Thênh thang như Gió Đại Ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tự nguyện, đoàn kết, tự chủ về tài chính, phi lợi nhuận, phục vụ lợi ích cộng đồng cũng như nguyện vọng chính đáng của thanh niên... là những tiêu chí được đặt lên hàng đầu của Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa nghệ thuật đường phố “Gió Đại Ngàn”.

Trong lần tham dự lễ hội Hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya vào đầu tháng 12 mới đây, tôi có dịp theo dõi một “liveshow” kéo dài từ 14 giờ đến tận 21 giờ với nhiều tiết mục sôi nổi và đặc sắc như: ca hát, dân vũ, biểu diễn các nhạc cụ guitar, trống, sáo; tổ chức trò chơi thanh niên, lửa trại, nhảy sạp, cồng chiêng… với dàn “diễn viên” không chuyên lên đến 54 thành viên, thuộc đủ mọi thành phần, từ học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn đến công chức, bộ đội, công an… Hỏi ra mới biết đây là chương trình giao lưu của CLB Văn hóa nghệ thuật đường phố “Gió Đại Ngàn” TP. Pleiku.

 

Tiết mục của CLB tại lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya 2017. Ảnh: H.Đ.T
Tiết mục của CLB tại lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya 2017. Ảnh: H.Đ.T

Quá ấn tượng, chúng tôi nhanh chóng tìm gặp “thủ lĩnh” của CLB-anh Nguyễn Chí Vinh, cũng là một cán bộ Đoàn chuyên trách uy tín. Anh vui vẻ cho biết: Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, được sự chấp thuận của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, ngày 18-11-2017, CLB được thành lập và chính thức đi vào hoạt động với mục đích tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên có cùng năng khiếu, sở trường về âm nhạc, hội họa, các loại hình nghệ thuật đường phố... được giao lưu học hỏi, phát triển sở thích, năng khiếu; góp phần giới thiệu các loại hình nghệ thuật đương đại; phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai; xung kích, tình nguyện vì cộng đồng…

Với những tiêu chí đó, CLB đã thu hút đông đảo thành viên tham gia. Hiện “trụ sở” của CLB đặt tại quán cà phê Ấm (162 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku). Câu lạc bộ cũng thành lập Ban Chủ nhiệm với 5 thành viên là những cán bộ Đoàn uy tín; xây dựng quy chế, nội quy và chương trình hoạt động hàng tuần. Không chỉ tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, CLB còn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội. Tuy chỉ mới thành lập hơn 1 tháng nhưng CLB đã kết nối được với nhóm hoạt động xã hội của các bạn trẻ đến từ Hà Nội để tổ chức giao lưu, tặng hàng ngàn suất quà cho thanh thiếu nhi các xã: Lơ Pang (huyện Mang Yang), Chư Krey (huyện Kông Chro), Krong (huyện Kbang)...

Giải thích vì sao lại chọn loại hình nghệ thuật đường phố, anh Phạm Trần Bình-Phó Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: Loại hình này khi du nhập vào Việt Nam đã nhanh chóng được đón nhận nhờ những ưu điểm như: không gian biểu diễn rộng mở, không giới hạn số lượng người tham gia, tính linh hoạt và sự tương tác cao giữa người biểu diễn với công chúng. Câu lạc bộ nghệ thuật đường phố cũng không mặc định một hình thức đồng diễn âm nhạc nào mà có thể tùy biến, dung nạp thêm rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau như: sắp đặt, trình diễn ánh sáng, vẽ tranh tường, ẩm thực, thể thao đường phố... Hòa trộn và lấy cảm hứng từ đời thường để tồn tại, phát triển, những loại hình nghệ thuật này thường được gọi chung là nghệ thuật đường phố hay nghệ thuật công cộng. Thật thú vị khi trong cùng một khoảng không gian, thời gian nhất định, người xem có thể được thưởng thức lần lượt từ dân ca đến nhạc điện tử, từ múa sạp đến nhảy dân vũ… Đó cũng là lúc tất cả mọi người thật sự hòa mình vào lễ hội. “Còn với cái tên “Gió Đại Ngàn”, chúng tôi muốn mượn ý bài hát “Để gió cuốn đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”, nhưng gió ở đây là gió của vùng núi Tây Nguyên hùng vĩ-gió đại ngàn”-anh Bình chia sẻ thêm.

Hiện các thành viên trong CLB đang tích cực tập luyện để tổ chức đêm biểu diễn nghệ thuật tại Quảng trường Đại Đoàn Kết chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Giáng sinh 2017. Cũng tại địa điểm rất dễ thu hút sự chú ý của công chúng này, CLB sẽ biểu diễn một chương trình nghệ thuật đặc sắc chào năm mới 2018 vào ngày 31-12. Tiếp đó là phối hợp với Đoàn Trường Đại học Nông Lâm-Phân hiệu Gia Lai thực hiện chương trình văn nghệ nhân Ngày truyền thống học sinh-sinh viên Việt Nam (9-1) tại Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh. Ngoài ra, CLB sẽ kết nối với các tỉnh thành để giao lưu, biểu diễn giới thiệu với các tỉnh bạn về các loại hình văn hóa nghệ thuật đặc trưng vùng đất Gia Lai.

Và, không chờ đến những sự kiện lớn hàng năm, các hoạt động nghệ thuật đường phố vẫn diễn ra với nhiều hình thức và quy mô, lan tỏa vào mọi ngóc ngách của đời sống. Cụ thể, đều đặn cứ mỗi dịp cuối tuần, rải rác trên các tuyến phố ở TP. Pleiku, một số loại hình sân khấu dân gian và đương đại sẽ được biểu diễn trực tiếp, sinh động, là điểm nhấn thu hút du khách. Không chỉ làm phong phú, hấp dẫn cho cảnh và người Gia Lai, những hoạt động này còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di sản âm nhạc truyền thống cũng như quảng bá các loại hình nghệ thuật mới.

Dù còn khá non trẻ những CLB Văn hóa nghệ thuật đường phố “Gió Đại Ngàn” đã trở thành cầu nối của những trái tim biết trân quý cái đẹp trong ngôi nhà chung về văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, đây chỉ là một CLB tự phát, hoạt động tự nguyện, do đó thiết nghĩ tổ chức Đoàn Thanh niên cần đứng ra tạo chỗ dựa, lấy đam mê để đốt cháy đam mê, cùng đồng hành để “tiếp lửa” cho những hoạt động ý nghĩa trên, vừa để bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch, vừa làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân Phố núi.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm