Hương của nắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có lẽ, đi khắp Tây Nguyên trong những ngày cuối xuân đầu hạ này, ai cũng cảm nhận được rằng không nắng nơi đâu đặc biệt bằng nắng Krông Pa (Gia Lai).
Nằm ở tận cùng phía Đông Nam của tỉnh, Krông Pa đón chào khách xa gần bằng con đường thẳng tắp chói chang uốn mình giữa hai vách đá cheo leo của đèo Tô Na sừng sững. Gió cũng vì thế mà chỉ dám khe khẽ len qua để nhường lối cho biết bao dòng người xuôi ngược. Nắng cũng vì thế mà cứ rực rỡ hơn mỗi ngày.
 Một khúc sông Ba. Ảnh: internet
Một khúc sông Ba. Ảnh: internet
Ở Krông Pa, đâu đâu cũng thấy nắng. Nắng reo vui trên những đóa hoa pơ lang đỏ rực ven đường. Nắng đùa nghịch vuốt ve những bạt ngàn xanh mơn mởn của cánh đồng thuốc lá đang vào mùa thu hái. Nắng lấp lánh sóng sánh trên ghe xuồng lững thững giữa dòng sông Ba cuối chiều chờ hoàng hôn về núi để lưới nặng những mẻ cá rô sông. Và nắng hân hoan phất phới cùng bao lá cờ với đủ sắc màu đang tung bay khắp mọi nẻo đường Phú Túc trong thời khắc nhộn nhịp cả quê hương Krông Pa chào đón 40 năm Ngày thành lập huyện nhà (23/4/1979-23/4/2019). Nắng Krông Pa như đang chung vui với những ngày tháng 3, tháng 4 lịch sử!
Nắng tràn ngập khắp muôn nơi cùng bao sắc màu, âm điệu và hương vị của cuộc sống.
Trên giàn phơi cao ngất vượt mái ngói mỗi nhà dậy nức mùi thơm của những thớ bò cỏ đang rêm mình hòa quyện với sả, với ớt, với những gia vị đặc trưng của Krông Pa và… với nắng. Đặc sản thịt bò một nắng Krông Pa có mặt khắp mọi miền đất nước, là món ngon nổi tiếng mà khách thập phương luôn muốn được thưởng thức ngay mỗi khi ghé thăm dù lần đầu hay nhiều lần sau đó.
Những chuyến xe tải vẫn bon bon tấp nập trên con đường bê tông kiên cố trải dài qua những thôn buôn ra tận cánh đồng mì đang rộ mùa thu hoạch. Xe ngược lên điểm đầu thị trấn để tập kết mì về Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Krông Pa (Chi nhánh Công ty cổ phần FOCOCEV Việt Nam). Xe xuôi qua cầu Mlah về với Chư Ngọc để mì kịp đến với công nhân Công ty TNHH Thương mại Chế biến Nông-Lâm sản Đường Vạn Phát. Người công nhân hăng hái bắt tay vào sản xuất giữa cái nóng hầm hầm đổ xuống nhà xưởng. Những giọt mồ hôi nhảy nhót trên lưng, lấp lánh trên khuôn mặt của người nông dân khấp khởi vì vụ mùa bội thu. Chẳng hề gì, nắng đang cùng cười hạnh phúc với mọi người đấy thôi!
Trước kia, Krông Pa được mệnh danh là “chảo lửa trần gian” vì oằn mình trong nắng, từng khóm cây, bụi cỏ đến những hạt đất nhỏ nhoi cũng bạc màu vì nắng. Krông Pa chỉ để lại trong ký ức mỗi người ghé qua sự khó khăn, nhọc nhằn của người dân hay những khắc nghiệt bức bối của thời tiết, là những xa xôi cách trở của đường đi lối về. Tất cả đều vì nắng. Nhưng giờ đây, nắng tạo ra thương hiệu đặc trưng cho mì, thuốc lá, cho thịt bò một nắng, thịt heo một nắng, cá rô sông một nắng… của Krông Pa. Và nắng đã trở thành một đặc sản riêng cho chính tên gọi của mình: Đặc sản nắng Krông Pa. Nắng là ánh sáng, là niềm vui cho tương lai khi những dòng điện được thắp sáng từ các nhà máy điện năng lượng mặt trời lần lượt mọc lên trên những ngọn đồi khô cằn sỏi đá và đang dần hòa cùng vào nguồn điện lưới quốc gia. Nắng đem đến cho quê hương Krông Pa biết bao nguồn lợi đáng giá và đầy ý nghĩa nhân sinh.
Qua 40 mùa xuân, Krông Pa đã thực sự thay da đổi thịt, đã vươn lên trở thành một vùng quê sầm uất, tươi đẹp và đáng sống. Bạn đến Krông Pa một lần đã thích thú với nắng và muốn quay trở lại thêm lần nữa. Không hẳn vì những món ăn ngon đậm chất nắng. Không hẳn vì con đường đã gần hơn và êm hơn hay những tiện nghi đầy đủ cho nhu cầu của mỗi người. Mà vì bạn muốn dừng chân lâu hơn bởi tấm lòng ấm áp và nụ cười tỏa nắng của con người Krông Pa mến khách, chân tình đến nồng hậu, thiết tha.
 VIỄN PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.