Ia Lâu: Phên giậu nơi biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với quyết tâm không để các đối tượng xâm nhập, vượt biên qua địa bàn, những năm qua, xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, Gia Lai) đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân và chỉ đạo các lực lượng tích cực phối hợp tuần tra kiểm soát, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
 Các lực lượng phối hợp tuyên truyền cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Phương Dung
Các lực lượng phối hợp tuyên truyền cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Phương Dung
Ia Lâu được xem là địa bàn nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vì nằm trên tuyến hành lang các đối tượng sử dụng để vượt biên. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã có nhiều đối tượng từng hoạt động FULRO, đối tượng đã tham gia vượt biên được trả về, đối tượng chấp hành xong án phạt tù... Vì vậy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chú trọng triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng-chống vượt biên. Theo đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân; vận động người dân tích cực tham gia bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng-chống tội phạm... Ông Nguyễn Đức Tuyên-Chủ tịch UBND xã Ia Lâu-cho biết: “Hiện nay, xã đã xây dựng được 57 tổ liên gia, cứ 7-10 hộ xây dựng thành 1 tổ hoặc 7-8 hộ có rẫy liền kề xây dựng thành 1 tổ; 7 tổ tự quản đường biên và 18 tổ tự quản thôn, làng. Đồng thời, xã cũng đã xây dựng được 13 điểm chốt tại các khu vực xung yếu tuyến hành lang vượt biên”.
Chủ tịch UBND xã Ia Lâu cho rằng: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, xử lý kịp thời thông tin phản ánh của nhân dân và có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với những nguồn tin có giá trị nên nhiều năm qua, xã đã khích lệ được tinh thần đấu tranh tố giác tội phạm trong nhân dân. Từ năm 2013 đến nay, người dân trên địa bàn đã cung cấp hơn 40 nguồn tin có giá trị; từ đó xã đã kịp thời triển khai lực lượng tuần tra kiểm soát, bắt giữ trên 150 đối tượng ở các địa phương khác xâm nhập tuyến hành lang tìm đường vượt biên sang Campuchia. Bên cạnh đó, hàng năm, xã cũng chỉ đạo các lực lượng phối hợp chặt chẽ trong công tác tuần tra kiểm soát, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Ông Bùi Văn Dương-Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự xã-cho hay: “Hàng năm, Ban Chỉ huy Quân sự xã đã xây dựng, bổ sung kế hoạch phối hợp với Công an và các lực lượng tổ chức tuần tra kiểm soát địa bàn 25-32 lượt, trong đó tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm và tuyến hành lang các đối tượng có thể câu móc, tổ chức dẫn người vượt biên để chốt chặn, phát hiện, ngăn chặn kịp thời”.
Các lực lượng của xã phối hợp tuần tra. Ảnh: Phương Dung
Các lực lượng của xã phối hợp tuần tra. Ảnh: Phương Dung
Cũng theo ông Dương, cách đây 3 năm, nguồn tin từ người dân cho biết có khoảng 10 người lạ mặt đi xe máy từ hướng huyện Chư Pưh xuyên qua rừng xâm nhập vào địa bàn xã, mang theo khá nhiều đồ đạc. Khi nhận được thông tin, xã đã triển khai lực lượng tăng cường kiểm tra, chốt chặn chặt chẽ ở khu vực tuyến hành lang và kiểm tra, khoanh vùng hoạt động của các đối tượng... Sau nhiều giờ tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã bắt giữ các đối tượng đang tìm đường vượt biên cùng 9 chiếc xe máy và một số đồ cá nhân tại khu vực chân núi Chư Hoa. Đầu tháng 2-2018, một người dân ở thôn Lũng Vân đang làm rẫy ở khu vực chân núi Chư Gây cũng đã phát hiện 6 đối tượng lạ mặt mang theo đồ đạc lén lút ra khỏi khu vực hành lang sang xã Ia Mơr. Sau khi phát hiện, người dân đã gặng hỏi, theo dõi và tìm cách điện thoại cho lực lượng chức năng của xã đến ngăn chặn kịp thời.
Ngoài tăng cường kiểm soát địa bàn, phòng-chống xâm nhập, vượt biên, thời gian qua, xã Ia Lâu còn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ các đối tượng từng nhẹ dạ cả tin, lầm đường lạc lối tập trung phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Tuyên trao đổi thêm: Với một số hộ quá khó khăn, xã hỗ trợ cây-con giống và hướng dẫn kỹ thuật để họ yên tâm lao động sản xuất, từng bước nâng cao đời sống. Nhờ đó, đến nay, nhiều người đã và đang trở thành nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động của các hội, đoàn thể trên địa bàn. Đặc biệt, nhiều năm qua, trên địa bàn xã Ia Lâu không có trường hợp nào vượt biên sang Campuchia.
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.