Cà phê xưa và nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1. Cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, trên đường Tăng Bạt Hổ (thị xã Pleiku) có một quán cà phê mang tên Nhớ. Quán cũng không có gì quá đặc biệt nhưng đây lại là bối cảnh của cuốn truyện dài “Ôm đàn tới giữa đời” của nhà văn Mai Thảo. Nguyên mẫu của nhân vật tự sự trong truyện là người phụ nữ chủ quán tên Ngọc, đẹp và có cá tính-điều khiến tiểu thuyết gia một thời phải ghé quán thường xuyên. Nghe bảo hiện nay bà đã ngoài 70 và đang định cư ở nước ngoài. Từ quán Nhớ, “Ôm đàn tới giữa đời” đã được thai nghén và ra đời. Qua tiểu thuyết này, nhà văn đã nói về cái cách thưởng thức cà phê quán của ngày trước thật chân thực.
Hương sắc của người chủ quán tựa như một thứ gia vị làm ly cà phê đậm đà hơn. Mà phải là chủ quán, chứ một cô gái giúp việc dẫu trẻ đẹp hơn vẫn không thể gây ảnh hưởng bằng, thật khó lý giải! Ở Pleiku xưa, ngoài quán Nhớ ấy còn có quán Hoàng Lan nằm trên đường Phó Đức Chính (bây giờ là Nguyễn Văn Trỗi); chủ quán là người phụ nữ có tên như quán, có mái tóc dài xõa ngang lưng. Vẻ đẹp giản dị nhưng đầy quyến rũ ấy cũng đã thu hút cánh đàn ông ghiền cà phê không kém. Chỉ cần sự có mặt của chủ nhân là đủ giữ chân khách hàng giờ, cả buổi. Ngồi đó thẫn thờ, mắt nhìn cô chủ thật đắm đuối nhưng dòng nghĩ và nỗi nhớ quay quắt của kẻ si tình có khi lại thuộc về một hình bóng đã xa… “Chẳng phải họ yêu tôi… mà cần tôi. Tôi làm đầy những buổi sáng, làm ấm những buổi chiều của họ. Trên những con đường ướt đẫm sương đêm hay lất phất mưa bụi, họ bước những bước co ro trong giá lạnh, với mục đích đến quán Nhớ là để thấy tôi đứng ở sau quầy. Lâu dần với đám người trẻ tuổi lãng mạn và cô đơn này, có tôi đã trở thành một sự có mặt đầy yên tâm. Tôi chẳng hiểu tại sao lại như thế. Nhưng sự thật và cái không khí của quán Nhớ tới mùa lạnh này là như thế”-Cô chủ Nhớ đã nói về những người khách của mình như vậy đó.
  Phong cách uống cà phê xưa và nay tuy có khác nhau nhưng sự lịch thiệp thì thời nào cũng thế. Ảnh: Đức Thụy
Phong cách uống cà phê xưa và nay tuy có khác nhau nhưng sự lịch thiệp thì thời nào cũng thế. Ảnh: Đức Thụy
Nhạc là một thứ không thể thiếu cho một quán cà phê đúng chuẩn. Giọt đắng và âm nhạc là sự kết hợp đúng style vào thời ấy. Tuyệt nhiên không phải loại nhạc của The Beatles, Rolling Stones... Thời thượng, nhộn nhịp một chút thì cũng chỉ tới mức Phượng Hoàng, Mây Trắng... là đủ. Nhạc Trịnh Công Sơn, đặc biệt là những “Ca khúc da vàng” cũng chiếm lĩnh không gian các quán cà phê thời ấy. Người xưa hay lắm! Phải tạo dáng và thần thái mới đúng chất “đắm chìm”. “Họ đến với Nhớ phần lớn đều thích nghe nhạc. Nhiều người chỉ nghe độc một băng nhạc, một tiếng hát, đòi nghe lại nhiều lần. “Họ nghe, đắm đuối, mơ màng, đầu tựa nghiêng vào vách, chân duỗi dài trễ nãi, nhìn cà phê thả giọt….” (Ôm đàn đến giữa đời-Mai Thảo).
2. Bây giờ, dân số ghiền cà phê tăng đáng kể so với cách đây vài chục năm, nam phụ lão thanh đủ cả. Làm một cuộc thăm dò thử xem, kết quả có phải là 100% dân số trên 16 tuổi đã biết và đã nếm cà phê, hơn 70% người trên 18 tuổi chọn món uống này mà khai vị đầu ngày? Vào quán, không còn mù mịt khói thuốc lá như ngày xưa. Chỗ ngồi thưởng thức thứ chất đắng này đa phần đều có cảnh báo “không hút thuốc lá”. Có nhiều khách sành điệu, cảm nhận hương vị, chất lượng từng tách cà phê rất tinh tế mà chẳng cần một hơi khói nào. Một thói quen được từ bỏ rất tích cực! Người ta cũng chẳng cần tiếng nhạc để “đắm chìm” nữa, thay vào đó là cảm xúc từ màn hình của những thiết bị di động.
Cái không hề thay đổi chính là sự hấp dẫn muôn thuở của nhan sắc. Đàn ông bây giờ có khác mấy gã 4X, 5X thời ấy đâu. Họ vẫn cần cái đẹp của người phụ nữ nào đó của quán để thả hồn vào ly cà phê đắng. Họ cũng xa nhau thì nhớ, gặp nhau thẫn thờ. Nhu cầu ấy thật đáng yêu, thật lãng mạn. Cái khác đi trong cảm nhận và thể hiện là do cái thời. Ngày xưa phải tóc dài, bây giờ tóc ngắn; ngày xưa đi ra, đi vào phải thướt tha yểu điệu, bây giờ catwalk mới ấn tượng; ngày xưa “dạ, vâng” thì bây giờ “yeah!” mới ổn! Xét cho cùng, cái gì cũng tùy mỗi thời mà có giá trị riêng của nó.
Chỉ có điều, ngày xưa, đến rồi đi chỉ là những bước chân âm thầm, dù có “ngồi đồng” vài ba tiếng đồng hồ, im lặng đắm mình trong nhạc, trong khung cảnh, đắm đuối một nhân dáng thân quen, vận dụng cả ngũ quan để nâng chất hết mức có thể được tách cà phê trước mặt. Ngày nay kỷ nguyên @, lắm phương tiện hiện đại, tha hồ diễn đạt. Nhấm một ngụm cà phê, chụp cái hình, gõ vài chữ, click một cái là khắp nhân loại biết được lòng mình. Yeah! Quá đã! Có trách chăng là trách sự thô thiển còn vương vãi đâu đó, vì giá trị của lịch thiệp thì thời nào cũng giống nhau.
 Nguyễn Sơn

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.