Yêu ở tuổi học trò, có nên cấm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có học sinh nhờ tình yêu trong sáng mà học hành tiến bộ nhưng không ít phụ huynh khi biết “chuyện tình yêu của con” ra sức cấm đoán, có phải là phương án tối ưu?
Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc học sinh trung học yêu nhau không có gì khó hiểu. Nhìn ở góc độ tâm sinh lý, nó hoàn toàn bình thường, hợp với quy luật phát triển tự nhiên của “tuổi đang yêu”. Có học sinh nhờ tình yêu trong sáng mà học hành tiến bộ nhưng không ít phụ huynh khi biết “chuyện tình yêu của con” ra sức cấm đoán, có phải là phương án tối ưu?
Tình yêu tuổi học trò trong sáng. Ảnh minh họa
Tình yêu tuổi học trò trong sáng. Ảnh minh họa
Bằng mọi cách ngăn cản
Sau hơn 2 năm “mật phục” và nhiều lần bắt quả tang con gái mình “song hành” cùng một nam sinh cùng lớp, anh M. bức xúc nhắn tin cho bố bạn trai của con gái mình: “Anh có nói gì đi chăng nữa tôi cũng không chấp nhận chuyện này, vì nếu học hành tốt thì không sao, nhưng giờ càng lúc càng kém. Giáo viên gọi nhắc nhở bố mẹ quá nhiều rồi. Tôi sẽ bằng mọi cách để tách chúng ra. Chào anh”.
Hai năm trước, con trai anh T. và con gái anh M. yêu nhau từ lớp 10. Lúc đó cả hai gia đình đều biết. Gia đình anh T. không ngăn cản, chỉ khuyên “yêu sao cho trong sáng, không quá đà và chăm lo học hành, coi trọng sự nghiệp”. Ngược lại, biết chuyện con gái “yêu sớm”, gia đình anh M. ra sức cấm đoán không cho con gái mình quen bạn trai, thậm chí còn nhắn tin xưng “mày tao” và dọa nạt bạn trai của con gái mình: “cấm cửa, xa con gái tao ra”!
Mặc cho bố mẹ cấm đoán, con gái anh M. vẫn “không từ bỏ” tình yêu. Ngược lại, càng cảm thấy tình yêu của mình là đúng đắn và không “tội lỗi” như bố mẹ “áp đặt” rồi làm “to chuyện”. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, con gái anh M. đến nhà con trai anh T. cùng nhau ôn bài, làm những bài tập khó. Anh T. tâm sự: “Tôi cũng rất quý cháu gái ấy, nó rất ngoan và hiền”. Anh T. còn cho biết thêm, từ ngày có bạn gái, con trai anh học hành tiến bộ hẳn lên. Nếu trước đó môn văn thường xuyên điểm trung bình, thì nay được điểm 8, thậm chí 8,5. Từ chỗ mê game quên cơm, đến chấm dứt và rất yêu đời, siêng năng học tập. Ngược lại, anh M. ra sức cấm đoán, mắng mỏ con gái: “Nứt mắt đã yêu, dẹp”, và thường xuyên “mật phục” hòng “bắt quả tang”. Anh M. còn chuyển chỗ học từ phòng riêng của con ra học ở phòng khách để tiện bề “quan sát”. Chỉ tội nghiệp cho cô học sinh bé bỏng bị ông bố gia trưởng áp đặt chỉ biết buồn khóc.
Ở lứa tuổi của Đăng, sinh viên đại học, yêu là quá bình thường, song lại bị mẹ cấm đoán “không yêu đương gì hết. Học trước đã, ra trường rồi yêu cũng chưa muộn”.
Do bị mẹ cấm đoán, nên mỗi lần về thăm bố mẹ, Đăng đành “bí mật” gặp bạn gái ở bãi biển, hay nhà sách để nói chuyện. Mặc dù đã “cảnh giác cao độ”, song mấy lần Đăng cũng bị mẹ bắt “tại trận” vì đi chơi với bạn gái mà “không xin phép”. 
