Những chú chó ở Kon Sơ Lăl

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không nổi tiếng như chó Phú Quốc hay chó săn của người Mông, nhưng những chú chó săn của người Bahnar trên mảnh đất Tây Nguyên cũng rất khôn lanh, dẻo dai, luôn được chủ nhân coi như người bạn thân thiết.
Chú chó “tập sự”
Xã Hà Tây (huyện Chư Pah) những ngày giáp Tết lạnh căm căm. Từng đợt gió khô khốc lùa dưới nhà sàn. Cu cậu Cụt Đuôi nằm ngoan ngoãn bên cột nhà xù lông giữ ấm, đôi tai vẫn nghếch lên nghe ngóng từng tiếng động nhỏ. Cụt Đuôi là tên chú chó của nhà anh Đỉu (38 tuổi), một thợ đi rừng sành sỏi ở làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây. Anh Đỉu kể, do di truyền từ mẹ nên Cụt Đuôi có cái đuôi ngắn cũn cỡn bất thường và đó cũng là lý do khiến chú chó đen tuyền mang cái tên này. Đây là chú chó đực mới lớn vừa tròn 1 tuổi đang tràn trề… sức trẻ. “Cụt Đuôi mới lớn, chưa được đi rừng nhiều nên hôm nay mình sẽ cho nó lên rừng, tập đánh hơi, rèn luyện sức bền để trở thành một chú chó săn thực thụ”-anh Đỉu chia sẻ.
  Những chú chó săn nhỏ thó, lanh lẹ vốn là niềm tự hào của người Bahnar. Ảnh: V.N
Những chú chó săn nhỏ thó, lanh lẹ vốn là niềm tự hào của người Bahnar. Ảnh: V.N
Nai nịt gọn gàng, anh Đỉu ngồi lên chiếc xe máy rồi huýt sáo, Cụt Đuôi liền phốc lên xe ngồi gọn gàng phía trước, gối chiếc mõm nhỏ lên đôi tay của chủ. Chiếc xe máy men theo những con dốc đứng len lỏi đi vào rừng. Vừa đến nơi để xe, Cụt Đuôi nhảy tót xuống đất rồi háo hức lao thẳng vào bụi rậm ven rừng. Nhìn bóng dáng chú chó non đang “tập sự”, anh Đỉu bỗng bồi hồi nhớ lại người bạn đồng hành của mình suốt những năm tháng gắn bó với cánh rừng già ở Hà Tây. Người bạn ấy chính là chú chó Veng, đã bị một con nước lớn cuốn trôi hồi năm ngoái. Anh Đỉu giải thích, cái tên Veng bắt nguồn từ khi chú chó này còn nhỏ bằng củ mì, anh Đỉu thường bỏ Veng nằm gọn lỏn trong chiếc túi bên hông mỗi khi đi rừng. Trong tiếng Bahnar, Veng có nghĩa là “đeo”.
Người bạn đồng hành
Anh Đỉu nhớ lại: Từ nhỏ, Veng đã theo chủ len lỏi vào những cánh rừng. Khi đôi chân đủ nhanh nhẹn, chiếc mũi đủ thính, Veng được bám theo những con chó săn thiện nghệ của làng Kon Sơ Lăl. Từ vai là một chú chó nhỏ “học việc”, Veng nhanh chóng trở thành một trong những con chó săn giỏi nhất làng. Veng nhỏ thó, lanh lẹ và tinh quái như một con cáo với chiếc mũi cực thính. Mỗi buổi đi săn, Veng sẽ đi trước lùng sục khắp mọi ngóc ngách, chỉ cần đánh hơi thấy con mồi, Veng vừa sủa lên gọi chủ vừa gầm gừ để những con vật kia không dám di chuyển đi nơi khác. Anh Đỉu tâm sự: “Con chó săn tài giỏi là con chó biết sủa đúng lúc chứ không phải lúc nào cũng sủa lên, đặc biệt là phải biết giữ con mồi ở một chỗ đợi chủ tới để sẵn sàng bắt kịp con mồi trước khi chúng bỏ chạy”.
Ông Sôn-già làng của làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây, huyện Chư Pah: “Không phải con nào cũng thành chó săn giỏi được mà cũng tùy năng khiếu của từng con. Chưa kể nó phải được rèn luyện, được đi cùng chuyến săn với lũ chó thiện nghệ, có “thầy” giỏi thì tụi nó mới giỏi được. Chỉ sợ một vài năm nữa, khi những con chó giỏi chết đi hoặc bị mất mà chưa “truyền nghề” được thì phải rất lâu nữa mới đào tạo được một con chó có tài”. 
Cũng phải kể thêm: Sau khi lập gia đình, chỉ trong 3 năm, vợ chồng anh Đỉu đã lần lượt đón 3 đứa con chào đời với 2 cậu con trai và 1 cô con gái. Gánh nặng mưu sinh đặt nặng lên đôi vai của anh Đỉu khi gia đình chỉ có một rẫy mì và một đám lúa rẫy. Bởi thế, anh và Veng lại phải cặm cụi mò mẫm vào rừng tìm những con thú nhỏ. Những sải chân liến thoắng của Veng cùng cái mũi liên tục khụt khịt ấy là kẻ thù của biết bao con sóc, con dúi, con chuột. “Chiến lợi phẩm” tưởng chừng nhỏ nhoi từ những chuyến đi săn ấy được anh Đỉu bán cho người dưới xuôi để lấy tiền mua gạo, mua sữa cho con. “Mình chỉ săn dúi, chuột với sóc thôi, không săn những con thú rừng to đâu. Loại thú nhỏ này trên rừng nhiều lắm mà lại phá hoại nương rẫy của bà con trong làng nên đi săn vừa giúp được bà con lại vừa kiếm tiền mua sữa cho con. Ba đứa con của mình giờ lớn như vậy cũng là nhờ con Veng”-anh Đỉu thổ lộ.
Những ngày đi săn một mình, anh Đỉu vẫn không cảm thấy cô đơn vì có Veng làm bạn đồng hành. Mỗi khi nghỉ tay giữa rừng, hễ mang theo một củ mì thì anh lại bẻ cho Veng một nửa. Nhiều lúc bụng đói cồn cào mà bắt được con gì đó, chú chó này cũng không ăn mà tha về để nhận những cái xoa đầu tán dương của chủ. Nhưng rồi, trong một trận bão năm 2016, con nước lớn đổ về khi Veng đang đứng bên bờ suối đã cuốn trôi chú chó. Veng khi ấy mới tròn 5 tuổi. Từ đó, anh Đỉu ngày ngày trông ngóng nhưng không một lần thấy Veng trở về. Anh buồn bã như mất đi một người thân trong gia đình. Bởi vậy, khi thấy bóng dáng của Cụt Đuôi lui lủi vào rừng, đánh hơi trong từng kẽ lá, lòng anh lại nao nao nhớ về chú chó đã cùng gia đình anh bước qua một thời gian khó.
Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Con lợn mang ý nghĩa thế nào trong văn hóa các nước?

Con lợn mang ý nghĩa thế nào trong văn hóa các nước?

Lợn biểu trưng cho sự phồn thực, tính dục, sự nhàn nhã sung túc trong văn hóa phương Đông và là một trong những con vật có một mối liên hệ lâu đời nhất với con người, không chỉ người châu Á mà còn cả châu Âu và các nền văn minh khác.
Hội chợ xuân của bé

Hội chợ xuân của bé

(GLO)- Tết gần kề cũng là lúc hội chợ xuân diễn ra tại nhiều trường Mầm non trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh mong muốn tạo không khí vui tươi, hội chợ xuân còn hướng đến mục đích giáo dục các bé tinh thần sẻ chia với các bạn vùng khó.
Sưu tầm "hàng độc"

Sưu tầm "hàng độc"

(GLO)- Chính niềm đam mê nghệ thuật khoảnh khắc đã khiến một thợ ảnh gắn bó với những chiếc máy ảnh cổ. Có người lại mê mẩn những đường nét đơn giản nhưng tinh tế, đầy thẩm mỹ của gốm và sẵn sàng dành thời gian, công sức, tiền bạc để lặn lội
Xuân về trên ngôi làng Xê Đăng

Xuân về trên ngôi làng Xê Đăng

(GLO)- Từ một ngôi làng nghèo có tiếng, làng Ea Lũh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) đang từng ngày thay da, đổi thịt. Cái Tết với họ đã trở nên no ấm, tươm tất hơn khi đã không còn phải chạy ăn từng bữa.
Mỹ vị Jrai

Mỹ vị Jrai

(GLO)- Chỉ cần nhắc đến muối kiến, bò một nắng hay cà xóc, lá mì, cà đắng, muối cỏ thì bất cứ người nào đã từng thưởng thức qua sẽ cảm thấy dịch vị