Tạo ra không gian tốt để người trẻ khởi nghiệp và sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đoàn cần quan tâm đến các giảng viên, nhà khoa học trẻ, cán bộ trẻ giỏi vì tạo sự cảm hứng, lan tỏa, dẫn dắt một lực lượng lớn của thanh niên để góp phần phát triển đất nước. Nhóm thanh niên cần quan tâm nữa là những thanh niên yếu thế để họ cảm thấy không bị bỏ rơi...

 Bà Trương Thị Mai chụp hình với các đại biểu dự Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đoàn lần thứ 3 - khóa 11
Bà Trương Thị Mai chụp hình với các đại biểu dự Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đoàn lần thứ 3 - khóa 11



Đó là những nhắc nhở của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai tại Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đoàn lần thứ 3 - khóa 11, diễn ra tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) chiều 18-7.

Hội nghị dưới sự chủ trì của Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong.
Tham dự hội nghị còn có Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị; Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn...

Nhiều chính sách và mong muốn làm những điều tốt đẹp cho thanh niên

Các đại biểu tại hội nghị tập trung thảo luận về báo cáo sơ kết 5 năm Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Bà Trương Thị Mai chỉ ra những cơ hội của VN trong quá trình hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, quá trình hội nhập; sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động; chất lượng lao động. Lớp trẻ cần xác định rõ vai trò của mình để phát huy cơ hội sẵn có.
Theo bà Mai, các phong trào của Đoàn phải thiết thực, hiệu quả. Đoàn phải tạo cho lớp trẻ có môi trường, không gian tốt trong việc nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chúng ta có rất nhiều chính sách và mong muốn làm những điều tốt đẹp cho thanh niên. Chính sách thì nhiều nhưng nguồn lực của chúng ta có hạn. Chính vì vậy, Đoàn cần sắp xếp các nguồn lực hợp lý để có thể hỗ trợ cho thanh niên tốt hơn.

Bà Mai lưu ý: “Đoàn cần quan tâm đến các giảng viên, nhà khoa học trẻ, cán bộ trẻ giỏi, quan tâm đến nhóm thanh niên này để tạo sự cảm hứng, lan tỏa, dẫn dắt một lực lượng lớn của thanh niên để góp phần phát triển đất nước. Nhóm thanh niên cần quan tâm nữa là những thanh niên yếu thế. Nhóm này cần quan tâm để họ cảm thấy không bị bỏ rơi khiến họ cảm thấy không lạc lõng, mất phương hướng trong cuộc sống với cộng đồng xã hội”.

Đẩy mạnh phong trào sáng tạo

Sáng cùng ngày, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong đã kết luận một số vấn đề liên quan mà các đại biểu đã thảo luận tại các phiên họp trước đó trong Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đoàn lần thứ 3 - khóa 11.


Liên quan đến phong trào sáng tạo, anh Phong nhấn mạnh: “Đây là phong trào mà Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã chọn thực hiện trong năm 2018, nhưng đến thời điểm này tôi nghĩ cần có đánh giá 6 tháng đầu năm mức độ tập trung về chủ đề này của các cấp bộ Đoàn có đủ mạnh chưa, đã tạo không khí sáng tạo mới trong thanh niên cả nước chưa? Tôi đề nghị việc tạo điều kiện, môi trường, không gian thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong thanh niên ở mỗi tỉnh, thành Đoàn cần có sự đánh giá sâu đến tận cơ sở”.

Theo anh Phong, chúng ta đã xem “Tuổi trẻ sáng tạo” là một phong trào điểm của năm, là nền tảng thúc đẩy và khẳng định vai trò của thanh niên cho sự tham gia phát triển của từng địa phương, đơn vị thì phải tập trung để chứng minh, vào cuộc của các cấp bộ Đoàn trong việc triển khai phong trào này. “Hãy xem còn lúng túng, vướng mắc gì để tìm ra phương thức, có cách giải quyết căn cơ. Nếu chỉ dừng ở mức ý chí mà giải pháp hành động thiếu cụ thể thì rất khó thực hiện được phong trào này tốt được”, anh Phong nhấn mạnh.

Liên quan đến việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên thanh niên, anh Phong nói: “Đây là vấn đề quan trọng, phải làm thường xuyên, liên tục làm và phải thường trực trong suy nghĩ, nhận thức của đội ngũ cán bộ Đoàn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ Đoàn chủ chốt. Việc làm này chúng ta thấy có nhiều khó khăn, nhưng không thể không làm tốt điều này. Phương thức và cách làm đòi hỏi cán bộ Đoàn các cấp phải gia công, dồn sức vì đây là vấn đề cốt lõi, căn cơ bởi vì nếu đoàn viên thanh niên không có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng thì hệ quả xảy ra rất nhiều thứ khó lường”.

Phát huy điển hình sau tuyên dương, tương tác với thanh niên là vấn đề cán bộ Đoàn phải có trách nhiệm và ý thức nhiều hơn. “Cán bộ Đoàn các cấp phải tiếp cận được thanh niên, phải lắng nghe, trao đổi trực tiếp với thanh niên và phải có cách tác động, định hướng cho thanh niên trong những vấn đề cụ thể. Mỗi cán bộ Đoàn phải giữ kênh kết nối với thanh niên để nắm chắc vấn đề. Phương thức thì đa dạng nhưng chúng ta phải tăng cường tiếp xúc với thanh niên nhiều hơn để đảm bảo trách nhiệm của mình trong vai trò vừa là cán bộ vừa là thủ lĩnh”, anh Phong nói.

Hỗ trợ thanh niên làm kinh tế là vấn đề thanh niên và xã hội quan tâm rất lớn. Chính vì vậy, anh Phong lưu ý: “Cán bộ Đoàn giữ nhiệm vụ hỗ trợ thanh niên trong lĩnh vực này phải có kiến thức vững vàng, kỹ năng phải giỏi, kiến thức kinh tế khởi nghiệp phải nâng lên một bước thì mới có điều kiện kết nối, hỗ trợ thanh niên làm kinh tế tốt được”.

Về phong trào thanh niên tình nguyện, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong mong muốn: “Bên cạnh việc truyền thông tốt những kết quả đạt được, các cấp bộ Đoàn dành sự quan tâm để kịp thời chỉ đạo và giám sát chặt chẽ các đội hình, tránh xảy ra các tình huống không hay. Các cấp bộ Đoàn phải có trách nhiệm với đội hình tình nguyện hoạt động trên địa bàn địa phương; có cơ chế phối hợp để lực lượng tình nguyện hoạt động đúng chương trình, đảm bảo tính kỷ luật và tính thiết thực, hiệu quả”.

Lê Thanh (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm