Giao liên "nhí" một thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Anh Nguyễn Hữu Thái (hiện ở tổ 5, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) là một trong những người trưởng thành từ Khu 10, nay là Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang. Ngày nọ, khi cùng ngồi nhâm nhi ly cà phê, đôi mắt anh chợt trầm tư nhớ về quá khứ. Câu chuyện quay ngược về cái thời anh là một giao liên “nhí” vào thập niên 70 thế kỷ trước.
Quê anh ở xã Ân Hảo, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Cha anh là bộ đội thuộc Sư đoàn Sao Vàng (Sư đoàn 3, Quân khu 5). Đợt về nhà lần cuối vào năm 1967, cha anh có dặn bạn bè còn ở lại địa phương rằng nếu ông không về được thì “nhờ anh em dẫn thằng Thái lên chiến khu giúp”. Và trên đường chiến đấu, ông đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1968. Năm 1971, mẹ anh cũng qua đời vì đau bệnh. 1 năm sau đó, khi vừa tròn 14 tuổi, anh được đồng đội của cha dẫn lên căn cứ Khu 10. Là người Kinh nhỏ nhất trong nhóm người đi lên căn cứ lần ấy, anh được mọi người đặt cho biệt danh là “joăn nhí”-chú bé người Kinh.
  Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang.  Ảnh: Đ.T
Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang. Ảnh: Đ.T
Đến căn cứ, cậu bé Nguyễn Hữu Thái được nhập học ở Trường Nội trú tỉnh tại khu 2 (xã Lơ Ku, huyện Kbang hiện nay). Sau đó, anh được phân công vừa học vừa làm giao liên. Người gây ấn tượng sâu đậm với anh ở chiến khu là bok Đẳng (tức đồng chí Nguyễn Văn Bình-nguyên Bí thư Tỉnh ủy). Trong mắt anh, bok Đẳng là người rất dễ gần bởi chất giọng Bình Định dễ mến và ánh nhìn rất thiện cảm. Đi đâu trong túi bok cũng có kẹo để cho trẻ con (anh cũng từng được cho kẹo vài lần). Có lần, anh chứng kiến một anh thanh niên cầm bì củ sâm mới đào được tặng bok, nhưng bok ân cần khỏa tay: “Bác cảm ơn các cháu, nhưng bác có chế độ cao hơn các cháu, cháu để mà dùng hoặc cho những anh em đau ốm!”.
Mỗi lần có cán bộ các nơi về công tác, anh luôn là người được phân công dẫn đường bởi thông thuộc nhiều đường ngang ngõ tắt. Với các giao liên “tân binh”, anh cũng sẵn sàng hướng dẫn từng chi tiết. Chưa hết, với bản tính ưa khám phá và chịu khó quan sát, anh còn nắm rõ nơi nào có rau rừng, chuối chỗ khu trú ngụ của các loại thú nhỏ. Chính vì vậy, anh thường xuyên được giao đi cùng tổ hậu cần mỗi khi đơn vị cần “cải thiện” đời sống. Những chuyến đưa cán bộ cách mạng vượt đường 19 để vào khu 7 (đoạn chân đèo Mang Yang), con đường phải vượt chỉ cách nơi đồn trú của địch khoảng vài trăm mét, anh luôn là người tiên phong cảnh giới suốt buổi trên ngọn cây cao. Đến đêm, chờ đến giờ xuất phát, mọi người dùng những tấm ni lông đi mưa rải xuống đường nhựa giúp đoàn đi qua không để lại dấu vết. Qua các đoạn đường đất mềm cũng thực hiện như vậy. Nhờ những kinh nghiệm ấy, nhiều tổ công tác đã an toàn vượt qua những chặng đường nguy hiểm. Nhanh nhẹn là vậy nhưng trên đường làm nhiệm vụ cũng có những lần Nguyễn Hữu Thái bị thử thách giữa lằn ranh sinh-tử. Đáng nhớ nhất là vào một buổi chiều năm 1974, khi anh bơi qua sông Ayun để đưa thư hỏa tốc. Lúc này, lũ đột ngột đổ về cuốn phăng anh trong dòng nước dữ. May nhờ anh nhanh trí vừa bơi vừa bắn súng báo động nên được đồng đội kịp thời ứng cứu.
Sống giữa rừng, ngoài chiến đấu với địch còn phải đối phó với thú dữ. Có lần, trên đường công tác, anh gặp một con heo nọc to lớn, nặng phải đến vài tạ. Thấy anh, nó giương đôi nanh cong vút, há miệng xộc tới tấn công khiến anh phải vội vã trèo lên cây cao “lánh nạn”. Còn gặp cọp là chuyện… thường ngày, nhất là khi đi qua những khu cỏ tranh, lau lách có nhiều thú như nai, heo rừng... Kinh nghiệm đối phó khi đi qua những khu này là phải đi thật đông người, tạo tiếng động lớn như hò hét để cọp không dám lại gần hoặc nếu gặp trực diện thì phải bắn chỉ thiên để “ông ba mươi” hoảng sợ mà bỏ chạy.
Ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Hữu Thái vừa tròn 17 tuổi. Anh tiếp tục học phổ thông, đến năm 1983 thì tốt nghiệp đại học với tấm bằng Cử nhân Luật. Sau đó, anh về công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Trước khi về hưu, anh là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Chư Pưh. Với những thành tích qua các thời kỳ, anh vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương chống Mỹ hạng nhì cùng nhiều bằng khen của tỉnh, kỷ niệm chương của Bộ Công an, Bộ Tư pháp. Dù ở vị trí công tác nào, anh cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Giờ đây, khi tóc đã điểm sương, ký ức về những ngày làm giao liên vẫn để lại trong anh những ấn tượng và nỗi nhớ đậm sâu, cái thời đi theo cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ…
 AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.