Tự hào ngôi trường mang tên Anh hùng Núp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Trường THPT Anh hùng Núp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai) đã làm tốt nhiệm vụ “trồng người” cho 4 xã phía Nam của huyện nhằm phát triển nguồn nhân lực có tri thức tại địa phương. Chặng đường 10 năm hình thành và phát triển của ngôi trường vùng khó này đã để lại những dấu ấn tốt đẹp.
“Ngày chủ nhật xanh” nhiều ý nghĩa
Năm học 2008-2009, Trường THPT Anh hùng Núp được khánh thành và đi vào hoạt động trên quê hương của người anh hùng. Lúc này, tập thể sư phạm nhà trường gặp không ít khó khăn do không có nước, không có khu hiệu bộ, không nhà công vụ, không internet, thiếu bóng cây xanh... Thêm nữa, đường đến trường lầy lội khi mưa xuống và bụi mù lúc nắng lên. Thế nhưng, những bất tiện ấy không làm chùn bước 23 cán bộ, giáo viên tận tâm vì sự nghiệp giáo dục vùng khó.
“Ngày chủ nhật xanh” của Trường THPT Anh hùng Núp được giáo viên và học sinh nhà trường hưởng ứng. Ảnh: N.G
“Ngày chủ nhật xanh” của Trường THPT Anh hùng Núp được giáo viên và học sinh nhà trường hưởng ứng. Ảnh: N.G
“Ngày chủ nhật xanh” là một ví dụ về nỗ lực vượt khó vươn lên của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường. Dưới sự dẫn dắt của thầy Nguyễn Đình Thuận, khi ấy là Phó Hiệu trưởng phụ trách, từng cây xanh, sân bóng, nhà công vụ tạm, khu nội trú cho học sinh ở xa, đường ống dẫn nước từ nhà dân qua trường... đã hình thành từ rất nhiều “ngày chủ nhật xanh” như thế. Trò chuyện cùng P.V, thầy Nguyễn Đình Thuận-Hiệu trưởng nhà trường-nhớ lại: “Ngày ấy, đội ngũ giáo viên rất trẻ, năng động, ai nấy đều lăn xả vào công việc, bám trường bám lớp. 100% giáo viên cùng đoàn kết để vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa dạy, vừa cải thiện điều kiện dạy và học, xây nơi nghỉ tạm trong những ngày công tác xa nhà, củng cố nền tảng giáo dục ban đầu cho trường”.
Đặc biệt, thầy Hoàng Hồng Quân-giáo viên môn Lịch sử, Bí thư Đoàn trường-là một trong những giáo viên tâm huyết giúp học trò ghi danh trên “bảng vàng” học sinh giỏi cấp tỉnh ngay từ năm học đầu tiên. Suốt 10 năm qua, năm nào nhà trường cũng có 3-5 học sinh đạt giải môn Lịch sử, nhiều năm còn đạt giải cao.
Kết thúc năm học đầu tiên, nhà trường có 5,2% học sinh đạt học lực giỏi, 24,4% học sinh khá, 2 học sinh đạt thành tích cao tại Giải việt dã do Báo Gia Lai tổ chức. Tỷ lệ học sinh lớp 12 đậu tốt nghiệp THPT đạt 79,79%, cao hơn tỷ lệ chung toàn tỉnh; 28% học sinh đỗ đại học, cao đẳng; tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh đạt trên 95%. Sự khởi đầu suôn sẻ ấy đã tạo đà vững chắc để các năm học tiếp theo chất lượng dạy và học của nhà trường ngày càng được nâng lên. 10 năm qua, Trường THPT Anh hùng Núp có 3 học sinh đạt giải quốc gia cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn dành cho học sinh THPT; 2 học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia; 46 giải học sinh giỏi cấp tỉnh các bộ môn văn hóa... Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT luôn duy trì ở mức 98%-100%. Số học sinh đậu đại học, cao đẳng tăng từ 28% (năm học 2008-2009) lên 58% (năm học 2017-2018), trong đó nhiều em là học sinh dân tộc thiểu số.
Trưởng thành từ gian khó
Học sinh Trường THPT Anh hùng Núp trong một buổi chào cờ. Ảnh: Nguyễn Giang.jpg
Học sinh Trường THPT Anh hùng Núp trong một buổi chào cờ. Ảnh: Nguyễn Giang

Ông Trịnh Xuân Nam-Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh: “Tôi chứng kiến nhiều thay đổi tích cực của ngôi trường này từ cảnh quan trường lớp đến chất lượng giáo dục trong suốt 10 năm qua. Nhiều con em tại 4 xã phía Nam huyện đã trưởng thành từ chính ngôi trường này. Gia đình tôi hiện có 2 cháu học tập ở đây. Tôi từng cho các cháu cơ hội vào học tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP. Hồ Chí Minh) nhưng các cháu đã xin ở lại. Và tôi đồng ý ngay, vì cũng như các con, tôi rất tin tưởng vào đội ngũ thầy-cô giáo tâm huyết của Trường THPT Anh hùng Núp”.


Sau khi tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh), em Nguyễn Thị Ngà-học sinh khóa đầu tiên của trường-đã luôn mang theo trong tim mình hình ảnh ngôi trường mang tên người anh hùng khi sang học tập, làm việc ở New Zealand và Australia. Ngà bày tỏ: “Em thầm cảm ơn ngôi trường đã rèn luyện em trở thành người biết thích nghi hoàn cảnh và biết vượt qua thử thách. Em vẫn thường tự hào khoe với bạn bè quốc tế về ngôi trường mang tên Anh hùng Núp là vì vậy”.
Cũng như Ngà, em Hồ Xuân Huy (tốt nghiệp khóa 2012-2013 đang là thực tập sinh ngành Nông nghiệp của Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Israel) rất tự hào khi giới thiệu với bạn bè về trường Anh hùng Núp. Huy nói: “Ấn tượng của em về trường thì nhiều nhưng nhớ nhất là những “ngày chủ nhật xanh” khi chúng em cùng thầy cô trồng cây, vệ sinh phòng ốc và khuôn viên nhà trường. Thầy cô đã dạy chúng em không ngại khó, dạy chúng em làm chủ cuộc đời bằng con đường học vấn và khả năng tự lập để sớm trưởng thành”.

5 năm liền nhà trường đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; nhiều năm được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua vì thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục. Trường còn là đơn vị được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vinh danh trong phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.