Đồn Biên phòng Ia Lốp: Vì bình yên biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 16 km, Đồn Biên phòng Ia Lốp còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đồn Biên phòng Ia Lốp đứng chân trên địa bàn xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai). Nơi đây khí hậu vô cùng khắc nghiệt, mùa mưa thường lầy lội, việc đi lại rất khó khăn; vào mùa khô, nhiệt độ luôn chạm mức 40 độ C. Khó khăn là vậy song những năm qua, với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, Đồn Biên phòng Ia Lốp luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới tiếp giáp với huyện Oyadav (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia).
  Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp ra quân nhổ bỏ và tiêu hủy cây cần sa trồng trái phép trên địa bàn đơn vị quản lý. Ảnh: Ngọc Sang
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp ra quân nhổ bỏ và tiêu hủy cây cần sa trồng trái phép trên địa bàn đơn vị quản lý. Ảnh: Ngọc Sang
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, Đồn còn được giao quản lý làng Ring và khu dân cư Suối Khôn (xã Ia Mơr). Đây cũng là nhiệm vụ rất khó khăn, nhất là với cụm dân cư Suối Khôn. Thiếu tá Nguyễn Văn Quang-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Lốp-cho biết, hầu hết bà con ở cụm dân cư Suối Khôn là công dân của xã Ia Piơr (huyện Chư Prông) vào địa bàn xã Ia Mơr làm rẫy. Rồi theo thời gian, họ dựng nhà, ở luôn trong rẫy. Ra đời tự phát nên đến nay, cụm dân cư này vẫn chưa được công nhận dù dân số đã lên đến 407 khẩu.
Để quản lý làng Ring và cụm dân cư Suối Khôn nằm cách nhau gần 20 km, hàng năm, Đồn đều xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ các tổ, đội trực tiếp phụ trách địa bàn, thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng nắm chắc tình hình, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Riêng năm 2018, đơn vị đã phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền tập trung được 17 buổi/681 lượt người nghe; tuyên truyền nhỏ lẻ và tuyên truyền trên khu vực rẫy được 409 lần/1.475 lượt người nghe; tuyên truyền đối ngoại cho lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia đối diện được 9 lần/97 lượt người nghe. Nhờ được tuyên truyền, vận động, nhận thức của nhân dân trên khu vực biên giới ngày càng nâng cao. Bà Kpah Mai-người dân ở cụm dân cư Suối Khôn-trải lòng: “Lúc trước, mình không biết nên khi có người hỏi thuê 2 sào đất rẫy với giá 5 triệu đồng trong thời gian 3 tháng để trồng cây bông, mình tin nên mới đồng ý. Ai ngờ họ lại trồng cây cần sa. Nhờ có Bộ đội Biên phòng kịp thời ngăn chặn, nếu không mình đã trở thành người tiếp tay cho tội phạm rồi. Bây giờ có ai đến hỏi thuê, dù giá cao mình cũng không đồng ý. Mình để đất trồng mì, trồng đậu thôi”.
Song song với công tác tuyên truyền, hàng tháng, Đồn Biên phòng Ia Lốp còn duy trì nghiêm việc sinh hoạt các tổ tự quản đường biên cột mốc và tổ tự quản trật tự an ninh thôn, làng. Ông Phạm Văn Hiển-Trưởng thôn Ring-cho hay: “Vài năm trở lại đây, đời sống của người dân trong làng đã được cải thiện hơn rất nhiều. Làng hiện chỉ còn 1 hộ nghèo. Đặc biệt, phòng khám quân-dân y kết hợp của Đồn đặt ngay tại làng, có cán bộ trực 24/24 giờ đã kịp thời chăm sóc sức khỏe cho người dân, giúp bà con yên tâm gắn bó với biên giới, tích cực tham gia các tổ tự quản”. Bên cạnh đó, Đồn cũng vận động người dân tích cực tham gia các tổ liên gia, cứ 10-15 hộ hình thành 1 tổ; 7-8 hộ ở khu vực nương rẫy thành 1 tổ. Đến nay, ở làng Ring và cụm dân cư Suối Khôn đã thành lập được 4 tổ liên gia, liên rẫy. Trong năm 2018, các tổ tự quản đã thực hiện tốt việc tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên giới, bảo vệ thôn, làng được 21 lần/76 lượt thành viên tham gia; tham gia giải quyết 1 vụ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai; hòa giải thành công 3 vụ mâu thuẫn gia đình. Đồng thời, các tổ đã làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới...
Bên cạnh đó, theo Thiếu tá Nguyễn Văn Quang, trong năm 2018, Đồn còn duy trì nghiêm việc giúp đỡ các cháu trong diện “Nâng bước em tới trường”; khám-chữa bệnh, cấp phát thuốc cho nhân dân trên địa bàn; hỗ trợ quần áo, giày dép cho nhân dân cụm dân cư Suối Khôn. Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức giúp dân rào vườn, làm chuồng trại chăn nuôi, vệ sinh xóm làng, làm đường giao thông, thu hoạch điều, lúa, mì...
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.