Sắc xuân trên lòng hồ Ayun Hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bọt sóng tung lên trắng xóa 2 bên mạn thuyền khi chiếc thuyền máy đuôi tôm xuất phát từ bến thuyền đầu nguồn của xã Ayun đưa chúng tôi dạo ra giữa lòng hồ Ayun Hạ. Bình minh đang ửng hồng trên rặng núi Chư A Thai, xòe cánh quạt màu vàng lộng lẫy soi bóng xuống mặt hồ lung linh… Tiếng cá quẫy đớp bóng làm dậy lên những đợt sóng xao động mặt hồ. Đàn cò trắng thả mình ra khỏi những rặng cây, rập rờn từng đàn trên mặt nước. Một ngày mới bắt đầu…
Anh Phan Văn Hà-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Ayun Thịnh-khoe: “Tôi về nhận thầu lòng hồ này vào đầu năm 2018 với diện tích mặt thoáng hồ là 37 km², dung tích 253 triệu m³ nước để biến nơi này thành khu nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh. Sau khi củng cố, ổn định trật tự, triệt phá nạn đánh bắt cá theo cách hủy diệt như lưới cào, xung điện, Hợp tác xã đã thả xuống lòng hồ 19 tấn cá giống các loại. Hiện Hợp tác xã có gần 400 xã viên, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số của 3 xã Ayun, Hbông (huyện Chư Sê) và Chư A Thai (huyện Phú Thiện) với phương tiện là 300 chiếc thuyền các loại. Ngoài ra còn có một số người đến từ Bình Định, Cà Mau, Hải Dương chuyên đánh bắt bằng nhiều phương tiện như đăng, lưới, câu. Đến nay, lượng đánh bắt hàng ngày của ngư dân là trên dưới 5 tạ cá đủ loại”.
 Đánh bắt cá trên lòng hồ Ayun Hạ. Ảnh: An Sinh
Đánh bắt cá trên lòng hồ Ayun Hạ. Ảnh: An Sinh
Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những ngư dân đang kéo lên từng mẻ lưới đầu ngày. Những chú cá rô phi to hơn bàn tay đang giãy giụa trong lưới; những chú thác lác nặng hơn 2 kg được nhấc lên từ dây câu. Khoang chứa cá trong lòng thuyền nằm sắp lớp những chú cá diêu hồng, cá chép đang đập đuôi giãy giụa.
Thuyền chúng tôi len vào giữa khe núi dựng, mặt hồ rộng chừng vài trăm mét, những tiếng cá đớp bọt nước bì bõm tạo nên từng đợt sóng tròn loang ra khắp mặt hồ. Bên sườn núi, những tàng cây nhoài mình ra mặt nước, chiếc lá vàng còn sót lại cũng thả mình xuống mặt nước. Những cành hoa mua khoe sắc tím, khoe búp non vừa nhú mình trong nắng sớm còn ngậm những hạt sương long lanh. Đâu đó có tiếng gà rừng gáy muộn râm ran khắp cánh rừng.
Chúng tôi ghé đến một hòn đảo rộng chừng vài héc ta giữa lòng hồ để thăm những ngôi nhà tạm của ngư dân nằm rải rác trên đảo. Ông Phan Văn Chính (50 tuổi, quê ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) cho hay, ông để lại vợ con ở quê nhà, một mình vào đây dựng nhà đã hơn 1 năm. “Tôi đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để mua sắm phương tiện như lưới, đăng, thuyền. Mỗi ngày, việc đánh bắt trong lòng hồ cho thu nhập khoảng 400-500 ngàn đồng; ngoài ra tôi còn câu, lưới gần bờ, nuôi thêm gà nên thu nhập cũng được vài trăm ngàn nữa. Tết năm nay tôi dự định ở lại đánh bắt bán vào dịp Tết bởi khi đó cá sẽ được giá hơn”-ông Chính chia sẻ.
Khi chúng tôi xuôi thuyền về chân đập thì mặt trời đã nhô lên ngọn núi tự lúc nào. Chúng tôi ghé vào một xóm trại khoảng mươi nóc nhà của ngư dân Bình Định nằm ẩn mình trong những dãy núi ven hồ. Nhìn chiếc xuồng chở cá thác lác vừa về đến, nét mặt anh Nguyễn Văn Việt-42 tuổi, lên sinh sống và đánh bắt cá ở đây gần 20 năm-dậy lên một niềm vui khó tả: “Từng này cũng hơn 10 kg. Với giá bán 65.000 đồng/kg, hôm nay tôi cũng thu được gần 700 ngàn đồng”.
Chiếc xuồng máy tiếp tục đưa chúng tôi dạo vòng quanh mặt hồ với tốc độ chừng 10 km/giờ. Nhìn lên cánh rừng thấy chấm phá những sắc xanh, đỏ, vàng như tranh vẽ. Bên bờ, những cụm hoa dã quỳ nở muộn bung ra rực vàng. Anh Hà chỉ tay về hướng xa xa phía chân núi: “Đó là rặng núi Chư A Thai gần chân đập. Từ đây đến đó phải mất khoảng hơn một giờ xuồng máy nữa”.
Mặt nước bắt đầu có những con sóng lớn hơn, va vào mạn thuyền bì bõm. Rải rác trên lòng hồ là những chiếc thuyền câu thô sơ, thuyền máy, ghe đuôi tôm đủ loại đang miệt mài đánh bắt. Chúng tôi ghé vào trò chuyện với một ngư dân đang kéo lưới. Đó là anh Nguyễn Quốc Vũ, quê ở TP. Cà Mau. Anh Vũ cho hay, một lần có dịp đến Ayun Hạ, thấy nơi này có thể giúp ổn định cuộc sống, anh về đưa vợ con lên làm nhà ngay bờ hồ, đến nay đã được 8 năm. Anh đánh bắt còn vợ làm nghề chế biến chả cá thác lác, thu nhập mỗi tháng của 2 vợ chồng được trên 15 triệu đồng. Năm nay đã là 6 mùa xuân vợ chồng anh ở lại đây đánh bắt cá bán ra trong dịp Tết. Còn ông Ksor Việt-Trưởng thôn Klâm (xã Ayun)-chia sẻ: Ông gắn bó với nghề cá ở lòng hồ từ năm 2002 đến nay, thu nhập bình quân 300 ngàn đồng/ngày. “Tôi được Nhà nước cho thuyền, cho lưới đánh bắt cá, đến nay đã trên 15 năm. Hiện nay cả xã có trên 150 chiếc thuyền và dụng cụ đánh bắt cá cũng do nhà nước hỗ trợ. Một số người còn để dành tiền bán cá mua sắm thêm dụng cụ đánh bắt, sửa chữa thuyền. Từ ngày có Hợp tác xã thu mua cá và hướng dẫn thêm về kỹ thuật mà không thu bất cứ lệ phí nào, cuộc sống của bà con ngày càng ổn định”-ông Việt cho biết.
Sau gần 2 giờ lênh đênh chúng tôi đã về đến chân đập. Giữa mặt hồ thoáng rộng mênh mông, những chiếc thuyền du lịch cũng thong thả dạo trên sóng nước lăn tăn in bóng nền trời xanh lơ. Trên bờ, những chiếc thuyền cập bến, những sọt cá được hối hả khiêng lên bàn cân. Ngư dân nở những nụ cười tươi vui đón một ngày mới tràn đầy niềm vui và sức sống.
Mặt trời đã lên cao, dát vàng lên mặt hồ trải rộng tít tắp. Dọc bờ hồ, đàn cò bình yên đứng co chân rỉa lông hoặc ngủ trên những cọc cây khô nhô lên trên mặt nước. Bên sườn đồi, những cành mai rừng đang bung nụ, xòe búp hoa xanh chúm chím, khe khẽ đón nắng mới. Đàn chim én chao lượn xôn xao trên đầu như báo hiệu một mùa xuân nữa lại về.
An Sinh

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.