Còn thương Phố núi, về thăm dã quỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối năm, những cơn gió se lạnh len qua từng con hẻm nhỏ, tràn qua mái phố làm người xa quê chợt nhớ đến nao lòng những ngày gió chuyển mùa nơi Phố núi quê nhà. Chuyến xe trở về đong đầy hoài niệm về sắc dã quỳ thương nhớ.
Phố núi Pleiku trong mắt tôi không chỉ là một vùng đất bạt ngàn nắng gió mà còn là nơi ghi dấu những kỷ niệm ấu thơ tươi đẹp. Những con dốc thoai thoải quanh co là nơi tôi đã tập những vòng quay đầu tiên trên chiếc xe đạp. Những ngọn đồi xanh mướt mát nối tiếp nhau ở ngoại ô là nơi có rẫy vườn của ba mẹ tôi. Còn nhớ mỗi sáng theo ba mẹ lên rẫy, đứa trẻ con trong tôi luôn háo hức. Sáng sớm, những giọt sương còn vương vấn bao nhành cây ngọn cỏ nên vẫn bấu víu, chưa chịu buông rời. Tia nắng đầu ngày chiếu long lanh lên những hạt sương mai trong vắt tựa ánh pha lê đủ sắc màu. Những chú châu chấu, cào cào màu xanh lá bắt đầu ngày mới với những cái búng chân tanh tách. Không khí mát mẻ, dịu dàng của vùng cao nguyên hòa cùng cơn gió lành lạnh tạo nên một bầu không khí cực kỳ thoáng đãng, mát mẻ và yên bình.
Mùa dã quỳ rộ nở, lòng tôi dâng lên bao niềm cảm xúc. Không kiêu sa đài các cũng không mỏng manh, dã quỳ dường như biết cách gói những mạnh mẽ, dịu dàng vào từng cánh hoa. Với tôi, dã quỳ vừa hoang dại, vừa mạnh mẽ như người dân ở đây. Dã quỳ không ngại nắng, không ngại gió, những thứ vốn dĩ là “đặc sản” của vùng cao nguyên này, cũng không cần bàn tay chăm bón mà cứ thế sinh sôi, phát triển góp sắc vàng rực rỡ cho những con dốc, triền đồi. Con đường uốn cong mềm mại dẫn lên đỉnh đồi vàng sắc dã quỳ. Loài hoa mộc mạc xòe từng cánh dưới ánh nắng tạo thành thảm hoa rực rỡ trải dài bất tận. Dường như nắng càng oi hơn, gió càng riết hơn thì dã quỳ lại càng rực vàng hơn nữa.
Không biết có phải khi quá yêu một vùng đất nào đó người ta sẽ thấy nơi ấy luôn đẹp. Với tôi, Phố núi thân thương cũng là một nơi như vậy. Phố núi trong xanh những ngày nắng vàng ruộm. Phố núi hanh hao mùa nắng cháy. Phố núi ngoại ô mong manh in dấu những cành cây khô vào một buổi chiều hoàng hôn thưa gió. Phố núi rực rỡ dã quỳ thắp lên những mùa hương sắc cao nguyên. Đường về nhà dường như ngắn lại vì lòng người khấp khởi mừng vui. Có những hạnh phúc bình dị mà đầy ý nghĩa như chuyến trở về, nơi mùa này có sắc hoa dã quỳ vàng rực.
Phong Dương

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.