Triển khai các giải pháp căn cơ để giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 4-3, đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy do đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại xã Đak Rong (huyện Kbang, Gia Lai) để nắm tình hình cũng như chỉ đạo các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao
Báo cáo với đoàn công tác, ông Đinh Nao-Chủ tịch UBND xã Đak Rong-cho biết: Đak Rong là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Kbang. Xã có tổng diện tích tự nhiên hơn 34.195 ha, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp hơn 31.188 ha (chiếm 91,2%), còn lại là đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Toàn xã có 1.090 hộ với 3.800 khẩu (gần 90% là đồng bào dân tộc thiểu số) sinh sống ở 11 thôn, làng (làng xa nhất cách trung tâm xã 18 km). Trong năm qua, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững…, xã đã triển khai hiệu quả một số mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống. Cụ thể, xã đã tiếp nhận và cấp phát 17.000 cây giống cà phê cho 32 hộ nghèo của 3 làng; cấp phát 15 con bò giống cho 15 hộ nghèo thuộc 5 làng; cấp phát gần 21.000 kg phân bón, 1.350 kg giống lúa, 990 kg giống bắp… để người dân phát triển kinh tế. Ngoài ra, thông qua Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, xã đã giải ngân cho vay hơn 10,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã cũng đã tiếp nhận đầu tư hơn 8,5 tỷ đồng để triển khai xây dựng các tuyến đường trục xã (nối từ các thôn, làng về trung tâm xã), đường liên thôn… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (giảm 7,6% so với năm 2017).
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực tế tại làng Hà Đừng 1 (xã Đak Rong, huyện Kbang). Ảnh: QUANG TẤN
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực tế tại làng Hà Đừng 1 (xã Đak Rong, huyện Kbang, Gia Lai). Ảnh: Quang Tấn
Tuy nhiên, Đak Rong là xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, trình độ nhận thức của nhân dân còn hạn chế, còn nhiều tập tục lạc hậu; phương thức sản xuất, tập quán canh tác còn sơ khai, chủ yếu là tự cung tự cấp và phần lớn dựa vào điều kiện tự nhiên; người dân chưa biết cách làm ăn, chưa biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, hệ thống giao thông của xã còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đường liên xã chưa được đầu tư hoàn thiện nên gây nhiều khó khăn cho người dân trong việc đi lại cũng như vận chuyển nông sản… Do đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, chiếm gần 25%; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 chỉ đạt trên 16 triệu đồng. Đến nay, xã mới chỉ hoàn thành 9/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới…
Đặc biệt, làng Hà Đừng 1 là một trong những làng đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Trưởng thôn Đinh Văn Chui cho biết: Điều kiện kinh tế-xã hội của làng còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, sản xuất còn mang tính tự cấp. Đời sống của người dân trong làng chủ yếu dựa vào cây lúa rẫy và cây sa nhân tím nhưng đường vào khu sản xuất chưa được đầu tư nên gây khó khăn cho việc vận chuyển nông sản. Ngoài ra, trong làng chỉ có 2 hộ trồng cây mắc ca, chưa có hộ nào trồng cà phê. Riêng cây bời lời được người dân trồng nhiều nhưng không phát triển do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp… Làng có 203 hộ với 758 khẩu (người dân tộc Bahnar chiếm 97,5%) thì có 166 hộ nghèo (chiếm gần 82%) và 27 hộ cận nghèo (chiếm hơn 16%); thu nhập bình quân đầu người năm 2017 chỉ đạt 6,5 triệu đồng. Làng hiện còn 5 hộ chưa có nhà ở và 100 hộ đang ở nhà tạm bợ…
Tại làng Hà Đừng 1, đoàn công tác đã đến thăm gia đình em Đinh Nương (18 tuổi) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Mẹ mất, bố đi bước nữa, còn anh trai thì đi lấy vợ, em Nương phải sống trong căn nhà tạm bợ, dột nát. Chứng kiến hoàn cảnh của em Nương, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang mong muốn các cấp cùng với các doanh nghiệp chung tay để hỗ trợ làm lại ngôi nhà mới kiên cố cho em. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo huyện Kbang tiếp tục kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xóa 100 nhà tạm bợ, dột nát ở làng Hà Đừng 1.
Triển khai các giải pháp căn cơ để giảm nghèo
Phát biểu tại buổi làm việc với hệ thống chính trị xã, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho biết: Sở dĩ có chuyến thăm, làm việc tại xã Đak Rong lần này là do Thường trực Tỉnh ủy muốn đến thăm, làm việc với xã có làng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nhất tỉnh nhằm chia sẻ, động viên và có những giải pháp giúp bà con từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại buổi làm việc với hệ thống chính trị xã Đak Rong (huyện Kbang, Gia Lai). Ảnh: Q.T
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại buổi làm việc với hệ thống chính trị xã Đak Rong (huyện Kbang, Gia Lai). Ảnh: Q.T
Qua nghe báo cáo, ý kiến thảo luận của đại diện các sở, ngành và khảo sát tình hình thực tế đời sống của người dân, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã để giúp đẩy nhanh quá trình giảm nghèo ở xã Đak Rong nói chung và làng Hà Đừng 1 nói riêng. Để làm được điều này, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Mặt trận và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến xã, mà đi đầu là Đoàn Thanh niên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tất cả các hộ nghèo tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể phải có định hướng giúp người dân sử dụng và phát huy hiệu quả vốn vay.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cần giúp Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết vấn đề trồng cây dược liệu dưới tán rừng như: sa nhân tím, hồng đẳng sâm, mật nhân… để giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các doanh nghiệp đang thu mua, chế biến các loại dược liệu phải nghiên cứu, đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất đối với các loại cây dược liệu trên địa bàn huyện Kbang nói chung và xã Đak Rong nói riêng để bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đồng thời, huyện Kbang có cơ chế quản lý, tổ chức thu mua và liên kết với các doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng thương lái ép giá đối với người dân trong việc trồng, khai thác các loại dược liệu trên địa bàn. Cùng với đó, huyện cần tập trung hỗ trợ cây giống mắc ca cho người dân làng Hà Đừng 1. Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ riêng đối với các làng dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn; trước mắt là hỗ trợ cho 5 làng nghèo nhất tỉnh, trong đó có làng Hà Đừng 1.
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà tặng quà cho làng Hà Đừng 1 (xã Đak Rong, huyện Kbang). Ảnh: Q.T
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà tặng quà cho làng Hà Đừng 1 (xã Đak Rong, huyện Kbang). Ảnh: Q.T
 
Dịp này, Thường trực Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành của tỉnh đã tặng quà cho tập thể làng Hà Đừng 1; Hội Nữ doanh nhân tỉnh tặng 203 suất quà cho tất cả các hộ dân làng Hà Đừng 1... Trong buổi tối cùng ngày, đoàn công tác cũng đã tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ với người dân làng Hà Đừng 1.
 QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.