Tình yêu không biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những chàng trai, cô gái Việt Nam-Campuchia không những viết nên câu chuyện tình không biên giới mà còn tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao đẹp, đó là vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị bao đời của 2 dân tộc.
Ngược tuyến biên giới xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, Gia Lai), chúng tôi tìm tới những gia đình “2 trong 1” ở làng Ó. Sở dĩ gọi như vậy là bởi trong những gia đình ấy, người vợ mang quốc tịch Việt Nam, còn người chồng mang quốc tịch Campuchia. Họ đã vượt qua những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, khoảng cách địa lý để viết tiếp những câu chuyện đẹp về tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam-Campuchia...
  Vợ chồng anh Thênh-chị Đơng dự định sẽ mời họ hàng sang đón Tết cổ truyền Việt Nam. Ảnh: P.D
Vợ chồng anh Thênh-chị Đơng dự định sẽ mời họ hàng sang đón Tết cổ truyền Việt Nam. Ảnh: P.D
Vốn mang trong mình 2 dòng máu Việt Nam-Campuchia nên ngay từ khi còn rất nhỏ, anh Siu Sinh (xã Pó Nhầy, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri) thường xuyên được cha mẹ cho về quê nội (làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) thăm họ hàng. Những lần như thế, anh Sinh thường chơi rất thân với cô bé Rơ Mah Xị (làng Ó), cũng theo cha về quê nội ở làng Sơn chơi. Thấy con trẻ “tâm đầu ý hợp”, trong lúc nhâm nhi ly rượu, 2 ông bố cao hứng hứa với nhau rằng, sau này khi 2 đứa trẻ lớn lên sẽ tác hợp cho chúng thành chồng vợ. Được người lớn se duyên, bản thân cũng thích sự dịu dàng, đằm thắm của chị Xị nên vừa đến tuổi trưởng thành, anh Sinh đã xin với gia đình cho qua làng Ó “bắt vợ”. Bà Rơ Mah HPhip-mẹ chị Rơ Mah Xị-chia sẻ: “Mình biết bố mẹ nó, biết nó (anh Siu Sinh-P.V) từ khi còn nhỏ nên đồng ý thôi. Gia đình mình đã xin chính quyền địa phương qua xã Pó Nhầy mua một con heo, con gà và ghè rượu cùng bánh kẹo để xin gia đình, họ hàng nhà Sinh cho nó về làng ở rể”.
Cũng viết nên câu chuyện tình không biên giới ở làng Ó còn có vợ chồng chị Kpuih Đơng và anh Rơ Lan Thênh (làng Pó Lớn, xã Pó Nhầy, huyện Oyadav). Chị Đơng gặp và quen anh Thênh trong những lần sang xã Pó Nhầy làm thuê. Và khi biết rõ hoàn cảnh của chị (chồng chết do bị rắn cắn, một mình phải bươn chải làm đủ mọi việc để nuôi 3 đứa con nhỏ), anh Thênh đem lòng thương cảm. Rồi chẳng hiểu tự lúc nào, sự thương cảm ấy chuyển thành tình yêu. Anh yêu sự chịu thương, chịu khó của chị nên chẳng ngại đường sá xa xôi tìm đến tận nhà để ngỏ ý muốn cùng chị chăm sóc các con nhỏ. “Lúc đó, mình sợ lắm! Mình không tin nó yêu mình thật lòng, vì mình nghèo lắm, con cái lại đông nên cứ thấy nó sang là mình đuổi về”-chị Đơng kể lại. Nhưng rồi trước sự kiên trì của anh Thênh và trước tình cảm anh dành cho các con chị, cuối cùng chị cũng xiêu lòng và đám cưới “trong mơ” giữa 2 người được tổ chức vào cuối năm 2016.
11 năm làm rể Việt, anh Siu Sinh cũng phần nào nắm bắt được những phong tục, tập quán bên nhà vợ, nhất là phong tục trong ngày Tết cổ truyền. “Bố vợ mình từng là bộ đội nên ông duy trì việc đón Tết như người Kinh và mình cảm thấy may mắn khi được làm rể trong gia đình như thế”-anh Sinh chia sẻ. Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết cổ truyền nên tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh Sinh cùng các con dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp đồ đạc cho gọn gàng và trồng thêm vài bụi hoa trước sân nhà. Anh Sinh nhận xét: “Tết cổ truyền Việt Nam rất vui, mọi người gác hết mọi công việc để nghỉ ngơi, đến nhà thăm nhau, chúc mừng, uống rượu...”. Riêng với anh Rơ Lan Thênh, năm trước vì cuộc sống mới chưa ổn định, kinh tế khó khăn nên việc chuẩn bị đón Tết còn khá đơn sơ. “Năm nay, gia đình mình sẽ ủ rượu ghè, học cách gói bánh tét, mua thêm bánh kẹo... và mời họ hàng bên xã Pó Nhầy qua chơi, cùng ăn Tết của Việt Nam”-anh Thênh hào hứng chia sẻ. 

Theo thông tin từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, trên địa bàn 3 huyện biên giới của tỉnh Gia Lai hiện có gần 50 gia đình Việt-Campuchia đang sinh sống.
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm