Đừng để sự nghi ngờ lấn át lý trí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách đây vài ngày, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh một nam thanh niên dẫn theo một bé gái khoảng 2-3 tuổi đi mua sắm tại siêu thị. Nam thanh niên này đeo sau lưng một tờ giấy có dòng chữ “Bố chính chủ có CMT (chứng minh thư-N.V) đối chiếu”, còn phía sau lưng bé gái là tờ giấy ghi “Con chính chủ có giấy khai sinh mang theo”.
Ai đó có thể cho rằng, những hình ảnh trên chỉ là một hình thức “câu like”, vốn xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Tôi thì không nghĩ vậy. Dù nội dung hai tờ giấy nói trên có thể khá buồn cười với nhiều người nhưng với chủ nhân của nó, đó là một thông điệp rất nghiêm túc, đầy cẩn trọng. Bởi chỉ vài ngày trước khi hình ảnh trên xuất hiện, một ông bố dẫn con đi chơi công viên ở tỉnh Long An đã bị đâm chết. Lý do thì không ai có thể ngờ tới: Người ta nghi anh bắt cóc trẻ con.
 Khu vực công viên nơi xảy ra án mạng khiến anh Bảo bị đâm tử vong (ảnh internet)
Khu vực công viên nơi ông bố dẫn con đi chơi bị đâm tử vong (ảnh internet)
Theo thông tin trên các báo, chiều 21-2, anh Lê Hoài Bảo (28 tuổi, quê Kiên Giang, tạm trú tại thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đưa con đến công viên thị trấn Hậu Nghĩa chơi. Khi đến giờ ăn cơm, anh Bảo muốn đưa con về nhưng cháu bé không chịu và khóc. Một người phụ nữ bán vé số thấy vậy la lớn: “Bắt cóc trẻ con”. Nghe tiếng la, đối tượng Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi, trú tại thị trấn Hậu Nghĩa) đang đứng gần đó liền chạy đến can thiệp. Mặc cho anh Bảo giải thích đây chỉ là sự hiểu lầm, Điền vẫn không tin. Hai bên sau đó đã xảy ra cự cãi. Bất ngờ, Điền chạy vào một quán gần đó lấy con dao ra đâm một nhát trúng ngực anh Bảo. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng anh Bảo đã tử vong do vết thương thủng tim.
Bắt cóc trẻ em. Chỉ cần nghe đến cụm từ đó thôi, những ai có con cháu nhỏ đều cảm thấy rùng mình lo sợ. Không sợ sao được khi mà ở nước ta những năm gần đây đã xảy ra không ít vụ bắt cóc trẻ em để tống tiền hoặc bán ra nước ngoài. Mỗi vụ bắt cóc xảy ra, thông tin lại xuất hiện rầm rộ trên báo chí và mạng xã hội, chưa kể nhiều người còn tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận. Hệ quả là những kẻ bắt cóc trẻ em đã và đang trở thành “bóng ma” ám ảnh mọi người. Ám ảnh đến mức, nhiều người hễ thấy người lạ lảng vảng quanh nhà mình, quanh con cháu mình là nghĩ ngay đến bọn bắt cóc trẻ em.
Khi bị ám ảnh thường trực, con người thường đánh mất khả năng xét đoán sự việc một cách bình tĩnh, thấu đáo. Thay vào đó, họ có xu hướng hành động bột phát, quá khích. Đây chính là lý do mà thời gian qua có nhiều vụ đánh oan người gây thương tích, thậm chí mất mạng xảy ra ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Bình Định, Đak Lak … chỉ vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em.
Sự cảnh giác với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm bắt cóc trẻ em là điều rất cần ở mỗi người. Nhưng cảnh giác thái quá, để sự nghi ngờ lấn át lý trí, nhìn đâu cũng thấy tội phạm, cũng thấy bọn bắt cóc trẻ em rồi manh động “tự xử” như những trường hợp đã nói ở trên là điều đáng lên án. Bởi lẽ, không ai có quyền lấy một hành vi vi phạm pháp luật để giải quyết một hành vi vi phạm pháp luật khác, chứ chưa nói trường hợp mới chỉ nghi ngờ. Ngay cả khi phát hiện, bắt quả tang đối tượng bắt cóc trẻ em, người dân cũng không được tự ý xử lý vì đó là việc của cơ quan Công an.
Trở lại với hình ảnh tờ giấy “bố chính chủ”, “con chính chủ”, cá nhân tôi cho rằng, nó đáng buồn hơn đáng cười. Nó cũng cho thấy nỗi lo ngại thường trực của nhiều người trước những hậu quả có thể xảy ra với bản thân một khi mối nghi ngờ thái quá về “bóng ma” bắt cóc trẻ em vẫn còn tồn tại. 
 THÙY CHI

Có thể bạn quan tâm