Tích cực chuẩn bị lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đầu tháng 11, lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya 2018 mới diễn ra. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, các cơ quan, ban ngành của huyện Chư Pah cùng các đơn vị quân đội đã chung tay với xã Chư Đăng Ya tích cực chuẩn bị cho sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng này.
   Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48 và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Pah cùng dân làng Ia Gri di dời nhà rông. Ảnh: Phương Dung
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48 và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Pah cùng dân làng Ia Gri di dời nhà rông. Ảnh: Phương Dung
6 giờ sáng, đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya vẫn còn bao phủ bởi một màn sương dày đặc. Ấy vậy mà dân làng Ia Gri đã tập trung dưới chân núi chuẩn bị các lễ vật gồm: 3 ghè rượu, 3 con gà, 1 con bò để di dời nhà rông cũ và cúng mừng nhà rông mới. Chẳng là ngôi nhà rông của làng án ngữ ở vị trí không thuận lợi cho việc bố trí cảnh quan phục vụ lễ hội nên sau khi được sự thống nhất của dân làng, xã đã phối hợp với Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3), Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Pah di dời nhà rông lùi về vị trí mới, cách vị trí cũ chừng 50 m.
Gần 100 cán bộ, chiến sĩ của 2 đơn vị cộng với thanh niên trong làng đúng 7 giờ sáng đã bắt tay vào thực hiện các phần việc đúng như kế hoạch. Hơn 10 cán bộ, chiến sĩ với cuốc, xẻng tham gia đào các hố móng để chôn trụ nhà rông ở vị trí mới. Nhóm khác với búa, xà beng... tháo dỡ nhà sinh hoạt cộng đồng của làng ngay sát bên nhà rông, vì nhà đã cũ, xuống cấp và không phù hợp với quy mô nhà sinh hoạt đạt chuẩn nông thôn mới. Phần lớn quân số còn lại tham gia vào việc di dời nhà rông. Do nhà rông của làng làm chưa lâu, 8 trụ nhà đều chôn sâu, đổ bê tông chắc chắn nên phải mất khá nhiều thời gian, cán bộ, chiến sĩ mới có thể khoan, đục xong phần móng mà không gây ảnh hưởng đến kết cấu nhà. Sau khi các cột nhà được giằng lại chắc chắn bằng các thanh gỗ lớn, việc di dời mới bắt đầu thực hiện với sự tham gia của tất cả cán bộ, chiến sĩ và thanh niên làng Ia Gri.
Trực tiếp chỉ huy 65 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tham gia di dời nhà rông của làng, Trung tá Trần Văn Tuấn-Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 48-cho biết: “Nhận được đề nghị của xã, đơn vị đã lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm trong việc di dời nhà dân ở xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) để tham gia thực hiện. Ngôi nhà rông khá nặng nên chúng tôi cũng quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị tâm lý kỹ và trong quá trình thực hiện phải đảm bảo an toàn tuyệt đối”. Ngoài việc tham gia di dời nhà rông, Trung đoàn 48 và Ban Chỉ huy Quân sự huyện sẽ tiếp tục giúp xã thực hiện một số hạng mục để đảm bảo cho lễ hội.
Đứng bên cạnh quan sát các cán bộ, chiến sĩ và dân làng di dời nhà rông về vị trí mới, khuôn mặt già làng Ia Gri-Am Luih khá căng thẳng, lo âu. Mãi đến khi ngôi nhà rông được đặt ngay ngắn ở vị trí mới, ông mới thở phào nhẹ nhõm và miệng nở nụ cười thật tươi. Ông bảo do mái nhà rông quá cao-chừng 7 m, trong quá trình di chuyển nếu chẳng may gặp gió to thì rất nguy hiểm. Ông Am Luih phấn khởi: “Trước khi di dời nhà rông, mình đã họp 93 hộ dân trong làng lại và ai cũng đồng tình, mong muốn lễ hội sẽ được duy trì thường xuyên để bà con có cơ hội quảng bá du lịch, giới thiệu các đặc sản địa phương đến du khách thập phương”.
Theo ông Nguyễn Văn Nội-Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya, tranh thủ thời tiết thuận lợi, huyện, xã gấp rút chuẩn bị các phần việc cho lễ hội. Bên cạnh việc di dời nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng, xã cũng đã vận động hơn 50 hộ dân đồng ý cho mượn đất để mở đường lên núi vào nơi tổ chức các hoạt động lễ hội. Thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với các đơn vị củng cố không gian lễ hội, nâng cấp lại nhà rông, phóng đường lên núi để thuận tiện cho du khách tham quan, ngắm hoa... “Nếu thời tiết thuận lợi, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội hoa sẽ hoàn thành trong tháng 10. Riêng nhà sinh hoạt cộng đồng của làng, sau khi xong lễ hội, xã sẽ xin kinh phí để xây dựng lại cho phù hợp với nhà sinh hoạt đạt chuẩn nông thôn mới”-ông Nguyễn Văn Nội cho hay.  
Mọi công việc hoàn tất cũng là lúc già làng Am Luih bắt đầu chủ trì nghi lễ cúng nhà rông mới và cầu xin Yàng cho dân làng Ia Gri sức khỏe, mưa thuận giò hòa, cây cối tốt tươi. Và rồi, dưới chân núi Chư Đăng Ya, dân làng Ia Gri cùng nhau đánh cồng chiêng, múa xoang và chếnh choáng trong men say rượu cần.
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.