Chả cá Lã Vọng ở Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chả cá Lã Vọng-món ăn có lịch sử lâu đời và là niềm tự hào của ẩm thực đất Hà thành đã có mặt ở Phố núi góp thêm màu sắc cho phong vị ẩm thực ở xứ sở cao nguyên này.
Người Hà Nội rất tự hào bởi món ăn nổi tiếng này và thường dùng đãi khách phương xa. Cách đây không lâu, chúng tôi cũng được những bạn đồng nghiệp ở Báo Hà Nội Mới chiêu đãi chả cá Lã Vọng trong một quán ăn ngay bên bờ Hồ Gươm-Hà Nội, để rồi “thương nhớ” hương vị của món ăn trứ danh đến nỗi, khi phát hiện ở Phố núi Pleiku có quán ăn chuyên phục vụ món ngon này, tôi đã mừng rỡ như gặp lại cố nhân.
 Địa điểm thưởng thức chả cá Lã Vọng nằm trên con đường khá yên tĩnh. Ảnh:  Minh Châu
Địa điểm thưởng thức chả cá Lã Vọng nằm trên con đường khá yên tĩnh. Ảnh: Minh Châu
Đó là quán Vạn Xuân nằm trên con đường khá yên tĩnh của thành phố, ở số 03 Trần Quốc Toản (TP. Pleiku). Quán có vẻ ngoài thanh cảnh với cánh cửa gỗ màu nâu trầm, 2 bên trồng những khóm cây xanh và 2 hàng trúc quân tử. Bên trong được bài trí gọn gàng, trầm ấm với tông đèn vàng cùng bàn ghế gỗ. Điểm tô trên bức tường gạch xây thô là những bức tranh về các loài hoa đủ khiến không gian trở nên trang nhã, lịch thiệp. Chủ quán hẳn có chủ ý khi lựa chọn tên cho quán. Vạn Xuân là quốc hiệu của nước ta trong một giai đoạn dưới thời Vua Lý Nam Đế, khẳng định ý chí độc lập của dân tộc, mong cho đất nước mãi thanh bình, trường tồn, tươi đẹp như vạn mùa xuân. Nhà nước Vạn Xuân dưới thời Vua Lý Nam Đế ngày nay là thủ đô Hà Nội-cũng là nơi khai sinh ra món ăn trứ danh trong kho tàng ẩm thực Việt. Dài dòng như vậy để thấy sự cầu kỳ của con người trong việc “chỉ mặt đặt tên” cho một món ăn, một quán ăn.
Nguyên liệu chính của món ngon này là cá lăng-loại cá đặc sản, ít xương, mềm và ngọt thịt. Cách chế biến truyền thống của món ăn nổi tiếng đất Kinh Kỳ xưa là ướp gia vị rồi nướng từng miếng cá trên than hồng cho đến khi vàng ruộm mới mang vào chiên qua trên mỡ sôi. Tuy bỏ qua khâu nướng nhưng món chả cá Lã Vọng ở Vạn Xuân về cơ bản vẫn giữ nguyên hương vị món ăn. Đó đã là một sự thành công. Bởi nhiều người cho rằng, chả cá Lã Vọng chỉ ăn ở đất Hà thành mới cảm nhận trọn vẹn hương vị của món ăn nức tiếng xa gần. Cũng như ăn phở 2 tô phải ăn ở Phố núi mới cảm nhận rõ rệt đặc trưng của món ăn mang tầm “giá trị ẩm thực châu Á” này. Tuy vậy, nếu ai đã được thết đãi món chả cá Lã Vọng ở nơi sản sinh ra nó, lại có dịp ngồi thưởng thức chính món ăn này ở Phố núi Pleiku, sẽ cảm nhận trọn vẹn sự cầu kỳ, cẩn thận của chủ quán khi mang một món ăn trứ danh của đất kinh đô về đây kinh doanh, nỗ lực để nhận được cái gật đầu xác nhận của thực khách.
Cách ăn món này không được vội vàng: gắp một gắp bún tươi cho vào chén, thêm miếng cá chiên vàng ruộm, thì là và hành hoa cắt khúc cùng những củ hành xẻ sợi mỏng nhúng qua dầu nóng trong chảo cá đang sôi, rắc thêm vài hạt đậu phộng, ăn cùng với mắm tôm pha chanh, ớt, tỏi dậy mùi. Sự kết hợp hoàn hảo của các hương vị khiến vị giác của những người lần đầu thưởng thức khá “bối rối”. Đó là vì vị ngọt thơm của loài cá đặc sản trên dòng Sê San, vị thơm bùi của đậu phộng rang vàng, hương thơm đặc trưng của rau thơm, hành hoa hay của chính vị mắm tôm hảo hạng. Tất cả hòa quyện, làm nên vị ngon hoàn hảo của món ăn có lịch sử ra đời hàng trăm năm này.
Thưởng thức chả cá Lã Vọng ở Phố núi với nguyên liệu là giống cá tột ngon được dòng Sê San biệt đãi cho vùng đất, thực khách sẽ tìm thấy giá trị đích thực của món ăn truyền thống này mà không phải cất công đi xa. Dường như không khí ấm cúng, trang nhã ở Vạn Xuân còn thấm vào cả món ăn. Thưởng thức chả cá Lã Vọng trong không gian còn vương chút lạnh của ngày cuối đông mới càng cảm nhận rõ thấm hương vị của món ngon đã đi qua thăng trầm lịch sử, đi vào văn chương Vũ Bằng-nhà văn chuyên viết về món ngon đất Hà thành.
 Minh Châu

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.