Sai lầm khi cấm đoán con yêu
Nhìn ở góc độ xã hội học, việc bố mẹ cấm đoán con cái yêu đương đều sai, bởi bản chất tình yêu không có lỗi. Con người là chủ thể của tình yêu. Yêu đúng đắn, trong sáng sẽ là động lực tiến bộ để hai người yêu nhau cùng nhìn, đi và hành động về tương lai phía trước. Ngược lại, bố mẹ cấm đoán con cái yêu, không chỉ là sự “kìm hãm” tình cảm tâm sinh lý tự nhiên, mà còn “chặn đứng, cắt đứt, chia lìa, thậm chí hủy hoại” tình cảm của con cái. 
Thời buổi hiện đại, việc nhận thức về tình bạn, tình yêu và quan niệm xã hội khác rất nhiều với thế hệ sinh ở những lứa tuổi trước đây. Thế hệ trước quan niệm cứ trưởng thành mới được yêu, học sinh trung học yêu là không được yêu. Thế hệ trước cũng không hiểu tường tận việc phát triển thể chất, tâm sinh lý của lớp trẻ hiện nay cách xa “một trời một vực” so với trước.
Trước đây, đời sống của thế hệ trước còn khó khăn. Việc thức ăn rau, cá là chủ yếu. Các chất bổ, béo là sữa bò đã là khá giả. Còn nay, đời sống nâng cao, học sinh uống các loại sữa tươi, khoáng chất hàng ngày. Các loại sữa ấy, có nhiều hợp chất tăng trưởng hóc môn, làm cho “độ lớn” của trẻ tăng nhanh hơn. Mà thể chất phát triển nhanh thì tâm sinh lý cũng phát triển nhanh, nên việc người trẻ bây giờ yêu sớm hơn là khách quan.
Trở lại với câu chuyện của con gái anh M. và con trai anh T.; hay chuyện yêu của chàng sinh viên tên Đăng bị mẹ cấm yêu. Phải công bằng và khách quan mà nói, anh M. cấm đoán con gái yêu là “cổ hủ, lạc hậu” so với nhận thức thời hiện đại. Anh M. phải hiểu rằng, ở lứa tuổi học sinh cấp 3, chuyện yêu hết sức bình thường. Hãy quan tâm đến “yêu sớm” của con gái hơn là sự cấm đoán. Bởi anh M. cấm đoán không chỉ không đem lại hiệu quả, mà ngược lại “có hại” cho con, ít nhất cũng làm “thương hại” tình cảm của con gái.
Không ít trường hợp do bố mẹ cấm đoán tình yêu, con gái đã cùng bạn trai bỏ nhà đi. Không ít trường hợp vì sự ngăn cấm của bố mẹ không cho yêu mà con cái tự tử - một thảm kịch đau lòng. Tình yêu đầu đời của các cháu thiêng liêng và trân trọng, bố mẹ đừng “dập tắt” tình yêu ấy. Cấm đoán chẳng đem lại kết quả gì, chỉ làm con cái khổ hơn, cực đoan và mất niềm tin hơn. Khi con cái “yêu sớm”, trong cái “lo”, bố mẹ cũng phải mừng vì con mình phát triển bình thường, thậm chí phát triển nhanh, trước so với bạn bè trang lứa, dĩ nhiên bố mẹ không “cổ súy” và “kích cầu” cho việc con yêu sớm.
Trước khi cấm con yêu, bố mẹ phải đặt “mình vào con” và trả lời câu hỏi: “mình có đau khổ khi bị bố mẹ cấm đoán”, “ngày xưa bố mẹ có cấm đoán mình không mà giờ mình cấm đoán con”? Hãy “đọc”, “nhìn” cảm xúc của con mà hành động chứ đừng lấy cảm xúc của mình mà áp đặt cho con.
Mai Thắng (sggp)

Có thể bạn quan tâm