Núi lửa: "Mỏ vàng" du lịch ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Như một khám phá có thể tận dụng triệt để nhằm phát triển du lịch trong bối cảnh cần tạo ra sản phẩm độc đáo, riêng biệt làm thành “thương hiệu”, hệ thống núi lửa âm và dương hiện có trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang trở thành điểm nhấn.
Núi lửa âm là khái niệm chỉ những hố sụt, là miệng núi lửa ngày nào giờ là những ao hồ, thung lũng lớn nhỏ. Còn núi lửa dương là những núi lửa đã tắt nhưng không bị sụt lún mà còn giữ nguyên hình hài đồi núi nhô lên khỏi mặt đất.
  Núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Bằng trực quan cũng không khó phát hiện một vùng Pleiku là địa hình núi lửa đã tắt từ hàng trăm triệu năm trước. Tôi đồ rằng màu đất đỏ bazan như son ai cũng biết, nhưng nguồn gốc phun trào núi lửa để hình thành vùng đất màu mỡ phì nhiêu thì không hẳn nhiều người tường tận. Không ít người nhận ra Biển Hồ, Hàm Rồng (TP. Pleiku) vốn là núi lửa, nhưng còn những Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah), thung lũng mỡ màu làng Ốp (TP. Pleiku), Ayun Hạ (huyện Phú Thiện), những lòng chảo là ruộng lúa, la ghim, vườn cà phê dọc suối Hội Phú, phường Ia Kring, xã Trà Đa (TP. Pleiku) liền kề với những quả đồi bát úp lô xô... đó là gì nếu không phải là dấu tích của những trận phun trào từ lòng đất hàng trăm triệu năm trước?
Từ thực tế trên, cần thiết bổ sung quy hoạch phát triển du lịch, trong đó có “độc quyền” du lịch trải nghiệm khám phá hệ thống núi lửa âm và dương của tỉnh. Biển Hồ đã là thắng cảnh độc đáo có tính ổn định. Núi Hàm Rồng vì lý do an ninh có thể khó hơn để khai thác làm du lịch, nhưng không phải là điều không thể, khi chúng ta hài hòa lợi ích kinh tế du lịch và quốc phòng-an ninh. Tính độc đáo và giá trị lớn đã được chứng minh mấy năm gần đây là núi lửa Chư Đăng Ya. Cách không xa TP. Pleiku, hiện trạng tự nhiên chưa nhiều biến đổi, Chư Đăng Ya cần được nhanh chóng quy hoạch thành điểm nhấn du lịch. Tất nhiên, việc đền bù, giải quyết đất sản xuất cho dân phải thật căn cơ và thấu đáo, cũng như tận dụng phát triển mô hình gia đình làm du lịch đối với thắng cảnh này. Cánh đồng làng Ốp rộng lớn, ôm một vòng tròn rất độc đáo cũng phải được xem là một thắng cảnh của núi lửa âm không thể bỏ qua. Khi được quy hoạch làm du lịch thì việc đầu tư xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và dịch vụ sẽ mang lại nguồn lợi lớn hơn rất nhiều so với lợi ích mà một cánh đồng mang lại như hiện nay.
Cách khoảng 80 km, chúng ta có vùng lòng chảo Cheo Reo-Phú Bổn trước đây, nay trải dài từ xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) đến tận thị xã Ayun Pa. Nơi đây có núi Chư A Thai là ngọn núi lửa đã tắt hàng triệu năm trước, và còn đó di tích Plei Ơi gắn liền với truyền thuyết cây gươm thần của Vua Lửa. Vùng đất này còn có một công trình nhân tạo-thủy lợi Ayun Hạ-chặn đứng dòng chảy tự nhiên của một con sông làm nên hồ nước mát lành, rộng lớn với hàng loạt đảo sinh thái trong lòng hồ tuyệt đẹp, đưa vào khai thác du lịch rất tốt. Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi đã được công nhận nhưng cùng với thắng cảnh lòng hồ Ayun Hạ và đặc biệt là khai thác núi lửa dương (ngọn Chư A Thai) và núi lửa âm vùng lòng chảo là những cánh đồng, buôn làng trải rộng dọc quốc lộ 25 cũng nên được tính đến trong chiến lược phát triển du lịch, mà việc đầu tiên là bổ sung vào quy hoạch du lịch có tính đặc thù, độc đáo.
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

(GLO)- Ông Rơ Lan Đăk (làng Thong Yố, xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất cũng như tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

(GLO)- Đình Kế Môn (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã tồn tại từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng lại khá ít người biết đến. Từ làng Kế Môn, những người thợ kim hoàn đã tỏa ra khắp mọi miền đất nước, mở rộng thị trường khiến tiếng thơm về làng vàng Kế Môn ngày một vang xa.