Trà sữa và văn hóa "tuyệt vọng" trong giới trẻ Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Reuters, một văn hóa mang tên ‘Sang’ (tuyệt vọng) cùng một loại trà gọi tên những suy nghĩ tiêu cực đang hình thành trong giới trẻ Trung Quốc, những người đang phải hứng chịu nhiều áp lực xã hội, những thất bại.

Nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc đang rất mơ hồ về sự nghiệp cũng như cuộc sống hôn nhân. Họ đắm chìm trong tuyệt vọng. Trong bối cảnh đó, họ thích thú với các loại trà gọi tên sự tuyệt vọng của mình như “trà đen - tay-trắng”, “trà trái cây vợ-cũ-đang-sống-tốt-hơn-tôi”, “trà ngồi chờ chết”… Đó là tên gọi của các loại trà từ một chuỗi cửa hàng trà đang được yêu thích ở Trung Quốc mang tên SungTea.

Mặc dù tên gọi của các món trà trên nghe có vẻ hài hước nhưng những suy nghĩ đó thực sự đang tồn tại trong giới trẻ Trung Quốc và nó rất nghiêm trọng. Rất nhiều người trẻ Trung Quốc đã từng có kì vọng cao đang trở nên chán nản, không còn động lực phấn đấu. Họ hình thành một văn hóa “chán nản” trên các mạng xã hội mang tên “sang”.


 



Văn hoá "sang" được thúc đẩy bởi những người nổi tiếng trên internet thông qua âm nhạc,  một số trò chơi di động phổ biến, các khẩu hiệu tiêu cực và bi quan.

Văn hóa “sang” xuất hiện khi giới trẻ Trung Quốc cảm thấy “ngạt thở” với các cuộc cạnh tranh gay gắt khi tìm việc trong một nền kinh tế không còn mạnh như cách đây vài năm.

Theo Reuters, trong năm nay, mức lương khởi điểm trung bình cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học đã giảm 16% xuống còn 4.014 nhân dân tệ (608 USD)/tháng. Cạnh tranh khi tìm việc cũng cao hơn bởi có tới 8 triệu người tốt nghiệp từ các trường đại học Trung Quốc trong năm nay, gần gấp 10 lần năm 1997.

Ngay cả những người trẻ trong giới giàu có, đi du học về cũng tỏ ra thất vọng khi mức lương khởi điểm thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của họ.


 

Bên ngoài một cửa hàng của SungTea.
Bên ngoài một cửa hàng của SungTea.



Nhiều người cũng không thể mua nhà, một điều kiện cần thiết để kết hôn, bởi giá nhà quá cao. Theo Fang.com, trang web bất động sản lớn nhất Trung Quốc, căn nhà 2 phòng ngủ bình thường ở Bắc Kinh có giá khoảng 6 triệu nhân dân tệ (909.835 USD) sau khi giá bất động sản tăng tới 36.7% trong năm 2016. Mức giá này gấp 70 lần thu nhập bình quân một năm của một người ở Bắc Kinh.

Trong khi đó, theo trung tâm môi giới thuê nhà Ziroom.com, giá thuê nhà cũng tăng tới 33% trong năm qua lên 2.748 nhân dân tệ/tháng, bằng 58% thu nhập bình quân theo tháng của người dân Bắc Kinh.


Áp lực tài chính cũng khiến nhiều người trẻ Trung Quốc không dám kết hôn.

Tại Nam Kinh, một thành phố lớn ở phía đông Trung Quốc, độ tuổi kết hôn trung bình hiện đã lên tới 31,6 tuổi.

Zhao Zengliang, 27 tuổi, một người cũng đang chịu ảnh hưởng của văn hóa “sang” cho hay: “Tôi muốn nỗ lực nhưng môi trường quá khốc liệt. Tôi chỉ có thể nằm trên giường nghịch điện thoại. Giá như, ngày mai, khi thức dậy tôi đã được nghỉ hưu”.

Sự chán nản của giới trẻ Trung Quốc còn xuất phát từ sự thành công của các thế hệ trước khi nền kinh tế có rất nhiều triển vọng.

Zhao cho hay: “Truyền thông và xã hội đang ca tụng rất nhiều tấm gương thành công của thế hệ trước, khiến chúng tôi cảm thấy rất áp lực. Văn hóa "sang” giống như một sự phản đối ôn hòa đối với việc xã hội liên tục thúc giục thành công”.

SungTea hiện có mặt ở 12 thành phố Trung Quốc. Người sáng lập chuỗi cửa hàng SungTea Xiang Huanzhong, 29 tuổi, cho hay, ông chọn tên sản phẩm là những cụm từ tuyệt vọng như vậy để thu hút sự quan tâm của chính quyền đối với những tâm tư của giới trẻ.

Trong khi đó, theo Reuters, hồi tháng Tám, tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) của Trung Quốc đã chỉ trích các đặt tên các loại trà gây tuyệt vọng của SungTea. Tờ này mô tả văn hóa “sang” là "thái độ cực đoan, bi quan và vô vọng đáng để chúng ta quan tâm và thảo luận". Nhân dân Nhật báo kêu gọi: “Hãy đứng lên và dũng cảm. Từ chối uống trà Sung, chọn cách đi đúng hướng và sống theo tinh thần chiến đấu của thời đại chúng ta”.

Nhiều phương tiện truyền thông xã hội và công ty game trực tuyến khổng lồ Tencent cũng đã bắt tay chống lại văn hoá "sang". Họ thực hiện một chiến dịch quảng bá với hy vọng tiếp lửa hay tinh thần lạc quan trong giới trẻ Trung Quốc với khẩu hiệu: “Mọi cuộc phiêu lưu đều là cơ hội để tái sinh”.

Phạm Khánh Lược dịch (infonet)

Có thể bạn quan tâm