông, Bahnar, Kinh… trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam chúng ta.

 Hoạt cảnh tái hiện sự kiên cường, bất khuất, anh dũng của người dân Tây Nguyên trong đấu tranh. Ảnh: M.N
Hoạt cảnh tái hiện sự kiên cường, bất khuất, anh dũng của người dân Tây Nguyên trong đấu tranh. Ảnh: M.N



Để hiện thực hóa tầm nhìn này, các tỉnh Tây Nguyên cần tương tác chặt chẽ với nhau về chiến lược, quy hoạch và ý chí tích cực hợp tác, kết nối trong chia sẻ nguồn lực và cơ hội để cùng phát triển với mục tiêu tăng trưởng bao trùm, mọi  người dân đều được hưởng lợi một cách tương xứng với công sức lao động và thành quả phát triển của Tây Nguyên, không để ai bị bỏ lại phía sau. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên cần nỗ lực hơn trong đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, nâng cao chất lượng quản trị nhà nước, chất lượng lao động và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cấp hệ sinh thái du lịch. Phải làm sao để 2 chữ Tây Nguyên luôn là niềm tự hào của người Tây Nguyên, của người Việt Nam. Và Tây Nguyên, Gia Lai luôn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư và du khách gần xa. Tôi tin tưởng rằng du lịch văn hóa, du lịch di sản là một thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên để phát triển mạnh về kinh tế-xã hội, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp ngày càng giàu có cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Xin chúc vùng đất anh hùng này ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững và thịnh vượng. Xin chúc lễ hội Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 thành công rực rỡ.

Có thể bạn quan tâm

Đặc sắc văn hóa và âm nhạc dân tộc

Đặc sắc văn hóa và âm nhạc dân tộc

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ của Festival Cồng chiêng, Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam“ với hoạt động trưng bày cùng diễn xướng đem lại một không gian rực rỡ sắc màu văn hóa và nghệ thuật trải dài từ Nam tới Bắc. Triển lãm trở thành một điểm nhấn rất riêng, thu hút đông đảo du khách.
Những "sứ giả" đặc biệt tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên

Những "sứ giả" đặc biệt tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên

(GLO)- Trong hơn 1.000 nghệ nhân tụ hội về TP. Pleiku dịp này, có người đã từng tham gia 2 kỳ Festival Văn hóa Cồng chiêng. Có người đã ở tuổi bát thập nhưng cũng có những em nhỏ vừa bước vào lớp 1. Hơn hết, họ đều là những “sứ giả“ của văn hóa, đại diện cho dân tộc trình diễn những nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc nhất.
Festival Công chiêng Tây Nguyên 2018 giới thiệu nhiều đặc sản đến du khách

Festival Công chiêng Tây Nguyên 2018 giới thiệu nhiều đặc sản đến du khách

(GLO)- Bên lề lễ hội Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là hơn 50 gian hàng giới thiệu đặc sản nổi tiếng của núi rừng Gia Lai. Đây không chỉ “điểm nhấn“ hấp dẫn du khách đến tham quan, mua sắm mà còn là cơ hội quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm cho địa phương.
Tôn vinh, bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng

Tôn vinh, bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng

(GLO)- Lời Tòa soạn: Chỉ còn vài ngày nữa, Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên sẽ diễn ra tại TP. Pleiku. Festival lần này sẽ mang thông điệp đầy ý nghĩa về hành trình kết nối, tôn vinh di sản của “Không gian văn hóa cồng chiêng“. Trước thềm lễ hội, P.V Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
Học sinh nội trú "giữ lửa" cồng chiêng

Học sinh nội trú "giữ lửa" cồng chiêng

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa đã đưa cồng chiêng vào các giờ ngoại khóa hàng tuần. Đặc biệt, trước đó, nhà trường đã chủ động phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện mời nghệ nhân để ươm mầm “hạt giống“ của nghệ thuật cồng chiêng.
Thường trực Tỉnh ủy làm việc về công tác chuẩn bị Festival Cồng chiêng

Thường trực Tỉnh ủy làm việc về công tác chuẩn bị Festival Cồng chiêng

(GLO)- Ngày 21-11, tại TP. Pleiku, Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác chuẩn bị cho Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy; Thành ủy, UBND TP. Pleiku; Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
Hoàn tất công tác chuẩn bị Festival Cồng chiêng Tây Nguyên

Hoàn tất công tác chuẩn bị Festival Cồng chiêng Tây Nguyên

(GLO)- Chiều 20-11, Ban tổ chức Festival cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018 tổ chức cuộc họp nghe lãnh đạo các sở, ngành, địa phương báo cáo công tác tổ chức lễ hội này. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà, Kpă Thuyên chủ trì cuộc họp.