Thầy giáo trả lại túi đầy tiền vàng - cú lừa chạm đến trái tim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thầy giáo bịa ra chuyện nhặt được tiền vàng trả lại người mất đã tự vẽ thêm nét hoen ố vào hình ảnh người thầy, người làm truyền thông có thêm bài học.
 Thầy giáo bịa chuyện mình nhặt được túi đầy tiền vàng rồi trả lại người mất.
Thầy giáo bịa chuyện mình nhặt được túi đầy tiền vàng rồi trả lại người mất.
Người ta bảo, làm báo viết đấu tranh tiêu cực mới khó, viết gương người tốt việc tốt là an toàn nhất. Nhưng không phải vậy, khen đúng người, đúng bản chất, khen có chừng mực… là một việc khó không kém gì những bài báo điều tra, chống tiêu cực. Nhiều khi còn khó hơn rất nhiều bởi những bài viết về gương người tốt việc tốt chỉ cần “sai một li” thì hậu quả với xã hội vô cùng lớn.
Hôm rồi, có thời gian hàn huyên với GS Đặng Hùng Võ, ông trăn trở “bây giờ dường như người ta vô cảm với nhau hơn. Báo chí thì chỉ nhìn thấy tiêu cực”. Nhưng tôi bảo, “Không phải thầy ạ, người ta không vô cảm mà cảnh giác hơn. Bởi có quá nhiều chuyện tưởng như là việc tốt, việc nên làm, hàng trăm người lao vào giúp đỡ, bênh vực, nhưng cuối cùng lại là sự dối trá tinh vi. Ra đường nhìn thấy người bị nạn, cơ nhỡ nhiều người động lòng trắc ẩn lắm nhưng cũng không dám giúp đỡ vì sợ liên lụy. Bởi đã có người thân, bạn bè hay nhiều người ngoài xã hội đã từng “làm phúc phải tội”, đã từng giúp đỡ nhầm người..”.
Mới đây, câu chuyện một thầy giáo ở Hà Tĩnh nhặt được một túi đầy tiền vàng rồi mang trả cho người đã mất được rất nhiều tờ báo đăng tải, cư dân mạng điên đảo chia sẻ vì đây là hành động tốt hiếm hoi trong xã hội.
Với quan điểm của người làm công tác tuyên truyền, chúng tôi nghĩ đây là việc đáng được tuyên dương, đặc biệt đó lại là một thầy giáo nên càng đáng được khuyến khích để nhân rộng trong môi trường giáo dục để các học sinh noi gương. Cũng vì đó là một người thầy giáo có tên, tuổi, địa chỉ rõ ràng nên chúng tôi lại càng tin tưởng việc làm đó là thật. Nhưng sự dối trá của thầy được che đậy quá kỹ càng, qua mắt được rất nhiều người, đặc biệt là các nhà báo, để thầy giáo lừa một cách ngoạn mục, kéo theo dư luận tung hô hành động của thầy.
Hôm nay, khi sự thật đã bị phanh phui, nói về việc làm của mình, thầy Cường bảo chỉ vì mong muốn xã hội có cái nhìn tốt đẹp về ngành giáo dục, thầy đã nghĩ ra câu chuyện “nhặt được tiền, vàng” rồi trả lại cho người mất.
Mọi giải thích của thầy lúc này đểu là ngụy biện, không thể chấp nhận được. Bởi, hơn ai hết, thầy phải là người hiểu hậu quả việc làm của mình, chưa kể thầy là người dạy cho các em học sinh của minh sự “khiêm tôn, thật thà”. Dù có nói bất cứ điều gì lúc này để biện minh cho hành động của mình thì thầy cũng đã tự vẽ thêm một nét hoen ố về hình ảnh người thầy.
Đây là một sai sót nghề nghiệp, là bài học để chính những người làm báo chúng tôi phải ghi nhớ để lần sau không vấp phải những “cú lừa chạm đến trái tim” như thế. Xã hội càng phát triển, người ta càng có nhiều mánh lới tinh vi để thổi phồng tên tuổi, để trục lợi cho bản thân. Nghệ thuật che đậy cái xấu đã ở đỉnh cao nên một kẻ bình thường cũng có thể khiến cả xã hội điên đảo tung hô, xót xa chia sẻ, sau đó mới giật mình thì ra mình đã bị lừa.
Vũ Hạnh/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm