Nhà có 4 cô nàng mê túc cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu xem bóng đá là một tôn giáo, sân bóng là giáo đường… thì cả 6 thành viên trong gia đình của anh Nguyễn Văn Hùng và chị Trịnh Thị Thu An ở xã An Phú (TP. Pleiku) là những tín đồ cuồng tín môn túc cầu của đội bóng Phố núi.
 
1. Chị An kể: “Gần 15 năm về trước, cả 2 vợ chồng đều là fan ruột của đội bóng HA.GL và danh thủ người Thái Lan Kiatisak. Mặc dù làm công nhân, nhưng mỗi khi có trận đấu nào diễn ra trên sân Pleiku thì vợ chồng tôi đều xin nghỉ để đèo bồng con cái ra sân cổ vũ không sót trận nào. Ấn tượng đáng nhớ nhất là vào năm 2003, HA.GL lần đầu tiên lên chơi ở V.League, nhưng ngay trong năm đó lập tức đoạt Cúp vô địch. Lúc đó tôi mới sinh đứa thứ 3 được vài tháng tuổi, nhưng vẫn hăng hái ẵm con ra tận sân bay Pleiku cùng với hàng ngàn người hâm mộ rước Cúp và diễu hành quanh thành phố…”.

 

Nhã Phương (phải) và Nhã Uyên (trái). Ảnh: M.V
Nhã Phương (phải) và Nhã Uyên (trái). Ảnh: M.V

Sau này, khi các con đã lớn, vì cuộc mưu sinh nên anh Hùng và chị An chọn cách ở nhà xem ti vi. Thay vào đó vợ chồng nhà này “bật đèn xanh”, động viên 4 cô con gái của mình là Nguyễn Thị Nhã Uyên, Nguyễn Thị Nhã Phương, Nguyễn Thị Nhã Trúc và Nguyễn Thị Nhã Trâm đều đặn đến Sân vận động (SVĐ) Pleiku để tiếp lửa cho Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…

Và hiện nay cả 4 cô nàng nhà họ Nguyễn (con gái đầu 22 tuổi, cô út 7 tuổi) đều trở thành fan ruột của đội bóng Phố núi. Bởi vậy dù đang đi đâu, làm gì, thậm chí ngày hôm sau có bài kiểm tra quan trọng trên lớp nhưng cả chị lẫn em đều tranh thủ làm bù, học bù vào lúc khác để dành hẳn thời gian tới SVĐ Pleiku tiếp lửa cho đội bóng của bầu Đức. Còn những lúc HA.GL rời xa “hậu cứ”, 2 chị đầu xin phép ba mẹ khăn gói đồng hành cùng Hội cổ động viên Câu lạc bộ HA.GL rong ruổi trên từng cây số, đi đến mọi miền Tổ quốc cùng với thầy trò huấn luyện viên Nguyễn Quốc Tuấn.

2. Nguyễn Thị Nhã Phương-sinh viên năm đầu của Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng tâm sự: “Mỗi lần theo chân đội HA.GL đi thi đấu trên sân khách, nếu đội nhà giành chiến thắng, sau trận mọi người tụ tập, nhảy múa, ca hát, ăn uống rất vui vẻ. Vì thế quãng đường trở về nhà dù xa mấy thì cũng có cảm giác rất gần. Còn nếu đội thua, y rằng hàng chục cổ động viên trên xe im re, chẳng ai nói năng gì, đường về có gần mấy cũng thấy xa vời vợi. Những lúc như vậy tôi chợt nhớ tới câu ca dao: “Khi đi trai tráng, khi về bủng beo”.

Người chị cả Nguyễn Thị Nhã Uyên tiết lộ thêm: “Tình yêu bóng đá của 4 chị em tôi một phần được “di truyền” từ bố mẹ. Mặt khác, khi gia đình còn sinh sống ở phường Chi Lăng, tôi là bạn học cùng khối, cùng Trường THCS Lý Thường Kiệt (TP. Pleiku) với Công Phượng, Minh Vương, Tuấn Anh, Xuân Trường. Tương tự, Nhã Phương là bạn học với Đinh Thanh Bình, Châu Ngọc Quang… Bởi vậy tình yêu bóng đá của chị em tôi ngày càng trở nên cháy bỏng hơn”.

Ngôi trường ven đô này ngày càng nổi tiếng nhờ lứa cầu thủ Học viện HA.GL-Arsenal JMG (nay là Học viện HA.GL JMG). Cũng do tò mò vì đám bạn cùng trang lứa ngày nào nhận được sự ngưỡng mộ cuồng nhiệt từ khán giả khắp cả nước, chị em Nhã Uyên, Nhã Phương lân la đến sân bóng để tìm hiểu xem sao. Mưa dầm thấm đất, và rồi bóng đá chẳng khác nào cơm ăn, nước uống, không khí để hít thở của chị em họ.

Cũng vì quá đam mê với bóng đá, cách đây vài tháng Nhã Uyên quyết tâm thi vào Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng, với mong muốn sau này gắn bó suốt đời với môn “thể thao vua” nói riêng và lĩnh vực thể thao nói chung.

Minh Vỹ

Có thể bạn quan tâm