Chàng 'Đam San' giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với quan niệm, 'văn hóa dân tộc phải tự mình giữ lấy', chàng trai Y Lâm Đăng Bing (người M'Nông) lao vào nghiên cứu, quảng bá hình ảnh quê hương bằng nhiều cách khác nhau. Anh như chàng 'Đam San' thời hiện đại, dám nghĩ dám làm, sống trọn đam mê và không ngừng truyền cảm hứng về tình yêu văn hóa dân tộc cho giới trẻ trong cộng đồng người Tây Nguyên.
Mơ thành đạo diễn…
Y Lâm sinh ra, lớn lên bên hồ Lắk (huyện Lắk, Đắk Lắk) thơ mộng- nơi tộc người M’Nông định cư lâu đời. Cuộc sống chốn thâm sâu giữa đại ngàn luôn tồn tại những điều ly kỳ nhuốm màu liêu trai, được cha ông dệt thành những câu chuyện cổ tích, sử thi thần thoại hấp dẫn mà mỗi đêm trăng sáng hay bên bếp lửa bập bùng, Y Lâm thường được các già làng kể lại.
Vừa nghe, anh vừa liên tưởng đến những hình ảnh sinh động. Anh ước mình có thể biến những câu chuyện kể thành thước phim hấp dẫn. Ở đó, anh thỏa sức sáng tạo, phát triển câu chuyện theo ý muốn của mình. Ước mơ làm đạo diễn dần nhen nhóm trong anh. Anh bắt đầu tìm xem các bộ phim cổ tích, sử thi trong và ngoài nước, nhất là phim về người hùng Tây Nguyên như Anh hùng Núp, Nơ Trang Lơng… để học cách xây dựng nội dung cốt truyện, tuyến nhân vật tốt - xấu… Những năm học cấp 3, Y Lâm tập tành làm phim. Anh tự viết kịch bản, lấy bọn trẻ trong buôn làm diễn viên, dùng điện thoại quay lại rồi lên mạng tải phần mềm làm phim về dựng. Mày mò học dựng, cuối cùng anh cũng cho ra những thước phim ngộ nghĩnh, chiếu cho bà con trong buôn xem, ai cũng tủm tỉm cười khen.
Y Lâm Đăng Bing ngày thường.
Y Lâm Đăng Bing ngày thường.
Tốt nghiệp phổ thông, Y Lâm làm hồ sơ thi vào trường sân khấu điện ảnh nhưng bị cha gạt ngay. Ông làm vậy cũng dễ hiểu, bởi ở buôn làng vùng sâu, vùng xa, hai từ “đạo diễn” nghe xa vời lắm. Chiều ý cha, Y Lâm theo học ngành Quản lý đất đai (Trường Đại học Tây Nguyên). Như một cơ duyên, năm 2013 anh biết đến cuộc thi làm phim ngắn “Tôi yêu nước sạch” do Quỹ Unilever Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức phát động. Đam mê nghề phim trong anh trỗi dậy. Y Lâm quyết định tham gia. Anh thể hiện thành công chủ đề “Một ngày không có nước sạch” bằng một đoạn phim dài 2 phút quay bằng máy ảnh mini du lịch. Anh vượt qua nhiều nhà làm phim chuyên nghiệp dự giải nhờ ý tưởng sáng tạo, đầy bản sắc buôn làng. Hình ảnh người cha đau ốm, khắc khoải trong cơn khát; đứa con băng rừng vượt núi mòn mỏi chờ từng giọt nước. Trong khi nhiều người lại đang dùng nước hoang phí đã chạm đến trái tim người xem. Y Lâm đoạt giải Nhất cuộc thi. Anh chứng minh cho gia đình thấy ước mơ làm đạo diễn của mình là thực tế, không hề viển vông.
Kể từ đây, cuộc đời Y Lâm bước sang trang mới. Anh khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh, bám theo các đạo diễn. Ban ngày tất bật ở phim trường, tối đến, anh sửa ảnh, dựng phim… kiếm tiền học nghề. 3 năm phiêu bạt theo đoàn làm phim, Y Lâm đã trang bị cho mình nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết. Sau đó, anh ra làm dịch vụ nhận quay MV ca nhạc, đám cưới… chứ không lấn sân vào con đường làm phim chuyên nghiệp. Y Lâm lý giải: Thế giới “sô bít” hối hả xô bồ, không thích hợp với tính cách chất phác, mộc mạc của con người Tây Nguyên. Điều quan trọng, anh muốn dành nhiều thời gian lui về quê nhà tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa của dân tộc mình. Với anh, cội nguồn là quan trọng, nếu mất đi, dù nhiều tiền cuộc sống cũng chẳng còn ý nghĩa.
Rồi làm phim về Tây Nguyên
Vùng đất Tây Nguyên nơi cộng đồng người M’Nông, Ê Đê, K’ho, Ja Rai sinh sống luôn hấp dẫn bao người bằng nền văn hóa độc đáo, khác lạ. Tuy nhiên các giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một theo cơn lốc hiện đại, Y Lâm đau đáu, bắt đầu hành trình đi tìm cội nguồn, nghiên cứu, bảo tồn. Anh lăn lộn khắp các buôn làng Tây Nguyên, cùng ăn, cùng ở với người dân để tìm hiểu, ghi chép, quay phim làm tư liệu nghiên cứu. Chỗ nào chưa tỏ, anh nhờ đến các chuyên gia nghiên cứu văn hóa uy tín chỉ dẫn. Sau một thời gian, Y Lâm đã thực hiện được hơn 50 thước phim về cuộc sống, phong tục của người Tây Nguyên như: Cách dựng nhà sàn dài, làm cối giã, đan gùi, dệt chiếu, tạc tượng nhà mồ… Anh dùng mạng xã hội Facebook, kênh Youtube… để truyền tải, đưa văn hóa Tây Nguyên vượt khỏi buôn làng đến bè bạn gần xa. Anh tâm sự: “Văn hóa dân tộc phải tự mình giữ lấy. Giữ thôi chưa đủ, mình phải làm cho nó hiện hữu mỗi ngày trong cuộc sống của buôn làng”.
Song song với hoạt động nghiên cứu văn hóa, Y Lâm còn làm phim, MV về người Tây Nguyên. Gần đây nhất MV “Thanh niên không tiền” ra mắt vào đầu tháng 6/2018 khiến đông đảo khán giả thích thú. Y Lâm chia sẻ cơ duyên thực hiện MV này rất tình cờ. Cách đây vài tháng, cậu em Benjamin (tên thật là Y Dân, người M’Nông ở tỉnh Đắk Nông) gửi cho anh nghe một bài rap tự tay viết, mong muốn làm MV. Biết cậu em giỏi chơi đàn trống, có năng khiếu hát rap nên anh đồng ý với điều kiện phải trau chuốt lại nội dung câu chữ. Y Lâm lên ý tưởng quay MV theo sát truyền thống, tất cả trang phục, đạo cụ, bối cảnh, không gian… đều toát lên khí chất của người Tây Nguyên. Điều đặc biệt, đây là MV đầu tiên do người Tây Nguyên làm về chính mình. Y Lâm làm đạo diễn kiêm quay phim, dựng cảnh; Benjamin sáng tác, hát chính cùng Đoát Dagout (dân tộc Lạch ở Lâm Đồng, hiện đang là ca sĩ tự do) và nhiều anh em dân tộc thiểu số làm diễn viên quần chúng.
Mọi thứ chuẩn bị xong, Y Lâm và các thành viên lên lịch thực hiện. Mỗi người một nơi, công việc khác nhau song tình yêu âm nhạc đã kết nối họ lại. Một tuần tại huyện Lắk, nhóm đã quay xong những phân cảnh ưng ý. Tưởng chừng chỉ là một cuộc dạo chơi, thử sức, không ngờ MV “Thanh niên không tiền” vừa trình làng đã thực sự gây “bão” trên cộng đồng mạng với hơn 1 triệu lượt xem, chia sẻ cùng những bình luận tích cực. MV tái hiện cuộc sống bình dị của người dân Tây Nguyên dù không giàu có về vật chất nhưng vẫn luôn lạc quan yêu đời, tự tìm niềm vui từ những điều dung dị nhất. MV cũng truyền đi thông điệp về một cuộc sống tích cực, có làm, có hưởng, chớ chạy theo những thứ phù du, hão huyền. Y Lâm thú thật không nghĩ MV lại được cộng đồng quan tâm đón nhận đến vậy. Trước MV “Thanh niên không tiền” anh từng làm nhiều đoạn phim ngắn tuy nhiên quy mô, chi phí đầu tư nhỏ hơn. Thành công giúp anh tự tin viết tiếp ước mơ đạo diễn của mình.
Hai ca sĩ hát chính trong MV “Thanh niên không tiền”.
Hai ca sĩ hát chính trong MV “Thanh niên không tiền”.
Tự hào người M’Nông
Ai từng tiếp xúc với chàng đạo diễn tay ngang sẽ dễ nhận thấy tình yêu, niềm tự tôn dân tộc trong anh. Ở chốn đông người, Y Lâm thu hút mọi ánh nhìn bởi “làn da nâu, đôi mắt sáng”. Anh chia sẻ: Bản thân từng cảm thấy tự ti khi là người dân tộc thiểu số. Bước vào giảng đường đại học, Y Lâm mới nhận ra mình hơn rất nhiều người. Anh thông thạo 3-4 ngôn ngữ, dân tộc anh có trang phục, bản sắc riêng… nên càng tự hào mình là M’Nông. Y Lâm còn khơi dậy lòng tự tôn dân tộc cho các bạn là người thiểu số trong trường. Anh chụp hình miễn phí cho các bạn với điều kiện phải mặc trang phục truyền thống và để ảnh đại diện Facebook. Ý tưởng của anh phần nào thay đổi suy nghĩ, giúp các bạn đồng bào dân tộc thiểu số tự tin về nguồn gốc của mình.
Từ một cậu bé M’Nông nhút nhát, giờ đây Y Lâm Đăng Bing đã vụt lớn trở thành thanh niên năng động, dám làm những điều mình thích. Anh được nhiều người ví như chàng “Đam San” thời hiện đại. Nếu như chàng Đam San trong sử thi anh hùng bất khuất, chống lại kẻ thù, bảo vệ vợ và buôn làng, thì chàng “Đam San” hiện tại cũng hiên ngang không kém. Anh đang nỗ lực hết mình gìn giữ bản sắc văn hóa, cội nguồn. Y Lâm trở thành người truyền cảm hứng về tinh thần, ý chí, lòng tự tôn dân tộc cho giới trẻ Tây Nguyên. Hy vọng ngày càng có nhiều bạn trẻ yêu mến văn hóa và cuộc sống của người Tây Nguyên qua những bộ phim sinh động, hấp dẫn của đạo diễn trẻ Y Lâm.
Huỳnh Thủy (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

(GLO)- “Kết nối tình nguyện-cháy mãi nhiệt huyết của tuổi trẻ“ là phương châm hoạt động của nhóm cựu cán bộ Đoàn cơ sở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sau hơn 2 năm thành lập, nhóm không chỉ mang niềm vui đến cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn là nơi các thế hệ cán bộ Đoàn gắn kết, “truyền lửa“ tình yêu với Đoàn.
Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

(GLO)- Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nội dung được các đơn vị trường học ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm. Trong đó, mô hình “Vườn rau em chăm“ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện bữa ăn và khơi dậy tình yêu lao động trong học sinh.
Đôi vũ công đặc biệt

Đôi vũ công đặc biệt

(GLO)- Đến với khiêu vũ một cách tình cờ, đôi vận động viên (VĐV) Trần Nam Dũng-Lê Phương Thảo đã từng bước khẳng định vị thế ở môn thể thao đầy tính nghệ thuật này. Tấm huy chương bạc tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 là sự ghi nhận cho những nỗ lực không biết mệt mỏi cùng tâm huyết của các vũ công.
Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

(GLO)- Với mong muốn nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng-Phó Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã nghiên cứu, áp dụng hiệu quả các phác đồ chữa trị mới, giúp người dân sớm phát hiện và điều trị ung thư tại chỗ. Một trong số đó là hóa trị trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn.
Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Tình nguyện mùa đông“ năm 2022 và “Xuân tình nguyện“ năm 2023. Trong 2 ngày (23 và 24-12), tại xã Đất Bằng, huyện Krông Pa và xã An Thành, huyện Đak Pơ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Ấm áp mùa đông“ năm 2022.
Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

(GLO)- Sau khi Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022-2027) thành công tốt đẹp, 63 tỉnh, thành trong cả nước đã đồng loạt tổ chức “Ngày thanh niên cùng hành động“. Trong đó, Gia Lai là 1 trong 7 điểm cầu được lựa chọn tổ chức cấp trung ương. Chuỗi hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

(GLO)- Sáng 18-12, tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức lễ phát động thí điểm Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên (YEA). Đây là hoạt động nằm trong dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói“ được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai và tỉnh Yên Bái.