Hoài vọng tháng Giêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có lẽ tháng Giêng gợi nhiều cảm xúc nhất trong lòng người. Tháng Giêng khởi đầu cho một năm mới. Tháng Giêng mang mùa xuân về. Và vì thế, tháng Giêng mang theo rất nhiều hoài vọng.
Người ta có thể gác tất cả những bề bộn còn dang dở trong năm để bắt đầu cho những dự định mới. Công việc vẫn tiếp tục như thường lệ, nhưng tháng Giêng dài rộng luôn khiến con người có cảm giác thư thả, thong dong. Tháng Giêng, người ta hướng về miền tâm linh để mong cầu những điều tốt đẹp sẽ đến. Lòng người như rộng mở trước đất trời vạn vật, xua tan những trăn trở và dễ tha thứ, cảm thông trước mọi lỗi lầm. Pleiku bây giờ có những ngôi chùa thật đẹp, bước vào những nơi ấy thấy một thế giới trầm mặc mở ra trước mắt, lòng nhẹ nhõm, an yên đến vô cùng. Điều khác biệt là dẫu đông người, nhưng mọi thứ diễn ra rất trật tự, với sự thành tâm thanh tịnh chốn cửa Phật, chứ không thấy cảnh chen lấn xô bồ như ở một vài nơi. Tôi rất thích những lúc rảnh rỗi, ghé một ngôi chùa, nhìn mọi người thành tâm chắp tay khấn vái, nhất là hình ảnh những người phụ nữ mặc áo dài tha thướt bước trên bậc tam cấp thường gợi một vẻ gì đó nghe rất cũ xưa. Tôi cũng thắp một nén nhang, khói hương vấn vít len lỏi tỏa vào tháng Giêng thật an lành.
  Quang cảnh Khu Sinh thái lâm viên Biển Hồ (TP. Pleiku). (Ảnh  internet)
Quang cảnh Khu Sinh thái lâm viên Biển Hồ (TP. Pleiku). (Ảnh internet)
Tháng Giêng vẫn ríu ran những lời hò hẹn. Pleiku là mảnh đất mang trong lòng nó cư dân của khắp mọi miền đất nước, vì vậy không ít người trong số ấy về quê ăn Tết, và quay trở lại Pleiku khi đất trời đã ra Giêng. Bạn bè gặp nhau, câu đầu tiên bao giờ cũng hỏi: “Ăn Tết có vui không?”. Và vì thế, chuyện đầu năm ăm ắp hương vị Tết của những miền quê khác nhau. Giờ đời sống được nâng cao, con người có điều kiện kết nối với nhau dễ dàng hơn, vì thế tháng Giêng người ta cũng tổ chức nhiều buổi gặp mặt, từ gặp mặt hội đồng hương, hội đồng ngũ, hội đồng môn cho đến gặp mặt tổ dân phố… ai cũng tay bắt mặt mừng, vui cười rạng rỡ. Với mùa xuân, người ta ngồi lại bên nhau để ôn cố tri tân, để hoài niệm tháng ngày cũ và hẹn ước cho những mùa xuân mới. Tháng Giêng vì thế mà ấm áp thân tình.
Cái ấm áp có lẽ còn tỏa ra từ đất trời. Mỗi sớm mai thức giấc, không còn thấy cảm giác lạnh buôn buốt len lỏi vào người. Thay vào đó là những sợi nắng non vương xuống, nhảy nhót trên cành lá. Nắng không quá gắt để đất trời mang mang cảm giác an lành. Tiếng lích rích của đôi chim nhỏ mở ra ngày mới nghe thật ấm áp, an yên. Lưng chừng tháng Giêng, cây mai vẫn rực thắm sắc hoa vàng, từng cánh hoa tinh sạch thắp sáng một khoảng sân. Mới vài ngày trước, những lộc non còn khép mình lặng im trong lớp vỏ màu xanh nhạt, thì vài hôm sau những chiếc lá non đã nở ra ôm ấp vấn vít những đóa hoa. Chỉ biết cảm ơn đất này đã chắt chiu cho hoa nở mỗi độ xuân về. Chợt nhiên lại nhớ câu thơ của Mãn Giác Thiền Sư: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước một nhành mai). Vẫn biết rằng cành mai hoa trắng xứ Bắc khác với mai vàng xứ đất đỏ bazan, nhưng lòng vẫn cứ ngân lên những xúc cảm trong ngần, và mơ về những điều tốt đẹp thắp lên trong mùa xuân mới khi nhìn ngắm những cánh hoa tinh sạch rung rinh trong nắng sớm.
Những gì tháng Giêng mang đến cho lòng người quá đỗi thiết tha…
Đào An Duyên

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.