Người Cheng Leng hân hoan về làng mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày này, 36 hộ dân tự lập làng sinh sống và làm rẫy trên đỉnh Cheng Leng ( Chư- A- Thai, Phú Thiện, Gia Lai) đang hân hoan di dời về làng mới dưới chân núi. Niềm vui như được nhân đôi khi việc dời làng có sự giúp đỡ của các chiến sĩ Tiểu đoàn 50 (Trung đoàn 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai).
Làng mới, quê cũ
Như Báo Gia Lai đã phản ánh, năm 1990, do thiếu đất sản xuất, hàng chục hộ dân đã bỏ làng cũ ở xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) lên khu vực núi cao tiếp giáp với huyện Chư Sê và huyện Mang Yang làm rẫy, dựng nhà sinh sống, hình thành 2 ngôi làng mang tên Hek và Cheng Leng. Gần 30 năm biệt lập nên cuộc sống của người dân ở 2 làng này hết sức khó khăn: Không điện, không nước sạch, không trường học và không được hưởng các dịch vụ y tế, chính sách an sinh xã hội. Đa phần dân cư ở 2 làng bị mù chữ hoặc tái mù. Trẻ em không biết viết và nói tiếng Việt. Hôn nhân cận huyết cùng chế độ dinh dưỡng không đảm bảo khiến các em nhỏ nơi đây bé choắt, gầy còm. 
  Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp người  dân dựng nhà tại làng mới. Ảnh: N.T
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp người dân dựng nhà tại làng mới. Ảnh: N.T
Vì vậy, các cấp chính quyền của tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc để dời làng về nơi mới nhằm giúp người dân có cuộc sống ổn định. Ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-cho hay: “Chúng tôi quyết định chọn làng Cheng Leng làm thí điểm di dời trước nên đã huy động hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Ban đầu, chúng tôi vận động cho trẻ đến trường, cho trẻ ăn ở nội trú; đưa bác sĩ lên khám-chữa bệnh. Sau đó, chúng tôi vận động họ xuống giao lưu với dân các làng ở dưới núi. Đặc biệt, sau buổi tiếp xúc với đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại làng, các hộ dân Cheng Leng đã đồng ý di dời về lại làng cũ với điều kiện vẫn được làm rẫy trên núi”.
Sau khi thống nhất việc di dời các hộ dân Cheng Leng về làng Hek-nơi trước đây họ từng sinh sống, UBND huyện Phú Thiện đã xây dựng phương án di dời và trích ngân sách hơn 800 triệu đồng mua đất tại làng Hek, san ủi mặt bằng, xây dựng hệ thống điện nước… để chuẩn bị cho cuộc vượt núi dời làng. Các cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhận nhiệm vụ hỗ trợ người dân Cheng Leng di dời về nơi ở mới.
Trung tá Nguyễn Thành Dũng-Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 991-cho biết: “Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng nên đã làm tốt công tác chuẩn bị và cử hơn 50 cán bộ, chiến sĩ  Tiểu đoàn 50 xuống giúp địa phương. Chúng tôi phấn đấu đến ngày 21-12-2018 sẽ hoàn tất việc di dời như kế hoạch đề ra”.
Từ ngày 11-12 đến nay, quân số cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 50 xuống giúp dân được chia đôi, một nửa leo hơn 3-4 km đường núi lởm chởm đất đá lên đỉnh Cheng Leng dỡ nhà giúp dân, nửa còn lại ở làng Hek làm công tác chuẩn bị và cùng người dân dựng lại nhà cửa. Vất vả nhất là nhóm leo núi. Mỗi ngày, họ có 4 chuyến lên và xuống núi để tháo dỡ, vận chuyển nhà giúp dân. “Dù lúc làm nhiệm vụ có nhiều trường hợp bị xây xát nhưng thấy người dân quá khó khăn nên chúng tôi gắng hết sức. Nhiệm vụ có gian khổ đến mấy chúng tôi cũng sẽ hoàn thành”-Binh nhất Nguyễn Văn Tuấn bộc bạch.
Có mặt tại làng Hek và làng Cheng Leng những ngày này sẽ bắt gặp một không khí lao động rất khẩn trương. Quân và dân cùng chung tay di dời nhà cửa. “Có các chú bộ đội giúp di dời nhà cửa, mình mừng lắm. Đông người nên khi tháo dỡ và lắp ráp lại cũng rất nhanh. Các chú bộ đội cũng khéo tay nên nhiều cột nhà được làm lại đẹp hơn trước. Cảm ơn các chú nhiều lắm”-bà Rmah Kram-một người dân Cheng Leng, vui mừng nói.
“Được xuống núi, mừng cái bụng lắm!”
Giờ đây, khoảng đất trống nơi làng Hek được quy hoạch từ trước đã có thêm 7 ngôi nhà của các hộ dân làng Cheng Leng trở về sinh sống. Bên căn nhà mới được dựng lại, anh Nay BHin (36 tuổi) không giấu nổi niềm xúc động: “Ở trên núi thiếu nhiều thứ lắm, từ nước sạch đến điện sinh hoạt. Nay được xuống dưới này gia đình mình phấn khởi lắm. Con cái được đi học gần hơn, cuộc sống cũng đông vui hơn”. 
Đã có 7 ngôi nhà được di dời xuống núi. Ảnh: Nguyễn Tú
Đã có 7 ngôi nhà được di dời xuống núi. Ảnh: Nguyễn Tú
Chung niềm vui với 7 hộ dân đầu tiên được chuyển về ở làng Hek, già Rmah TRông phấn khởi: “Các hộ dân trên núi nghèo lắm, quanh năm thiếu đói. Chúng tôi cũng không dám đi khám bệnh, đi làm giấy tờ cho con cái vì không có giấy tờ sổ sách gì. Giờ được về đây mừng cái bụng lắm. Cảm ơn các chú bộ đội, cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm!”.
Với những đứa trẻ núi Cheng Leng, làng dời xuống núi cũng mang lại cho chúng thêm nhiều niềm vui, nhất là với 12 em đầu tiên được đến trường để học lớp 1 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nay Der. Các đây hơn 3 tháng, những học sinh từ núi Cheng Leng xuống vẫn còn khép nép khi thấy người lạ nhưng nay đã tự tin hơn nhiều. Chúng tôi gặp lại cô bé Ksor H'Thoang. Dáng vẻ nhút nhát ngày nào của bé đã biến mất mà thay vào đó là sự dạn dĩ: “Chúng em muốn ở hẳn dưới này để đi học chứ không muốn ngược lên núi ở. Ở dưới này, em biết được nhiều cái mới hơn. Bố mẹ dời nhà về đây, em thích lắm”-HThoang chia sẻ.
Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.